• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tổng Cục trưởng Tổng Cục Quản lý thị trường lên tiếng về vụ việc SEVEN.AM: "Mất mát lớn nhất của doanh nghiệp là bị khách hàng “quay lưng”

Kinh tế 13/11/2019 07:16

(Tổ Quốc) - “Mất mát của doanh nghiệp không phải là bị xử phạt bao nhiêu tiền mà là mất mát về thương hiệu, uy tín. Nếu họ lừa dối khách hàng thì khách hàng sẽ “quay lưng” lại với họ. Đó là mất mát đáng sợ nhất đối với bất kỳ doanh nghiệp nào”, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh cho hay.

Tuần qua, việc lực lượng quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội phát hiện một số cơ sở, thương hiệu thời trang nổi tiếng có hành vi gian lận nguồn gốc xuất xứ sản phẩm đã gây phẫn nộ trong dư luận. Đây cũng là nội dung mà các đại biểu Quốc hội quan tâm, đặt nhiều câu hỏi đối với Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh tại phiên chất vấn ngày 6-7/11. 

Để làm rõ thông tin này, phóng viên Báo Điện tử Tổ Quốc đã trao đổi với ông Trần Hữu Linh - Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương):

Tổng Cục trưởng Tổng Cục QLTT lên tiếng về vụ việc  SEVEN.AM:  "Mất mát lớn nhất của doanh nghiệp là bị khách hàng “quay lưng” - Ảnh 1.

ông Trần Hữu Linh - Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương).

Bài học từ Khaisilk

-Thưa ông, ngày càng xuất hiện nhiều các vụ việc hàng hoá giả mạo xuất xứ Việt Nam. Tuy nhiên, con số các vụ việc được phát hiện còn khá khiêm tốn. Vậy xin ông cho biết khó khăn trong phát hiện và xử lý những vi phạm đó là gì?

+ Về gian lận xuất xứ thì thường có những phương thức: Thứ nhất là doanh nghiệp chủ động gia công từ nước ngoài, chủ động gắn mác "made in Vietnam" từ nước ngoài, sau đó thẩm lậu vào thị trường nội địa.

Thứ hai, doanh nghiệp nhập hàng về Việt Nam rồi sau đó mới làm công đoạn thay nhãn mác, tức là làm trong thị trường nội địa.

Thứ ba là doanh nghiệp tổ chức sản xuất trong thị trường nội địa.

Với hàng hóa chủ động sản xuất, đặt nhãn mác "made in Vietnam" ngay từ nước ngoài – việc này, doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở trong công tác quản lý về xuất nhập khẩu để thẩm lậu vào trong nước.

Còn đối với việc thay đổi nhãn mác ở trong nội địa thì khó ở chỗ là phải bắt được quả tang, mà việc này thì không hề đơn giản chút nào bởi họ thường tiến hành công đoạn này tại những căn nhà dân trong những khu vực kín đáo. Vì thế, việc nắm được nguồn thông tin chính xác và đến tiếp cận, bắt quả tang là rất khó. Bên cạnh đó, giả mạo xuất xứ cũng bao gồm rất nhiều loại mặt hàng: quần áo, da giày... và số lượng quá nhiều nên rất khó trong công tác phòng, chống.

Đây là những khó khăn nhất mà lực lượng chức năng gặp phải. Bây giờ khâu gian lận xuất xứ rất tinh vi. Doanh nghiệp tìm mọi cách để luồn lách, hợp thức hóa chứng từ, hoá đơn, vận đơn, hợp đồng.... Có trường hợp bắt được quả tang nhưng khi kiểm tra hồ sơ, chứng từ lại đầy đủ hết.

- Mấy ngày gần đây, truyền thông đưa tin về việc một số thương hiệu quần áo thời trang nổi tiếng như SEVEN.AM, NEM... có dấu hiệu cắt mác có chữ nước ngoài và thay thế bằng mác Việt Nam. Được biết, ông đã nắm được tình hình sự việc. Vậy Tổng Cục QLTT đã có chỉ đạo gì về vụ việc này chưa, thưa ông?

+ Ngày 8/11, qua báo chí, lực lượng QLTT nắm được sự việc xảy ra tại chuỗi cửa hàng thời trang SEVEN.AM. 

Ngay sau khi có thông tin này, Tổng cục QLTT đã chỉ đạo Cục QLTT Hà Nội đi kiểm tra xác minh thông tin ngay. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng chức năng đã đến các cửa hàng của thương hiệu này tại Hà Nội để kiểm tra xác minh. 9h sáng ngày Thứ 2 (11/11), chúng tôi đã tiến hành kiểm tra tại 5 cửa hàng của chuỗi thương hiệu này và thu giữ hơn 9.000 sản phẩm các loại nhằm xác minh xem doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm hay không?

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại có thông tin chủ doanh nghiệp đã thừa nhận sai.

Nói chung, mặt hàng giày dép, quần áo có nhu cầu tiêu thụ rất cao và rất dễ xảy ra vi phạm, gian lận xuất xứ bởi việc cắt mác, thay nhãn mác rất thủ công và đơn giản.

Ví như chiều 4/11 vừa qua, Cục Quản lý thị trường Hà Nội (Đội QLTT số 17) kiểm tra cơ sở may mặc tại 503 Bát Khối, phường Thạch Bàn, quận Long Biên. Tại thời điểm kiểm tra công nhân may của cơ sở này đang thực hiện việc cắt tem nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài và đính thay bằng nhãn NEM, IFU trên các sản phẩm quần áo. Tuy nhiên, hiện nay đang nghi vấn chứ chưa xác định được mối liên hệ giữa đơn vị này và các hãng thời trang trên.

Khi xác minh, lực lượng chức năng phải kiểm tra giấy tờ nguồn gốc xuất xứ của hàng hoá và sử dụng công tác nghiệp vụ đấu tranh với đương sự, làm thế nào để họ thừa nhận hành vi gian lận của họ. Thực ra công tác xác minh không dễ, bởi một khi họ cố tình vi phạm pháp luật thì họ cũng chuẩn bị hết tất cả những phương án để trốn tránh, luồn lách. Mặc dù phức tạp nhưng lực lượng QLTT cũng rất cố gắng phối hợp với các lực lượng khác (hải quan, thuế) để xác minh các vụ việc gian lận xuất xứ.

Tuyệt đối không bảo kê cho cơ sở kinh doanh

- Là người chịu trách nhiệm trong lĩnh vực quản lý thị trường, ông có bao giờ đặt ra tình huống sẽ có sự thoả thuận giữa nhân viên của mình với doanh nghiệp?

+ Trước đây thì cũng nhiều người nói rằng có hiện tượng đó. Về phía Tổng Cục QLTT, chúng tôi kiên quyết đấu tranh với hiện tượng bảo kê cho những hành vi gian lận thương mại và kiên quyết loại bỏ những hiện tượng đó vì đây là vấn đề đạo đức công vụ của những kiểm soát viên quản lý thị trường. 

Chúng tôi gắn trách nhiệm của người đội trưởng phụ trách địa bàn với địa bàn mà người ta quản lý. Trong trường hợp để xảy ra vi phạm thì các Cục trưởng tại các tỉnh phải chịu trách nhiệm. Trong các văn bản chỉ đạo về kiểm tra, kiểm soát, Tổng Cục QLTT đều nêu rõ việc tuyệt đối tuân thủ kỷ luật, không được phép để hiện tượng bao che, bảo kê cho cơ sở kinh doanh.

Tổng Cục trưởng Tổng Cục QLTT lên tiếng về vụ việc  SEVEN.AM:  "Mất mát lớn nhất của doanh nghiệp là bị khách hàng “quay lưng” - Ảnh 2.

Số hàng hóa này của SEVEN.AM đều không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp. (Nguồn: plo.vn)

Bên cạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng thì cũng tăng cường công tác kiểm tra công vụ thường xuyên, công tác khen thưởng và công tác kỷ luật cũng phải làm rất nghiêm minh thì mới đảm bảo không tái diễn vấn đề liên quan đến bảo kê cho các hoạt động gian lận.

-Trong trường hợp có kết luận chính thức doanh nghiệp sai phạm (ví như SEVEN.AM), Tổng Cục QLTT sẽ xử lý như thế nào để răn đe, thưa ông?

+ Việc thay đổi xuất xứ nếu có thì cũng đã có quy định của pháp luật, trong đó có Nghị định 43. Do đó, nếu họ thừa nhận vi phạm thì có thể ra quyết định xử phạt ngay. Tuy nhiên, cũng xem xét căn cứ vào số lượng hàng hoá vi phạm đến đâu để có quyết định xử phạt phù hợp.

Dù vậy, tôi cho rằng, mất mát của doanh nghiệp ở đây không phải là bị xử phạt bao nhiêu tiền, mà ở đây là mất mát về thương hiệu, uy tín của doanh nghiệp. Nếu họ lừa dối khách hàng thì khách hàng sẽ quay lưng lại với họ. Đó là mất mát đáng sợ nhất đối với bất kỳ doanh nghiệp nào. Khaisilk là một ví dụ rất rõ ràng về mất lòng tin đối với người tiêu dùng.

- Hiện Bộ Công Thương đã chủ động đề xuất xây dựng Thông tư quy định về thế nào là hàng "made in Vietnam". Văn bản này đang lấy ý kiến. Ông kỳ vọng gì vào Thông tư này?

+ Thông tư này ra đời sẽ giúp cho ngành quản lý thị trường có văn bản quy phạm pháp luật một cách chính thức để hoạt động công vụ. Quản lý thị trường làm công tác hậu kiểm là chính. Đúng là ngành hiện nay đang thiếu hụt văn bản quy phạm pháp luật  về việc xác định thế nào là hàng hóa có xuất xứ Việt Nam.  

Tôi cũng mong rằng Thông tư này được ban hành sớm để có hành lang pháp lý phục vụ hoạt động của ngành.

Dù vậy, Thông tư có hiệu lực  cũng đồng nghĩa với trách nhiệm của ngành quản lý thị trường càng lớn. Khi đó công việc sẽ phức tạp hơn rất nhiều vì liên quan đến việc xác minh những hàm lượng của từng sản phẩm.

Dù vậy, như tôi đã nói, sự ra đời của một văn bản quy phạm pháp luật chính thức sẽ rất quan trọng với ngành quản lý thị trường.

-Xin cảm ơn ông đã chia sẻ! 

Hà Giang

NỔI BẬT TRANG CHỦ