(Tổ Quốc) - Theo đánh giá, việc thông qua Đề án điều chỉnh địa giới hành chính để mở rộng TP Huế và sắp xếp, thành lập các phường thuộc TP Huế được xem là một bước quan trong trọng tiến trình cụ thể hóa xây dựng phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.
Ngày 24/4, Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, đoàn công tác của Ủy ban Pháp luật Quốc hội đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh về việc thẩm tra Đề án điều chỉnh địa giới hành chính để mở rộng TP Huế và sắp xếp, thành lập các phường thuộc TP Huế.
Theo đề án này, không gian đô thị Huế hiện nay với diện tích toàn TP Huế 70,67km2 là quá nhỏ so với tốc độ phát triển đô thị, mật độ dân số toàn đô thị cao (7.222 người/km2), hạ tầng xã hội khu vực trung tâm đang quá tải, hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị.
Định hướng xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tại Nghị quyết số 54 của Bộ Chính trị xác định mô hình đô thị Thừa Thiên Huế trực thuộc Trung ương bao gồm TP Huế mở rộng, các thị xã Hương Thủy, Hương Trà, Phong Điền và các huyện theo mô hình thành phố trong thành phố; không hình thành các quận nội thành. Vì vậy, việc mở rộng TP Huế để đáp ứng được các quy định của pháp luật về diện tích tự nhiên, quy mô dân số và từng bước cụ thể hóa Nghị quyết của Bộ Chính trị để tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Phạm vi mở rộng đô thị Huế bao gồm TP Huế hiện hữu (70,67km2) và khu vực định hướng phát triển, mở rộng đô thị thuộc phạm vi các thị xã: Hương Thủy, Hương Trà và một phần huyện Phú Vang; diện tích khoảng 266,06km2.
TP Huế hiện nay vẫn còn một số phường có quy mô diện tích khá nhỏ, không gian phát triển bị chia cắt, gây khó khăn, cản trở trong công tác lập kế hoạch, quy hoạch dài hạn, định hướng phát triển kinh tế - xã hội cũng như quy hoạch, kế hoạch phát triển vùng. Việc khuyến khích sắp xếp lại các đơn vị hành chính phường có quy mô nhỏ là cần thiết, nhằm tinh gọn bộ máy, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực.
Cũng theo đề án này, sau khi sắp xếp, sáp nhập toàn TP Huế có 36 đơn vị hành chính (29 phường và 7 xã). Việc thành lập các phường đảm bảo cơ cấu nội, ngoại thành của TP Huế trong tương lai, từng bước phát triển đô thị Huế theo mục tiêu và tính chất theo Quy hoạch chung TP Huế đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 mà Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra.
Qúa trình làm việc, các thành viên Ủy ban Pháp luật Quốc hội đã tập trung thảo luận, làm rõ một số nội dung liên quan. Qua đó, tán thành với phương án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc TP Huế như đã nêu ở tờ trình. Đồng thời, đồng tình, ủng hộ với sự cần thiết của đề án, mong muốn đề án sớm được thông qua và lưu ý một số vấn đề nhằm hoàn thiện đề án có tính khả thi cao.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Hoàng Thanh Tùng, đề án này là sự cần thiết, phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt, là bước quan trọng phát triển vùng lõi để xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo tinh thần của Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường.
Nếu đề án được thông qua, TP Huế được mở rộng sẽ khai thác các tiềm năng, lợi thế để nâng vị thế và tầm ảnh hưởng của TP Huế, là cơ hội để TP Huế nói riêng và tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung phát triển nhanh và toàn diện hơn trong thời gian tới. Xứng tầm là đô thị hạt nhân, một cực phát triển của vùng.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội đề nghị các cơ quan Trung ương, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp thu các ý kiến đóng góp, giải trình, bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ đề án, đảm bảo đủ điều kiện, cơ sở pháp lý báo cáo đề án lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong thời gian sớm nhất./.