(Tổ Quốc) -Ông Lê Văn Khoa-Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết đối với nước thải công nghiệp thành phố đã xây dựng cơ sở dữ liệu kiểm soát các nguồn thải cũng như các nguồn nước thải có lưu lượng lớn đã được đầu tư hệ thống xử lý nước thải trước khi thải ra môi trường.
Nước thải chưa qua xử lý thải trực tiếp ra kênh Tham Lương (hình minh họa) |
“Tuy nhiên, vẫn còn nhiều cơ sở với công nghệ sản xuất cũ nằm xen cài trong khu dân cư phát sinh nước thải công nghiệp gây ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng dân cư” – ông Lê Văn Khoa nói.
Theo thống kê của Sở TN-MT TP.HCM, hiện trên địa bàn thành phố có 15 KCN-KCX và 1 khu công nghệ cao. Từ năm 2011 đến nay, tất cả các khu này đều đã xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung và từ đầu năm 2016 đã có hệ thống quan trắc tự động chất lượng nước thải sau xử lý. Tổng công suất xử lý bình quân của các nhà máy xử lý nước thải khoảng 44.370m³/ngày trên tổng công suất thiết kế là 75.300m³/ngày.
Đối với nước thải công nghiệp từ các cơ sở sản xuất ngoài KCX-KCN, theo Sở TN-MT thành phố có 3.370 cơ sở sản xuất, thương mại dịch vụ có lưu lượng nước thải 10m³/ngày trở lên, trong đó 82,5% nguồn nước thải với lưu lượng từ 50m³/ngày trở lên có hệ thống xử lý.
Ngoài ra, hiện có 2.800 cơ sở sản xuất thuộc đối tượng nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp, trong đó có 2.455 cơ sở (chiếm 87%) chỉ phát sinh nước thải sinh hoạt, như ngành sản xuất may mặc, dệt, bao bì giấy, cơ khí, nhựa, đóng gói thực phẩm… Có 345 cơ sở (chiếm 13%) có phát sinh nước thải công nghiệp như ngành nghề sản xuất nhuộm, giấy, chế biến thực phẩm, sửa chữa ô tô…
“Do đó, trong thời gian tới thành phố sẽ tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu các nguồn thải cũng như cải tạo, nâng cấp hệ thống xử lý nước thải” – đại diện Sở TN-MT cho biết thêm.