(Tổ Quốc) - Ông Lê Văn Khoa-Phó chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu các cơ quan chức năng phải xử lý khẩn cấp khu vực bị sạt lở đe dọa nhà dân trong 5 ngày.
- 01.06.2017 Vũ điệu thổ dân Úc sẽ góp thêm sắc màu cho đêm Thủy
- 01.06.2017 Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã phản ứng tích cực, nghiêm khắc
- 01.06.2017 Thanh Hóa: Phát hiện xe khách vận chuyển gỗ giáng hương và 427kg pháo các loại
- 01.06.2017 Quảng Nam: Xe tải bốc cháy dữ dội gần trạm thu phí
- 01.06.2017 Cách chức người đứng đầu nếu không tổ chức họp báo định kỳ
Đoàn công tác đi kiểm tra, khảo sát thực tế khu vực sụt lún |
Liên quan đến khu vực sụp lún xuất hiện vào sáng ngày 30/5 (thuộc hẻm 1740 Lê Văn Lương, xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè) tiếp tục bị toác rộng, có nguy cơ lôi tuột nhà dân xuống sông Rạch Tôm bất cứ lúc nào, sáng nay (1/6), ông Lê Văn Khoa đã dẫn đầu đoàn kiểm tra liên ngành đến hiện trường rà soát tình hình và đánh giá cụ thể trước khi đưa ra biện pháp khắc phục.
Từ khảo sát thực tế và theo đánh giá sơ bộ của PGS.TS Tô Văn Thanh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học - Thủy lợi miền Nam, nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng trên là do dòng chảy qua khu vực bị mất ổn định, tạo ra hố xoáy làm đất bị xói mòn nên giải pháp trước mắt là phải khẩn cấp lấp hố xoáy dưới lòng Rạch Tôm để ngăn tình trạng xói lở tiếp tục lan rộng. Nếu không khi nước rút sẽ làm nền đất ven bờ dễ bị sạt xuống sông.
Tuy nhiên, theo đánh giá của GS.TS Lê Mạnh Hùng, chuyên gia cao cấp thuộc Viện Khoa học - Thủy lợi miền Nam, tình trạng sụp lún và nguy cơ sạt lở tại khu vực trên chưa đến mức thực sự nghiêm trọng. Vì vậy, các đơn vị cần bình tĩnh để xử lý, quan trọng nhất là đảm bảo an toàn cho người dân nhưng việc khắc phục cần thực hiện trên cơ sở khoa học, đúng tính chất và mức độ.
Đường nứt lún xuất hiện vào sáng ngày 30/5 và đang tiếp tục có nguy cơ nứt rộng hơn |
Còn theo ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM, cho biết nguyên nhân sơ bộ dẫn đến tình trạng sụp lún tại khu vực trên là do đường hẻm 1740 được xây dựng trên nên đất yếu, lượng phương tiện đi lại cũng khá cao nên khi triều cường ở con rạch dâng lên rồi rút xuống rất dễ khiến nền đất bị xói lở.
Trước những đánh giá của các nhà khoa học và để đảm bảo an toàn cho người dân, ông Lê Văn Khoa yêu cầu UBND huyện Nhà Bè ngay trong hôm nay (1/6) phải tiến hành họp dân, không chỉ riêng những hộ dân bị ảnh hưởng mà phải tổ chức cả khu vực xung quanh để thông tin chi tiết về tình hình, nêu hiện trạng, các giải pháp mà chính quyền đã, đang và sẽ thực hiện để người dân an tâm.
Ngoài ra, UBND huyện, xã tiến hành vận động để di dời 4 hộ dân còn lại đang bị ảnh hưởng đến nơi an toàn, đảm bảo nơi ở mới và hỗ trợ người dân di dời, trễ nhất là đến sáng 2/6 phải thực hiện xong và các lực lượng cũng phải túc trực 24/24 nhằm cập nhật diễn biến mới cũng như giữ gìn tài sản cho người dân.
Về mặt khoa học, ông Lê Văn Khoa cũng yêu cầu Sở GTVT phối hợp Viện Khoa học – Thủy lợi miền Nam cùng các đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện việc kiểm tra toàn diện, xử lý khẩn cấp khu vực trên trong thời gian 5 ngày.
Lực lượng chức năng lập rào chắn, hạn chế người dân qua lại tại khu vực xảy ra nứt lún |
Liên quan đến công tác khắc phục, theo ông Bùi Xuân Cường, việc xử lý tuy khẩn cấp nhưng Sở sẽ thực hiện cẩn thận theo từng bước, có sự phối hợp đồng bộ với chính quyền địa phương cũng như các đơn vị liên quan.
"Việc khắc phục phải đảm bảo đúng các vấn đề về kỹ thuật và an toàn. Về kinh phí, UBND TP chấp nhận cho Sở GTVT tạm ứng 300 triệu đồng từ nguồn vốn ngân sách để thực hiện các công tác thuê đơn vị tư vấn, đánh giá toàn diện để có phương án xây dựng công trình nhằm ngăn chặn triệt để nguy cơ xảy ra sạt lở tại khu vực" - ông Lê Văn Khoa nói.