(Tổ Quốc) - Đây là một trong những kỹ thuật phẫu thuật hiện đại lần đầu tiên được thực hiện tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên, mang lại hy vọng cho nhiều bệnh nhân bị dị tật khuôn mặt bẩm sinh.
Thông tin từ Khoa Phẫu thuật Tạo hình - Thẩm mỹ - Bàn tay (Bệnh viện TƯ Huế), trong năm 2017 đã có 4 bệnh nhân bị biến dạng khuôn mặt bẩm sinh do thiểu sản xương hàm dưới hay thiểu sản nửa mặt được đơn vị phẫu thuật thành công, trả lại khuôn mặt như bình thường.
Bệnh nhân 5 tuổi bị thiểu sản xương hàm dưới bẩm sinh gây khó thở và không nói được, sau 2 tháng điều trị khuôn mặt đã trở lại bình thường, trẻ hết khó thở và bắt đầu tập nói. |
Bệnh thiểu sản nửa mặt hay thiểu sản xương hàm dưới là một dị tật bẩm sinh chiếm tỷ lệ 1/5.600 trẻ khi sinh. Khi mới sinh ra, do xương hàm dưới hay xương gò má 1 bên không phát triển hay không có, nên khuôn mặt của trẻ bị biến dạng, méo lệch sang 1 bên, ảnh hưởng rất lớn đến thẩm mỹ và tâm lý.
Bệnh thường kèm theo không có vành tai và lưỡi bị ngắn lại đẩy lùi ra sau chèn ép vào đường thở gây khó thở, ngáy to khi ngủ và trẻ không thể ngủ được ở tư thế nằm. Trẻ cũng thường bị chậm phát triển do thở không đủ oxy cung cấp lên não. Trường hợp nặng, lưỡi chèn ép nhiều vào đường thở gây đột tử cho trẻ nếu không kịp thời phát hiện và khai khí quản để trẻ thở qua một ống thở ở cổ.
Theo TS. BS. Lê Thừa Trung Hậu - Phó Khoa Phẫu thuật Tạo hình - Thẩm mỹ - Bàn tay của BVTƯ Huế, thời gian qua sau khi được tu nghiệp tại ĐH Y Khoa Stanford – Hoa Kỳ để chuyển giao kỹ thuật phẫu thuật các bệnh lý này, TS. Hậu đã được các đồng nghiệp hỗ trợ nhiều phương tiện kéo giãn xương để phục vụ điều trị miễn phí cho các bệnh nhân có nhu cầu tại BVTƯ Huế.
Được biết, đây là một trong những kỹ thuật phẫu thuật hiện đại lần đầu tiên được thực hiện tại khu vực Miền Trung và Tây Nguyên. Giá trị của mỗi bộ kéo giãn xương cũng rất lớn, lên đến 15.000 USD.
Trong số 4 bệnh nhân đầu tiên may mắn được phẫu thuật bằng phương pháp này có 3 trẻ nhỏ bị thiểu sản xương hàm dưới đã được đặt các hệ thống kéo giãn xương bên trong để tăng chiều dài xương hàm dưới và một trẻ vị thành niên 15 tuổi đã được phẫu thuật tạo hình ghép xương hàm dưới và xương gò má do bị thiểu sản nửa mặt.
Đặc biệt, trong số trên có một bệnh nhân 5 tuổi đến từ Nghệ An đã được khai mở khí quản để thở qua một ống ở cổ ngay từ khi mới sinh ra. Trước đó, bệnh nhân đã được gia đình đưa đi khắp nơi từ Hà Nội đến TP. HCM để điều trị nhưng đều được hẹn phải chờ đoàn nước ngoài về mổ.
Sau khoảng 2 tháng được phẫu thuật tại BVTƯ Huế để đặt 2 bộ kéo giãn 2 bên xương hàm dưới, bệnh nhân đã lần đầu tiên trong đời nói được và phát âm chữ “ba” rất rõ trong sự vỡ oà hạnh phúc của gia đình và các bác sĩ.
Hình ảnh CT Scan 3D trước và sau khi phẫu thuật tạo hình ghép xương gò má và xương hàm dưới trái trên bệnh nhân 15 tuổi. |
Bệnh nhân đặc biệt thứ 2 là một nam học sinh lớp 10 ở huyện Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên – Huế). Em là học sinh giỏi 9 năm liền nhưng vì có khuôn mặt biến dạng do thiểu sản nửa mặt nên rất mặc cảm, tự ti và ngại tiếp xúc với mọi người.
Do bố mẹ đều là giáo viên nên từ trước đến nay gia đình không có điều kiện để chữa trị. Sau khi được các bác sĩ phẫu thuật tạo hình lại khuôn mặt bằng ghép xương hàm dưới và xương gò má, em đã rất hạnh phúc và tràn đầy lạc quan.
TS. BS. Lê Thừa Trung Hậu cho biết thêm, trong thời gian tới bệnh viện sẽ tiếp tục phẫu thuật ghép mỡ vùng má và tái tạo lại vành tai cho em để trả lại khuôn mặt bình thường như bao người khác. Đây là ước mơ giản dị nhưng cháy bỏng của em và gia đình nhiều năm qua.
Việc áp dụng thành công phương pháp điều trị mới này tại BVTƯ Huế là thông tin đáng mừng khi mở ra hy vọng điều trị cho nhiều bệnh nhân bị dị tật khuôn mặt bẩm sinh tại Thừa Thiên – Huế cũng như khu vực miền Trung – Tây Nguyên.
Thế Trung