• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội về một số nội dung thuộc lĩnh vực văn hóa và du lịch

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận được chất vấn của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Mạnh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc theo Công văn số 1395/TTKQH-GS ngày 29/8/2022 của Tổng Thư ký Quốc hội, nội dung chất vấn như sau:

1. Ngày 16/01/2017, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Trong đó có nhiệm vụ phải hoàn thiện các chính sách trực tiếp liên quan đến phát triển du lịch như: "Về đầu tư, ban hành các chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư vào du lịch, nhất là các địa bàn trọng điểm về du lịch, vùng sâu, vùng xa có tiềm năng du lịch,...".

Tuy nhiên, qua hơn 5 năm triển khai Nghị quyết đến nay, Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan vẫn chưa ban hành được các chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư vào du lịch (như Luật về đất đai, các dự án du lịch, bồi thường giải phóng mặt bằng giá thỏa thuận; Luật đầu tư các dự án phát triển du lịch không trong danh mục ưu đãi đầu tư) để tạo đột phá cho du lịch phát triển. Đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân và những giải pháp trong thời gian tới?

2. Ngày 02/6/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 55/NQ-CP về việc đồng ý phương án hỗ trợ giảm giá điện (giảm tiền điện đợt 3 áp dụng đến tháng 12 năm 2021) cho các khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng của dịch Covid19. Việc giảm giá bán điện đã góp phần chia sẻ với những khó khăn trong sản xuất kinh doanh của các khách hàng sử dụng điện là cơ sở lưu trú du lịch bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Tại Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn nêu rõ "điều chỉnh giá điện áp dụng cho các cơ sở lưu trú du lịch ngang bằng với giá điện sản xuất". Tuy nhiên, hiện nay Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam chưa triển khai thực hiện. Đề nghị Bộ trưởng chỉ đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các Bộ, ngành liên quan giải quyết vấn đề này.

3. Theo khoản 1 Điều 16 Nghị định số 166/2018/NĐ-CP ngày 25/12/2018 của Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh: "Báo cáo kinh tế - kỹ thuật tu bổ di tích được lập trong trường hợp sau: a) Việc bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích chỉ dừng ở mức độ gia cố, sửa chữa nhỏ những hạng mục, cấu kiện đơn giản, ít ảnh hưởng đến yếu tố gốc cấu thành di tích mà không phải lựa chọn các phương án khác nhau; b) Cải tạo công trình không có yếu tố gốc cấu thành giá trị di tích hoặc xây dựng công trình mới phục vụ việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích". Như vậy, việc trùng tu, tôn tạo, phục hồi di tích dự án phải thực hiện quy trình 2 bước. Trong khi đó, theo quy định của Luật Xây dựng thì dự án có tổng mức đầu tư quy định 15 tỷ đồng chỉ phải thực hiện 1 bước.

Xin hỏi, trong thời gian tới Bộ trưởng có những giải pháp gì để giải quyết vướng mắc nêu trên.

4. Điều 5 Nghị định số 166/2018/NĐ-CP ngày 25/12/2018 quy định: "Lập quy hoạch di tích: 1. Quy hoạch di tích được lập cho một di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, di tích quốc gia đặc biệt hoặc cụm di tích quốc gia, di tích cấp tỉnh tạo thành một quần thể…"

Tuy nhiên, theo khoản 5 Điều 10 Nghị định số 45/2015/NĐ-CP ngày 06/5/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quy hoạch xây dựng: "Trường hợp dự án đầu tư xây dựng do một chủ đầu tư tổ chức thực hiện có quy mô nhỏ hơn 5 ha thì tiến hành lập dự án đầu tư xây dựng mà không phải lập quy hoạch chi tiết xây dựng". Như vậy, việc lập quy hoạch di tích trong phạm vi diện tích nhỏ hơn 5ha là không cần thiết, không đồng nhất giữa Luật Di sản văn hóa và Luật Quy hoạch xây dựng.

Xin hỏi, trong thời gian tới Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có những sửa đổi gì đối với Luật Di sản văn hóa và các quy định có liên quan để tránh những chồng chéo, tồn tại nêu trên?

5. Theo Nghị định số 166/2018/NĐ-CP ngày 25/12/2018 và Thông tư số 15/2019/TT-BVHTTDL ngày 31/12/2019, việc thẩm định dự án tu bổ di tích cấp quốc gia đặc biệt, cấp quốc gia phải thực hiện theo quy trình 2 bước và cả 2 bước đều phải có ý kiến thẩm định, thỏa thuận của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (thẩm định dự án và thẩm định thiết kế bản vẽ thi công). Như vậy, quy trình, thủ tục thẩm định và phê duyệt dự án khá phức tạp và nhiều thủ tục, thời gian thẩm định, thẩm định thỏa thuận mỗi bước từ 1 đến 2 tháng.

Xin hỏi, Bộ trưởng có những phương án điều chỉnh gì về phân cấp quản lý di tích (cả di tích đã được xếp hạng và di tích thuộc đối tượng kiểm kê) để tăng cường phân cấp, giao trách nhiệm cho địa phương về công tác quản lý nhà nước về di tích.

6. Ngày 09/02/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 05/CTTTg "Về đẩy mạnh thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang". Theo đó, giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn những nghi thức phù hợp nhằm thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang.

Trên thực tế, việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang ở mỗi địa phương, vùng miền có những đặc thù riêng vì vậy rất cần có khung hướng dẫn chung của Bộ để làm căn cứ triển khai thực hiện đảm bảo văn minh, tiến bộ mà vẫn giữ được những phong tục, tập quán tốt đẹp của địa phương.

Tuy nhiên, qua 5 năm triển khai Chỉ thị đến nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vẫn chưa có khung hướng dẫn để triển khai thực hiện, nhân rộng mô hình điểm tại các địa phương. Đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân và hướng giải quyết trong thời gian tới?

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có trả lời Đại biểu.

Cổng TTĐT của Bộ trích đăng toàn văn phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo Công văn số 4488/BVHTTDL-VP ngày 11/11/2022 về việc trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Mạnh như sau:

1. Về nội dung chất vấn liên quan đến ban hành các chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư vào du lịch

Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, với tinh thần nghiêm túc, quyết liệt, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch luôn xác định công tác nghiên cứu, tham mưu cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Bám sát 08 nhóm nhiệm vụ và giải pháp Nghị quyết số 08-NQ/TW đã chỉ ra, Bộ đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội khóa XIV thông qua Luật Du lịch 2017; trình Chính phủ ban hành Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch, Nghị định số 30/2022/NĐ-CP ngày 19/5/2022 quy định mô hình quản lý khu du lịch quốc gia và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan tạo khung khổ pháp lý, điều kiện thuận lợi phát triển ngành du lịch.

Trong 05 năm qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chấp hành nghiêm túc và thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật; chấp hành nghiêm sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát của Quốc hội; tuân thủ Quy chế làm việc của Chính phủ và phối hợp chặt chẽ cùng các Ban, Bộ, ngành, Ủy ban của Quốc hội, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cộng đồng doanh nghiệp tổ chức triển khai thực hiện cơ bản có hiệu quả các quy định, cơ chế chính sách phát triển du lịch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; thường xuyên rà soát để kịp thời phát hiện những vấn đề khó khăn, vướng mắc, những "điểm nghẽn", "rào cản" để báo cáo Chính phủ, Quốc hội xem xét, chỉ đạo, tháo gỡ, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam.

Tuy nhiên, việc thu hút đầu tư để phát triển ngành du lịch Việt Nam trong thời gian qua chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế do một số nguyên nhân như:

- Du lịch chưa thuộc danh mục ngành nghề khuyến khích đầu tư theo Luật Đầu tư 2020, chưa thuộc danh mục lĩnh vực được thực hiện đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) theo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư năm 2020; việc thực hiện các chính sách phát triển kinh tế đêm gắn với thu hút khách du lịch còn vướng các quy định của pháp luật về an ninh trật tự, bảo vệ môi trường, lao động...

- Chính sách miễn thị thực đơn phương, cấp visa điện tử đã triển khai nhưng tính cạnh tranh còn thấp; việc chưa có Văn phòng xúc tiến du lịch quốc gia tại nước ngoài là điểm bất lợi của du lịch Việt Nam so với các nước trong khu vực (hiện đang thí điểm vận hành Văn phòng xúc tiến du lịch tại Anh, tại Hàn Quốc do doanh nghiệp tài trợ).

- Nguồn lực cho xúc tiến quảng bá du lịch còn hạn chế, dàn trải, sự phối hợp giữa các địa phương, doanh nghiệp trong xúc tiến hình ảnh du lịch quốc gia còn chưa chặt chẽ.

- Hoạt động liên kết, hợp tác, phối hợp liên ngành, liên vùng chưa phát huy hiệu quả đồng bộ, thiếu người "nhạc trưởng".

- Chỉ số năng lực phát triển của du lịch Việt Nam tăng cao nhất thế giới song một số chỉ số quan trọng về hạ tầng dịch vụ du lịch, y tế và vệ sinh, hạ tầng mặt đất và cảng, tính bền vững về môi trường còn thấp.

Để giải quyết tình trạng trên, trong thời gian tới, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch sẽ tiếp tục kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ:

- Sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư và Luật PPP theo hướng đưa du lịch thành ngành nghề ưu đãi, khuyến khích đầu tư cũng như là lĩnh vực được triển khai phương thức đầu tư đối tác công tư.

- Sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa theo hướng tăng cường hơn các biện pháp bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản gắn với hoạt động du lịch; thu hút nguồn lực xã hội hóa trong khai thác, phát huy giá trị di sản...

- Sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật có liên quan theo hướng xây dựng chính sách hấp dẫn, cạnh tranh về đất đai, tài chính, điện, nước cho các dự án đầu tư phát triển du lịch.

- Sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật có liên quan để triển khai được Đề án phát triển kinh tế đêm (thời gian hoạt động, điều kiện kinh doanh của các cơ sở kinh doanh, dịch vụ...).

- Tiếp tục chấp thuận chủ trương tạo thuận lợi đơn giản hóa, linh hoạt thủ tục xuất nhập cảnh, mở rộng danh sách quốc gia được miễn thị thực đơn phương (ưu tiên các quốc gia là thị trường nguồn, khách chi tiêu cao như các nước EU, Canada, Mỹ, Úc, New Zealand, Ấn Độ...) và cấp visa điện tử.

- Cho phép thí điểm thành lập Văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam tại nước ngoài.

- Chỉ đạo xây dựng mô hình liên kết mẫu, hiệu quả giữa các địa phương, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước để tăng nguồn lực cho công tác xúc tiến quảng bá.

- Chỉ đạo việc mở rộng kết nối hàng không, tiếp tục quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng dịch vụ du lịch, y tế và vệ sinh, hạ tầng mặt đất và cảng.

2. Về nội dung chất vấn liên quan đến việc điều chỉnh giá điện áp dụng cho các cơ sở lưu trú du lịch

Ngày 23/8/2022, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo số 262/TBVPCP thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Nhà nước về du lịch năm 2022 bàn về tình hình triển khai các giải pháp thúc đẩy phục hồi du lịch. Trong đó, đã giao Bộ Công Thương khẩn trương hoàn thiện phương án điều chỉnh giá điện áp dụng cho cơ sở lưu trú du lịch ngang bằng giá điện sản xuất theo tinh thần Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 9 năm 2022.

3. Về nội dung chất vấn liên quan đến quy trình thực hiện trùng tu, tôn tạo, phục hồi di tích

Bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích (sau đây gọi chung là tu bổ di tích) cần bảo đảm nguyên tắc giữ gìn tối đa yếu tố gốc cấu thành di tích, các công trình xây dựng mới trong khu vực bảo vệ di tích phục vụ việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích phải đáp ứng yêu cầu bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái của di tích. Do đó, các dự án tu bổ di tích đều phải tiến hành theo các bước, từ nghiên cứu, sưu tầm tư liệu về di tích để làm rõ các giá trị lịch sử - văn hóa của di tích, đến khảo sát chi tiết các vấn đề khảo cổ, kiến trúc nghệ thuật, vật liệu, kỹ thuật, xây dựng, quá trình biến đổi của di tích, qua đó mới xác định được rõ tình trạng xuống cấp của di tích để đề xuất biện pháp tu bổ phù hợp. Các biện pháp tu bổ di tích thường là gia cố, chống đỡ, gia cường tái sử dụng cấu kiện, bộ phận cũ của di tích để duy trì, kéo dài sự ổn định của di tích, hạn chế tối đa việc thay mới nhằm bảo tồn tối đa yếu tố gốc của di tích. Theo đó, kinh phí đầu tư trong các dự án tu bổ di tích là không nhiều (thường có tổng mức đầu tư khoảng từ 10 đến 20 tỷ đồng). Vì vậy, Nghị định số 166/2018/NĐ-CP ngày 25/12/2018 của Chính phủ quy định dự án tu bổ di tích theo quy trình 2 bước là phù hợp (bất kể dự án có tổng kinh phí đầu tư là bao nhiêu). Việc thực hiện quy trình này là cần thiết đối với hoạt động đặc thù tu bổ di tích.

Trong thời gian tới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang đề xuất Chính phủ, Quốc hội cho phép sửa Luật Di sản văn hóa, trong đó quy định rõ nội dung "hoạt động tu bổ di tích là đặc thù".

4. Về nội dung chất vấn liên quan đến việc lập quy hoạch di tích

Năm 2017, Quốc hội đã thông qua Luật Quy hoạch, trong đó quy định quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích là quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành. Trên cơ sở Luật Quy hoạch năm 2017, ngày 25/12/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 166/2018/NĐ-CP ngày 25/12/2018 của Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh. Các nội dung quy định tại Nghị định số 166/2018/NĐ-CP đã được lấy ý kiến thỏa thuận của các Bộ, ngành, ý kiến Thành viên Chính phủ trước khi ban hành Nghị định. Do đó, các quy định về việc lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích bảo đảm sự thống nhất giữa Luật Quy hoạch năm 2017 và Nghị định số 166/2018/NĐ-CP, sự đồng bộ của các pháp luật trong cùng hệ thống. Việc lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích là cần thiết, nhằm xác định nội dung và biện pháp bảo quản, tu bổ, phục hồi các yếu tố gốc của di tích, định hướng tổ chức không gian các hạng mục công trình xây dựng mới, hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật và tạo lập môi trường cảnh quan thích hợp trong khu vực di tích, làm cơ sở cho việc triển khai các dự án bảo vệ và phát huy giá trị di tích.

5. Về nội dung chất vấn liên quan đến quy trình, thủ tục thẩm định và phê duyệt dự án tu bổ di tích và phân cấp quản lý di tích

Quy định về quy trình, thủ tục, thực hiện dự án đầu tư xây dựng (việc lập dự án đầu tư xây dựng, lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng, quy trình thẩm định 2 bước, 3 bước…) được quy định tại Luật Đầu tư năm 2020, Luật Xây dựng năm 2014, được sửa đổi, bổ sung năm 2020.

Nghị định số 166/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định thời hạn Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi cấp quốc gia, quốc gia đặc biệt là 20 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Thông tư số 15/2019/TT-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định thời hạn Cục Di sản văn hóa thẩm định thiết kế bản vẽ thi công bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích cấp quốc gia, quốc gia đặc biệt là 15 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị. Vì vậy, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cần chủ động thời gian, quy cách hồ sơ trình thẩm định để bảo đảm thời gian triển khai các dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích.

Hiện nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang lập Đề nghị xây dựng Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) trình Chính phủ. Một trong những chính sách quan trọng sẽ được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung trong Luật là hoàn thiện quy định phân cấp quản lý nhà nước về di sản văn hóa, quy định rõ hơn thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan, chính quyền địa phương các cấp, các tổ chức được giao trực tiếp quản lý di tích, quy định rõ hơn các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

6. Về nội dung chất vấn liên quan đến việc hướng dẫn những nghi thức phù hợp nhằm thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang

Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 09/02/2018 "Về đẩy mạnh thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang", Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành: Quyết định số 886/QĐ-BVHTTDL ngày 19/3/2018 kèm theo Kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị số 05/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 2029/QĐ-BVHTTDL ngày 31/5/2018 kèm theo Kế hoạch triển khai thi hành Quyết định số 22/2018/QĐ-TTg ngày 08/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước; Quyết định số 2737/QĐBVHTTDL ngày 04/10/2018 về việc phê duyệt Đề án tăng cường thực thi pháp luật về xây dựng thực hiện hương ước, quy ước giai đoạn đến năm 2021. Cùng với đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định số 122/2018/NĐ-CP ngày 17/9/2018 quy định về xét tặng danh hiệu "Gia đình văn hóa "; "Thôn văn hóa", "Làng văn hóa", "Ấp văn hóa", "Bản văn hóa", "Tổ dân phố văn hóa".

Các văn bản trên đã lồng ghép nội dung hướng dẫn, tổ chức việc cưới trang trọng, vui tươi, phù hợp với phong tục, tập quán tốt đẹp, khuyến khích tổ chức việc cưới tiết kiệm, tiệc ngọt thay cho tiệc mặn, đám cưới không thuốc lá... Việc tang tổ chức trang nghiêm, tiết kiệm, loại bỏ các tập tục, tập quán lạc hậu, khuyến khích thực hiện hỏa táng.

Để đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật và việc thực hiện có hiệu quả về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xây dựng Hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định quy định về việc thực hiện nếp sống văn minh trong tổ chức lễ cưới, lễ tang và đã gửi Bộ Tư pháp về việc góp ý Hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định (Công văn số 2879/BVHTTDLVHCS ngày 04/8/2022). Ngày 26/8/2022, Bộ Tư pháp đã có Công văn số 3161/BTP-PLHSHC gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc góp ý hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện bộ Hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định quy định về việc thực hiện nếp sống văn minh trong tổ chức lễ cưới, lễ tang trình Chính phủ.

>> Toàn văn nội dung văn bản./.

NỔI BẬT TRANG CHỦ