• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Hà Nam về kiến nghị nghiên cứu, ban hành các văn bản dưới Luật sau khi Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) được thông qua

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Hà Nam gửi tới sau kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 655/BDN ngày 02/8/2024 với nội dung kiến nghị như sau:

1. Hiện nay, chưa có cơ chế, chính sách đãi ngộ thỏa đáng nhằm khuyến khích, động viên để các Nghệ nhân tích cực tham gia thực hành, truyền dạy di sản văn hóa; chỉ có chính sách hỗ trợ cho các Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn (Nghị định số 109/2015/NĐ-CP ngày 28/10/2015). Đề nghị Bộ VHTTDL nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách đãi ngộ đối với Nghệ nhân tích cực tham gia thực hành, truyền dạy di sản văn hóa và có chính sách đãi ngộ đối với các nghệ nhân đã được Nhà nước vinh danh để được hưởng các chính sách Nhà nước đã ban hành và cả sinh hoạt phí hàng tháng.

2. Đề nghị Bộ VHTTDL nghiên cứu, xây dựng và triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa, trong đó dành nguồn vốn đầu tư Tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, nhất là các di tích được xếp hạng Quốc gia đặc biệt và Quốc gia nhằm tháo gỡ khó khăn cho các địa phương. Hầu hết các di tích được xây dựng từ lâu đời, nhiều di tích hiện đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Trong khi đó ngân sách Nhà nước dành cho tu bổ, tôn tạo di tích còn nhiều khó khăn, không đáp ứng được nhu cầu, đặc biệt là các di tích có quy mô lớn, nhiều giá trị về kiến trúc nghệ thuật.

3. Hiện nay, chủ trương của Đảng và Nhà nước đang đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương trong quản lý nhà nước. Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) thời gian tới được Quốc hội xem xét thông qua, đề nghị Bộ VHTTDL nghiên cứu, ban hành các văn bản dưới Luật nhằm đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong công tác quản lý nhà nước về di sản văn hóa; đặc biệt là công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa tại các địa phương.

 4. Thông tư liên tịch số 200/2011/TTLT-BTC-BVHTTDL ngày 30/12/ 2011 Quy định chế độ chi tiêu tài chính đối với các giải thi đấu thể thao, với các mức chi rất thấp so với mặt bằng kinh tế - xã hội. Để khuyến khích và đẩy mạnh hơn nữa phong trào thể dục thể thao. Đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu sửa đổi Thông tư liên tịch số 200/2011/TTLT-BTC-BVHTTDL ngày 2 30/12/2011 quy định chế độ chi tiêu tài chính đối với các giải thi đấu thể thao cho phù hợp với tình hình hiện nay.

5. Năm 2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 56/2023/NĐ-CP ngày 24/7/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 96/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Đề nghị trình Chính phủ sửa đổi Khoản 2 Điều 4 Nghị định số 54/2019/NĐ-CP ngày 19/6/2019 quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường: "Bảo đảm các điều kiện về phòng, chống cháy nổ và an ninh, trật tự theo quy định tại Nghị định số 96/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện" cho phù hợp.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có trả lời cử tri.

Cổng TTĐT của Bộ trích đăng toàn văn phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo Công văn số 4271/BVHTTDL-VP ngày 2/10/2024 về việc trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Hà Nam gửi tới sau kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV như sau:

- Về kiến nghị liên quan đến việc ban hành cơ chế, chính sách đãi ngộ đối với Nghệ nhân tích cực tham gia thực hành, truyền dạy di sản văn hóa và có chính sách đãi ngộ đối với các nghệ nhân đã được Nhà nước vinh danh để được hưởng các chính sách Nhà nước đã ban hành và cả sinh hoạt phí hàng tháng

Chính sách hỗ trợ cho Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 109/2015/NĐ-CP ngày 28/10/2015 của Chính phủ về việc hỗ trợ đối với "Nghệ nhân nhân dân", "Nghệ nhân ưu tú" có thu nhập thấp và hoàn cảnh khó khăn.

Hiện nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội xem xét về dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Quốc hội đã cho ý kiến đối với Dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) và dự kiến sẽ thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Tại Điều 14 dự thảo Luật quy định về chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân, trong đó đối tượng áp dụng không chỉ nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú có thu nhập thấp và hoàn cảnh khó khăn về chế độ và mức ưu đãi, hỗ trợ mà còn mở rộng đến các nghệ nhân chủ thể di sản văn hóa phi vật thể; đồng thời, bổ sung các quy định chính sách, chế độ của Nhà nước về kinh phí, cơ sở vật chất, công cụ, đồ vật, tạo tác không gian văn hóa liên quan cho hoạt động duy trì thực hành, truyền dạy, sáng tạo, trình diễn, thành lập các câu lạc bộ, nhóm thực hành di sản văn hóa phi vật thể. Đối với nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú còn được hưởng trợ cấp sinh hoạt hằng tháng, hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm y tế, hỗ trợ chi phí mai táng khi mất; đồng thời, dự thảo Luật còn quy định theo hướng mở để các địa phương được chủ động ban hành chính sách đãi ngộ cho nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú.

Trên cơ sở đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trân trọng đề nghị Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố căn cứ điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, khả 3 năng cân đối ngân sách và huy động các nguồn lực xã hội trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định chế độ đãi ngộ nghệ nhân, chủ thể di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn để đảm bảo có các chính sách phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

- Về kiến nghị liên quan đến việc xây dựng và triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa, trong đó dành nguồn vốn đầu tư tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, nhất là các di tích được xếp hạng Quốc gia đặc biệt và quốc gia nhằm tháo gỡ khó khăn cho các địa phương

 Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn giai đoạn 2025 - 2035. Ngày 13/9/2024, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký trình Tờ trình số 444/TTr-CP báo cáo Quốc hội xem xét, dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 8, trong đó có nội dung dự án thành phần về bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa.

Trong thời gian tới, sau khi Chương trình thông qua, trên cơ sở đề xuất của Ủy ban nhân nhân tỉnh Hà Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ phối hợp với các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính lập danh mục các dự án tu bổ di tích, trong đó sẽ lưu ý, xem xét hỗ trợ tu bổ, tôn tạo các di tích xếp hạng quốc gia, quốc gia đặc biệt trên địa bàn tỉnh; đồng thời, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam chủ động đưa kinh phí vào kế hoạch trung hạn của địa phương cũng như huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để triển khai thực hiện tu bổ, tôn tạo các di tích, góp phần phát triển kinh tế du lịch, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho cộng đồng nơi có di tích.

- Về kiến nghị nghiên cứu, ban hành các văn bản dưới Luật sau khi Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) được thông qua nhằm đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong công tác quản lý nhà nước về di sản văn hóa; đặc biệt là công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa tại các địa phương. 

Hiện nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội xem xét về dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Quốc hội đã cho ý kiến đối với Dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) và dự kiến sẽ thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Tại dự thảo Luật, việc phân cấp, phân quyền trong công tác quản lý nhà nước về di sản văn hóa được quy định tại Điều 23, 25, 27, 29, 30, 31, 34, 35, 36, 37 và Điều 39. Sau khi dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) được ban hành, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ chủ động triển khai nghiên cứu, tham mưu trình Chính phủ xem xét, ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản dưới Luật để cụ thể hóa một số vấn đề được luật, nghị quyết của Quốc hội, được pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội giao cũng như để thực 4 hiện quyền và nghĩa vụ được quy định trong Hiến pháp, Luật tổ chức.

- Về kiến nghị liên quan đến việc nghiên cứu, sửa đổi Thông tư liên tịch số 200/2011/TTLT-BTC-BVHTTDL ngày 30/12/2011 quy định chế độ chi tiêu tài chính đối với các giải thi đấu thể thao cho phù hợp với tình hình hiện nay

Thông tư liên tịch số 200/2011/TTLT-BTC-BVHTTDL quy định chế độ chi tiêu tài chính đối với các giải thi đấu thể thao được Bộ Tài chính và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành ngày 30/12/2011 (gọi tắt là Thông tư liên tịch số 200). Theo đó, các giải thi đấu thể thao trong nước và quốc tế tổ chức tại Việt Nam được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quyết định, bao gồm: Giải thi đấu thể thao cấp quốc gia; Giải thi đấu cấp khu vực, tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương; Giải thi đấu thể thao Việt Nam mở rộng do Việt Nam tổ chức có mời nước ngoài tham dự; Giải thi đấu thể thao quốc tế tổ chức tại Việt Nam.

Ngoài các giải thi đấu thể thao trên, những hội thi thể thao, giải thể thao khác do Bộ, ngành, địa phương tổ chức sẽ căn cứ vào Thông tư này để quy định mức chi cụ thể cho phù hợp với tình hình thực tế của Bộ, ngành, địa phương. Sau hơn 10 năm thực hiện, tình hình kinh tế - xã hội đã có nhiều thay đổi, chỉ số giá tiêu dùng, mức lương cơ sở, lương tối thiểu vùng đều tăng, trong khi đó các chế độ quy định tại Thông tư liên tịch số 200 chưa được điều chỉnh kịp thời để phù hợp với điều hiện thực tiễn

 Để giải quyết vấn đề bất cập nêu trên, ngày 24/7/2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Công văn số 2995/BVHTTDL-TDTT gửi Bộ Tài chính về việc đánh giá tình hình thực hiện và đề xuất sửa đổi Thông tư liên tịch số 200; đồng thời, ngày 01/7/2024 có Công văn số 2749/BVHTTDL-TDTT gửi Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính về việc quy định lập dự toán, quản lý sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ tổ chức các giải thi đấu thể thao tổ chức tại Việt Nam. Hiện nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính để hoàn thiện các nội dung của dự thảo Thông tư trước khi Bộ Tài chính thực hiện trình tự ban hành theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhằm đảm bảo triển khai theo đúng pháp luật chuyên ngành về thể dục thể thao và ngân sách nhà nước.

- Về kiến nghị liên quan đến việc sửa đổi Khoản 2 Điều 4 Nghị định số 54/2019/NĐ-CP ngày 19/6/2019 quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường

Ngày 26/7/2024, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Báo cáo số 206/BC-BVHTTDL trình Thủ tướng Chính phủ xem xét về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 54/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường. Theo đó, nội dung 5 sửa đổi, bổ sung về điều kiện kinh doanh liên quan đến phòng, chống cháy nổ và an ninh, trật tự được quy định tại khoản 2 Điều 4 của Nghị định số 54/2019/NĐCP theo hướng bổ sung dẫn chiếu cụ thể đến Nghị định số 56/2023/NĐ-CP ngày 24/7/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 96/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh, nhằm cập nhật các quy định mới ban hành của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy đối với hoạt động đầu tư kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường, đảm bảo công tác quản lý nhà nước được thống nhất, đồng bộ đối với loại hình kinh doanh.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trân trọng gửi tới Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam để trả lời cử tri./.

Xem nội dung văn bản tại đây

Thủy Bích

NỔI BẬT TRANG CHỦ