• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Trà Vinh: Sẵn sàng tham gia mô hình chuỗi để nâng cao giá trị tôm nuôi vào thị trường Mỹ

Thời sự 23/02/2019 12:33

(Tổ Quốc) - Ngày 23/2 tại Sở NNPTNT tỉnh Trà Vinh đã diễn ra hội thảo Mô hình sản xuất tôm theo chuỗi đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ.

Hội thảo do Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) của Hội đồng tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng tổ chức với sự tham gia của các chuyên gia của tổ chức phi chính phủ Seafood Watch (Mỹ).

Tại hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Văn Lâm chia sẻ, nghề nuôi tôm nước lợ tại Trà Vinh rất phát triển mang lại thu nhập cao và năm nay khả năng sản xuất còn tăng hơn nữa, đặc biệt ứng dụng mô hình siêu thâm canh trong nuôi tôm tăng nhanh. Tỉnh cũng đang định hướng nuôi tôm theo chuỗi giá trị nhằm gia tăng giá trị tôm thương phẩm.

Trà Vinh: Sẵn sàng tham gia mô hình chuỗi để nâng cao giá trị tôm nuôi vào thị trường Mỹ - Ảnh 1.

Toàn cảnh hội thảo.

Tuy nhiên, theo ông Đồng Văn Lâm, việc xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, nhất là khi áp thuế chống bán phá giá, không biết được giá bán tôm của mình là bao nhiêu, mà chỉ khi thương lái mua bao nhiêu thì biết bấy nhiêu...

Giám đốc Sở NNPTNT Phạm Minh Truyền cũng cho biết, khó khăn lớn nhất hiện nay là nuôi tôm nước lợ gặp nhiều khó khăn, tình trạng con giống chậm lớn đang báo động.

Thêm nữa, hiện tỉnh đang đi theo mô hình thâm canh tăng năng suất dẫn tới môi trường ngày một ô nhiễm, cộng thêm thời tiết thay đổi như mưa trái mùa, lạnh đột ngột hay nước biển dâng… làm tăng nguy cơ với con tôm.

Một vấn đề lớn khác, giá thức ăn nuôi tôm cao hơn so với các nước trong khu vực, tới thời điểm này chưa có giải pháp nào khắc phục. Người dân tới chính vụ thả tôm rồi thì giá tôm, hóa chất tăng lên, khi ấy họ bắt buộc phải mua để phục vụ vụ tôm.

Một khó khăn nữa, trên địa bàn tỉnh chỉ có một nhà máy chế biến, nhà máy lại thu mua qua thương lái việc này ảnh hưởng tới lợi nhuận của người nông dân…

Hiện tỉnh đã đưa ra loạt giải pháp, năm 2019, mục tiêu sản lượng tôm của tỉnh là 51.000 tấn, nếu ngành hàng tôm không đạt được sẽ kéo giảm GDP của tỉnh. Tỉnh đang xây dựng chính sách cho ngành tôm như áp dụng công nghệ cao và công nghệ 4.0 cho người nông dân trong truy xuất nguồn gốc, từng bước vận động nông dân thay đổi nhận thức, phải ghi chép quá trình nuôi bởi sản xuất hàng hóa muốn bán được giá cao thì phải đảm bảo được yêu cầu của nhà xuất khẩu...

Tuy nhiên, theo ông Truyền, tỉnh Trà Vinh mong mỏi thu hút thêm các nhà đầu tư, đồng thời thống nhất với đề xuất thành lập thí điểm mô hình chuỗi giá trị mà Ban IV cũng như SW đề xuất và mong muốn triển khai sớm mô hình này thí điểm tại Trà Vinh.

Theo ông Nguyễn Đức Tùng, Giám đốc điều hành văn phòng Ban IV, khi tất cả người dân, nhà sản xuất, ngân hàng, các doanh nghiệp hỗ trợ… cùng ngồi với nhau trên tinh thần bình đẳng, hài hòa lợi ích, nâng cao giá trị thương phẩm tôm thì chuỗi giá trị sẽ giải quyết được vấn đề đặt ra với con tôm hiện nay.

"Với tiêu chuẩn, chất lượng mà các chuyên gia SW cung cấp sẽ sớm hình thành một tổ nhóm tại Trà Vinh để làm sâu hơn các nội dung hội thảo nêu. Các chuyên gia của SW sẽ hỗ trợ từ 3-5 năm tới và tôm Trà Vinh có thể được chấp nhận tại Châu Âu, Mỹ"- ông Nguyễn Đức Tùng chia sẻ.

Ông Nguyễn Đức Tùng cũng chia sẻ thêm, nếu không tối ưu hóa diện tích nuôi tôm, đầu tư, ứng dụng công nghệ nhiều hơn, với diện tích hiện tại mà vẫn đạt được 10 tỷ đô la từ con tôm mà Chính phủ đặt mục tiêu thì chuỗi giá trị là cách hữu hiệu nhất và chúng ta không phải trả giá để xử lý ô nhiễm môi trường trong tương lai.

Trước đó, các chuyên gia của SW đã giới thiệu quy trình nuôi tôm chuẩn mà thị trường Mỹ đang chấp nhận. SW đã cùng với ngành tôm xây dựng lên bộ tiêu chuẩn ASIC cho Việt Nam và đang áp dụng thí điểm tại một số vùng nuôi tôm,

Được biết, sau chuỗi hội thảo "Mô hình sản xuất tôm theo chuỗi đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ" từ ngày 22/2 đến 24/2 tại Sóc Trăng, Trà Vinh và Cà Mau, kết quả của các hội thảo này sẽ được đưa ra thảo luận tại phiên hiến kế, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam (ViEF) trước khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong phiên Toàn thể dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 3/2019 tới đây.

Sự kiện này tiếp nối những thành tựu của ViEF 2018 đạt được trong một năm qua, đặc biệt trong việc phối hợp công - tư để thúc đẩy những giải pháp nâng cao giá trị nông sản Việt Nam, tiệm cận với tiêu chuẩn, chất lượng các thị trường có yêu cầu cao./.

Thái Linh

Từ khóa:

NỔI BẬT TRANG CHỦ