(Tổ Quốc) - Chào mừng năm mới 2023, từ ngày 31/12/2022 - 02/01/2023, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ diễn ra nhiều hoạt động nhằm giới thiệu những nét văn hóa đầu xuân mới qua văn hóa ẩm thực đầu năm cùng các nghi lễ, lễ hội, phong tục tập quán, những nét văn hóa truyền thống, đặc trưng các dân tộc.
- 02.01.2019 Về “ Làng” với Phiên chợ vùng cao đón năm mới 2019
- 30.12.2018 Khám phá Phiên chợ vùng cao giữa lòng Thủ đô
- 16.12.2016 Phê duyệt Đề cương sản xuất phim tài liệu nghệ thuật “Phiên chợ vùng cao” và “Mũi Né - Vùng biển thức”
- 14.12.2016 Phê duyệt Đề cương sản xuất phim tài liệu nghệ thuật “Phiên chợ vùng cao” và “Mũi Né - Vùng biển thức”
Điểm nhấn của chuỗi hoạt động là “Chợ vùng cao ngày Tết” với không gian chợ là sự kết hợp giữa không gian hội xuống chợ, không gian vui chơi gắn với các hoạt động dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian, không gian ẩm thực, sản vật với sắc màu của các dân tộc Mông, Dao, Tày, Kháng, Phù Lá… của các địa phương vùng cao như Bắc Kạn, Điện Biên, Hà Giang, Cao Bằng. Tái hiện không gian văn hóa đậm sắc màu các dân tộc vùng cao cùng vui gặp gỡ nhìn lại một năm đã qua và niềm vui hân hoan đón chào năm mới 2023 với kỳ vọng mới. Họ gặp nhau tại phiên chợ lúng liếng nói cười, trong những bộ trang phục đẹp nhất, sắc màu nhất.
Đến với Làng Văn hóa- Du lịch các dân tộc Việt Nam dịp này, du khách cũng có dịp chiêm ngưỡng trình diễn dân gian nghệ thuật múa Khèn - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của dân tộc Mông tỉnh Bắc Kạn. Khèn là biểu tượng văn hóa của đồng bào dân tộc Mông vừa là nhạc cụ, vừa là đạo cụ. Khèn của đồng bào dân tộc Mông được coi là nhạc khí thiêng kết nối giữa cõi trần và thế giới tâm linh nhưng cũng là phương tiện kết nối cộng đồng, chia sẻ tâm tư tình cảm, giúp chủ thể văn hóa thăng hoa với tinh thần lạc quan yêu đời. Cùng với múa khèn, các nghệ nhân dân tộc Mông giới thiệu cấu tạo của chiếc khèn và cách sử dụng khèn tới đồng bào và du khách.
Trong số các hoạt động diễn ra từ ngày 31/12/2022 - 2/1/2023, còn có chương trình Giới thiệu tinh hoa nghề thủ công truyền thống qua nét đặc sắc từ nghề dệt thổ cẩm của đồng bào các dân tộc, giúp khách thăm trải nghiệm, tìm hiểu về sự đa dạng, độc đáo trong kỹ thuật dệt hoa văn, họa tiết thủ công trên những tấm thổ cẩm của cộng đồng các dân tộc thiểu số Việt Nam.
Du khách sẽ có những trải nghiệm thú vị khi hòa mình trong không khí tái hiện lễ hội Pang Phoóng (Lễ tạ ơn) của dân tộc Kháng tỉnh Điện Biên. Đây là lễ hội, tập quán xã hội và tín ngưỡng độc đáo, đặc trưng tiêu biểu chỉ có ở dòng họ Lò Khul, mà các dòng họ khác của dân tộc Kháng trên địa bàn tỉnh Điện Biên không có. Lễ Pang Phoóng là lễ hội nhằm tạ ơn tổ tiên, thần linh đã phù hộ cho mọi người trong gia đình, dòng họ luôn được mạnh khỏe, làm được nhiều ruộng nương, lúa gạo, nuôi trâu, bò, lợn, gà nhanh lớn, mọi công việc làm ăn thuận lợi, phát triển; anh em con cháu trong dòng họ gần gũi, chia sẻ những khó khăn, vui buồn trong cuộc sống; thắt chặt tình đoàn kết gắn bó; đồng thời nhắc nhở, răn dạy con cháu luôn nhớ về tổ tiên, cội nguồn của dân tộc mình.
“Mâm cơm đoàn kết” đón chào năm mới tại trung tâm cũng là điểm nhấn của chợ vùng cao với đặc trưng các món ăn của các dân tộc phía Bắc hoạt động tại Làng như dân tộc Tày, Nùng, Dao, Mông, Mường, Thái và những món ăn đặc trưng của các nhóm dân tộc địa phương Bắc Kạn, Điện Biên để du khách và đồng bào cùng thưởng thức.
Bên cạnh đó, du khách có thể tham gia các hoạt động trải nghiệm hàng ngày, cuối tuần của 16 cộng đồng dân tộc như: Chương trình giới thiệu làm bánh, gói bánh và nấu các loại bánh truyền thống của đồng bào. Nhiều trò chơi dân gian truyền thống như ném còn, đi cà kheo, đánh đu, đánh yến... cũng được tổ chức trong dịp này. Đồng thời du khách cũng có thể tham gia những hoạt động cầu an, chúc phúc tại các không gian tâm linh chùa Khmer, tháp Chăm... cùng nhiều trải nghiệm thú vị khác.
Phiên chợ vùng cao “Chào năm mới 2023” là một hoạt động hấp dẫn du khách tham quan, trải nghiệm những nét văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc vùng cao ngay trong lòng thủ đô Hà Nội./.