(Tổ Quốc) - "Chợ chiều năm ngàn" đang là điểm dừng chân thú vị cho du khách khi đặt chân tới huyện miền núi Tây Giang (tỉnh Quảng Nam).
Khi tới huyện miền núi Tây Giang (tỉnh Quảng Nam), du khách sẽ được trải nghiệm thú vị ở "chợ chiều năm ngàn". Chợ chiều này nằm ở đường số 4, thôn A Grồng, xã A Tiêng, cách trung tâm UBND huyện vài phút chạy xe máy...
Nói là "chợ chiều", nhưng bắt đầu từ 12 giờ trưa, các sản phẩm từ rau củ quả cho đến các loại nấm, măng rừng...tất cả đều là đồ sạch của đồng bào địa phương gùi ra bán...
Người bán ở chợ toàn phụ nữ, từ bé gái đến người già. Đặc biệt, mỗi mặt hàng như rau củ quả...đều chung giá...5 ngàn đồng. Nên từ đó người ta thường gọi là "chợ chiều năm ngàn"...
Một cụ già cho biết, các nông sản bày bán ở chợ đều được bà con trồng ở nương rẫy. Cây củ quả lên tới đâu, bán được là mang ra bán, không thuốc trừ sâu, không hóa chất...
Theo ông Alăng Tối, Trưởng phòng Kjnh tế và Hạ tầng huyện Tây Giang, chợ chiều này ra đời cách đây 2 năm rồi. Bà con ở xung quanh vùng tới buôn bán rất đông. Họ bán từ 12h trưa tới 17h chiều.
Kinh phí xây dựng chợ hơn 100 triệu đồng. Đặc biệt, người mua kẻ bán không ai mặc cả về giá. "Lúc trước chưa có chợ, người dân tụ tập buôn bán tự phát nên chưa định giá được. Toàn bộ các bó rau, củ quả... đều có giá 5 ngàn đồng. Bà con buôn bán đoàn kết, không có xích mích xảy ra. Thời điểm họp chợ vào buổi chiều nên gọi là chợ chiều 5 ngàn", ông Tối cho biết.
Măng rừng - đặc sản tuyệt vời ở vùng miền núi này...
Chị Abía (40 tuổi, trú xã A Tiêng, huyện Tây Giang) - có một góc nhỏ nông sản bày bán ở chợ - cho biết: "Tôi ra chợ bán từ khi chợ khánh thành đến nay. Ban đầu người dân địa phương trao đổi, mua bán với nhau. Thời gian gần đây, có nhiều đoàn khách du lịch khi tới đây họ rất thích mua nông sản của bà con vì sạch và ngon. Rau củ của nhà trồng trên rẫy cũng vì thế mà có đầu ra, bán được lắm...".
Theo ông Alăng Tối, cái được của "chợ chiều năm ngàn" ngoài giúp bà con có nơi mua bán, trao đổi hàng hóa, tăng thêm thu nhập thì họ càng tăng thêm tính mạnh dạn, giao lưu với nhau. "Hồi xưa bà con nhút nhát lắm, không mạnh dạn mang nông sản ra bán đâu. Giờ có chợ này, bà con mạnh dạn hơn, tiếp xúc nhiều hơn với du khách nên mừng lắm...", ông Tối nói.
Một nồi sắn luộc còn nóng hổi của một cụ già mang ra chợ bán...
"Xây chợ không chỉ giúp người dân thuận lợi buôn bán mà quan trọng là giúp bà con mình thay đổi tư duy sản xuất từ tự cung tự cấp sang hàng hóa, thị trường. Họ làm ra sản phẩm nông nghiệp bán được, có tiền sẽ là nguồn động viên khuyến khích họ ham làm giàu...”, ông Alăng Tối cho biết thêm.
Một nồi xôi đậu nóng hổi được bà con mang ra bán ở chợ. Xôi được nấu từ hạt nếp trồng trên rẫy nên thơm ngon...
Một cụ già ngồi bán rau củ quả ở chợ...
"Chợ chiều năm ngàn" không chỉ thu hút khách du lịch, kích thích ngành dịch vụ phát triển và điều ý nghĩa nhất là thay đổi dần tư duy của đồng bào Cơtu từ thói quen chỉ biết làm nương rẫy sang một ngành nghề mới nhưng thu nhập cao, đó là buôn bán...
Ông Alăng Tối, Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Tây Giang (tỉnh Quảng Nam) nói về chợ chiều năm ngàn ở Tây Giang.