(Tổ Quốc) - Là phiên bản nâng cấp của chiếc OLED evo C2 đã được đánh giá rất cao của năm ngoái, OLED evo C3 bị đặt lên vai trọng trách rất lớn.
- 03.06.2023 Solve for Tomorrow và giải thưởng tiền tỉ “đổ bộ” miền Nam: Cơ hội cho các tài năng công nghệ trẻ thỏa sức sáng tạo
- 03.06.2023 Loạt động thái thách đấu của Meta trước thềm sự kiện Apple: Mark Zuckerberg đổi ảnh đại diện, hạ giá bán kính VR
- 02.06.2023 Quản lý Zalo, Viber, Telegram để đảm bảo quyền lợi người dùng
Cuối năm ngoái và đầu năm nay, cái tên được nhắc tới nhiều nhất trong thị trường TV là chiếc OLED evo C2, vì không chỉ những người đi tìm TV… để xem TV thì cả giới chơi máy tính cũng đặt mua sản phẩm này để làm màn hình để bàn. Lý do để lý giải cho điều này bao gồm chất lượng hình ảnh cao của của tấm nền OLED evo từ LG trên C2, cùng với đó là lựa chọn 42 inch nhỏ hơn so với TV cao cấp khác.
Mới đấy LG lại tiếp tục ra mắt phiên bản kế nhiệm mang tên OLED evo C3, mà chúng tôi có phiên bản 48 inch tại đây để trải nghiệm. Kế nhiệm cho một dòng sản phẩm đầy thành công, OLED evo C3 liệu có đáp ứng được kỳ vọng đang rất cao của người dùng?
Thiết kế đơn giản và chắc chắn
Phải nói rằng việc tìm được một chiếc TV ‘xấu’ trong thời điểm hiện nay còn ‘khó hơn lên trời’! Các sản phẩm TV giá rẻ đến tầm trung hiện nay cũng đã có vẻ ngoài đẹp mắt, nên các sản phẩm đã chạm tới phân khúc cận cao cấp như OLED evo C3 còn phải có những điểm khác biệt để nổi bật giữa đám đông.
Yếu tố thiết kế tạo nên sự khác biệt đầu tiên nằm ở việc cạnh bên của TV rất mỏng, đơn giản vì sản phẩm sử dụng tấm nền OLED evo có khả năng tự phát sáng nên không cần phải thêm lớp đèn nền. Các thành phần điện tử vẫn phải được đặt ở cạnh dưới, nên phần này sẽ ‘phình’ dày hơn so với nơi chỉ đặt tấm nền. Kiểu thiết kế này có nhược điểm là khi gắn lên tường sẽ khiến OLED evo C3 cách mặt tường 1 khoảng, thay vì nằm phẳng hoàn toàn.
Muốn có một TV với độ mỏng đồng đều thì phải tìm tới các sản phẩm cao cấp hơn với 1 chiếc hộp đựng các thành phần linh kiện, kết nối với tấm nền bằng một sợi dây - cả LG và Samsung cũng đều có các sản phẩm như vậy rồi.
Nhưng với tôi C3 không phải là TV mà ta nhất thiết phải treo lên tường, vì phần chân đã được thiết kế hợp lý rồi. Chân TV được làm bằng kim loại nên khá nặng (1.9kg), với mặt trước được làm phay xước với màu ghi nhạt, vừa đủ ‘sang’ nhưng cũng không gây xao nhãng khi xem TV. Điều quan trọng là chân giữ TV chắc chắn, không bị ‘tròng trành’ sang 2 bên như QNED 8K 65 inch mà tôi trải nghiệm thời gian trước.
‘Độ đẹp’ của mặt trước thì ta cũng chả cần phải nói nhiều, tấm nền OLED evo được đặt cân đối nhờ các phần viền dày bằng nhau, viền cũng mỏng đến nỗi khi bật nội dung lên là ta cũng sẽ quên luôn rằng chúng ở đó.
Nhìn chung thiết kế của LG không có gì đáng để ‘Wow’ cả, nhưng nhìn vào ta cũng biết rằng đây là một sản phẩm thuộc phân khúc cận cao cấp, có những chi tiết được chăm chút để khác biệt với TV giá rẻ. Có lẽ việc thiết kế không phải là yếu tố nổi bật nhất cũng là điều tốt, vì thứ người dùng quan tâm nhiều hơn là:
Tấm nền OLED evo cho hình ảnh đậm mà không ‘lố’
Thời gian trước, nhiều người yêu công nghệ chọn OLED evo C2 làm màn hình máy tính, chấp nhận kích thước có phần hơi ‘quá khổ’ để được tận hưởng chất lượng hình ảnh vượt trội của tấm nền OLED so với LCD.
Năm nay OLED evo C3 không có nâng cấp ‘nhảy vọt’ về chất lượng hình ảnh, thậm chí theo thông tin tham khảo từ trang WhatHifi thì 2 sản phẩm dùng chung cả tấm nền. Điểm khác biệt nằm ở bộ xử lý Alpha 9 gen 6, với một vài tính năng nâng cấp hình ảnh mới như AI Super Upscaling Pro - nâng cấp hình ảnh độ phân giải thấp lên 4K; OLED Dynamic Tone Mapping Pro nhằm tối ưu hóa vùng phát sáng với 20.000 vùng (cao hơn 4 lần evo C2); Object Enhancer và HDR Expression Enhancer để làm nét, nổi bật chủ thể.
Ngay từ khi mở tới menu điều khiển, ta đã thấy được ‘độ đẹp’ của tấm nền, với những mảng màu đen sâu, màu sắc cho cảm giác ‘đầy mắt’ nhưng không bị quá ‘lố’. Những chế độ hình ảnh được chúng tôi lựa chọn bao gồm Tiêu chuẩn (màu sắc trung tính, nhưng có thể chỉnh lại tùy ý), Phim (cho màu sắc hơi vàng nhẹ để tạo cảm giác như xem ở rạp phim) và Filmmaker Mode (màu sắc giống với ý đồ của nhà làm phim).
Bộ phim mà tôi cảm thấy ấn tượng nhất khi xem với OLED evo C3 là Interstellar. Đoạn đầu của phim có nhiều cảnh quay với tông màu cam - nâu để miêu tả sự hoang tàn của Trái đất, evo C3 miêu tả được chân thực màu sắc này, đủ độ sáng để thấy được những chi tiết nhỏ trong bóng tối. Tới những cảnh quay trong vũ trụ thì ‘choáng ngợp’ là từ tôi có thể dùng để miêu tả, khi những vật như con tàu, các hành tinh, ngôi sao ở xa đều nổi bật trên nền đen của OLED.
Ngược lại, để đạt được màu sắc đậm đà và tính tương phản cao như vậy hãng không trang bị thêm lớp chống lóa mạnh lên tấm kính của màn hình OLED evo C3, nên màn hình có độ bóng khá cao. Điều này khiến những nguồn sáng đối diện màn hình sẽ hiện lên rất rõ, TV đôi khi cũng thành một tấm gương để người dùng ‘soi’ bản thân luôn!
Để đạt được chất lượng hình ảnh tốt nhất thì tốt nhất bạn nên đặt OLED evo C3 ở những nơi khuất nắng, tránh để những nguồn sáng mạnh đối diện TV và tắt luôn đèn trong lúc thưởng thức phim để tránh việc ‘bỗng dưng thấy mình là nhân vật trong phim’.
Âm thanh ‘tử tế’ một cách bất ngờ
Evo C3 được thiết kế khá mỏng nên tôi cũng không có quá nhiều kỳ vọng vào chất lượng âm thanh. Cũng phải thôi khi nhiều các sản phẩm TV khác trên thị trường chỉ tập trung vào nâng cấp chất lượng hình ảnh, còn người dùng muốn có âm thanh tốt thì cần mua thêm soundbar hoặc các hệ thống loa vòm.
Tôi đánh giá âm thanh từ OLED evo C3 không phải là xuất sắc, nhưng ‘tử tế’ một cách bất ngờ. Loa có nhiều âm trầm, đặc biệt ở các chế độ âm thanh Nhạc hay Phim, nhờ đó tạo cảm giác âm thanh đậm, đầy đặn và lan tỏa trong phòng. Yếu điểm là dải trung (giọng nói của nhân vật, giọng hát khi nghe nhạc) hơi mỏng so với các dải âm khác, có thể khắc phục được bằng cách chỉnh lại EQ tích hợp sẵn trong giao diện.
Mua thêm soundbar thì chắc chắn ta sẽ có chất lượng âm thanh tốt hơn thế này, nhưng với những bạn không muốn đầu tư thêm thì loa tích hợp của OLED evo C3 là hoàn toàn ổn, có thể sử dụng được luôn nếu bạn không khắt khe, hoặc dùng tạm một vài tháng trước khi có các giải pháp khác cao cấp hơn.
Vẫn là ‘TV chơi game’ tốt
Như đã đề cập thì năm ngoái, dòng TV C2 của hãng bỗng trở nên nổi tiếng vì được các game thủ sử dụng để làm màn hình để bàn chơi game, hoặc giải trí với console ở phòng khách. OLED evo C3 chắc chắn thừa kế được ưu điểm này, với hàng loạt điểm cộng dành cho game thủ.
Kích thước 48 inch đối với ai có phòng rộng thì vẫn có thể sử dụng làm màn hình để bàn được, nhưng tôi cho rằng nó thích hợp để làm TV giải trí với console ở phòng khách hơn. Khi chơi game thì loạt ưu điểm về chất lượng hình ảnh, loa âm thanh dày dặn cũng được thể hiện, từ những tựa game thế giới mở như Genshin Impact cho tới đua xe như Team Sonic Racing.
Một điểm mạnh nữa của màn hình OLED là tốc độ làm mới điểm ảnh nhanh hơn so với LCD, không để lại hiện tượng bóng mờ (ghosting) trong những game chuyển động nhanh. Sự khác biệt trên thực tế cũng không phải ‘một trời một vực’, vì hiện nay TV LCD cũng đã có các công nghệ để giảm thiểu hiện tượng này rồi, nhưng để nói cái nào tốt hơn thì tất nhiên vẫn là OLED rồi!
Trong phần mềm, hãng cũng tích hợp nhiều chế độ phục vụ cho từng loại game khác nhau. Các chế độ này bao gồm:
Tiêu chuẩn: Chế độ chơi game cơ bản
FPS: Tăng độ tương phản, âm thanh phù hợp với các game bắn súng
RPG: Tăng cường đồ hoạ nhân vật, tiếng nói và nhạc nền
RTS: Tăng cường chi tiết, bản đồ, âm thanh vòm, phù hợp các game nhập vai
Sport: Tăng cường độ nét, âm thanh vòm, phù hợp các game thể thao
Với những game thủ thích chơi trong bóng tối thì có thêm chế độ Phòng tối và Bảo vệ mắt để đảm bảo sức khỏe thị giác.
Và tất nhiên là không thể thiếu được các công nghệ chống xé hình, với evo C3 thì có đầy đủ cả G-Sync dành cho những máy sử dụng card đồ họa NVIDIA và AMD FreeSync dành cho những người chọn ‘team đỏ’.
Nâng cấp nhỏ, vẫn đáng mua
Năm ngoái tôi có được nghe rất nhiều về chiếc LG OLED evo C2, song đáng tiếc lại không được trải nghiệm thực tế. Nhưng theo đánh giá từ các chuyên trang công nghệ nước ngoài, thì OLED evo C3 của năm nay không phải là một nâng cấp mang tính toàn diện so với phiên bản trước, nên những ai đã sở hữu chiếc TV đó thì cũng không cần phải thay thế làm gì.
Nhưng qua trải nghiệm của tôi với evo C3, thì đây vẫn tiếp tục là một TV đáng mua đối với những ai đang chưa có TV hoặc đang sử dụng các sản phẩm tầm thấp hơn. Nó đã làm tốt tất cả những gì tôi cần ở một chiếc TV: thiết kế không hiện đại nhất nhưng dễ nhìn, chất lượng hình ảnh cao, âm thanh tốt và sử dụng ‘ngon’ khi chơi game.
Nếu như dư dả thêm một chút, bạn có thể tham khảo dòng Samsung S95C sử dụng tấm nền QD-OLED thế hệ mới, có khả năng cạnh tranh thậm chí lấn lướt OLED evo của LG. Nhưng phải nói rằng đây là sản phẩm cao cấp hơn, cũng không có lựa chọn ‘nhỏ xinh’ 48 inch như chiếc evo C3 này.