(Tổ Quốc)- Trong ngày thứ 2 diễn ra Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ XI, các địa phương đã mang đến cho du khách những trải nghiệm văn hoá ẩm thực và các phần thi đấu thể thao độc đáo.
- 03.11.2024 Những thành tựu về văn hóa tạo tiền đề, nền tảng vững chắc để các tỉnh vùng Đông Bắc cùng cả nước nỗ lực hơn nữa trong kỷ nguyên mới
- 03.11.2024 Đặc sắc các tiết mục trình diễn trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hoá truyền thống các dân tộc vùng Đông Bắc
- 02.11.2024 Khai mạc các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch đặc sắc của các dân tộc vùng Đông Bắc
- 01.11.2024 Lạng Sơn sẵn sàng cho Ngày hội văn hoá, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ XI
Đông Bắc là 1 trong 7 vùng văn hóa lớn của Việt Nam và là nơi sinh sống của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số như Tày, Nùng, Mông, Dao, Sán Chay,…. Nhắc đến Đông Bắc là nhắc đến nền văn hóa phong phú, dồi dào về ngôn ngữ, trang phục, lễ hội, lễ nghi,… trong đó thể thao và ẩm thực là một phần không thể thiếu.
Ngày 3/11, Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ XI tổ chức thi đấu các môn thể thao dân tộc, trưng bày những gian ẩm thực truyền thống để du khách có cơ hội ghé xem, thưởng thức và mua về làm quà.
Các bộ môn thể thao truyền thống như cà kheo, ném còn, đẩy gậy,… là những nét văn hóa được bảo tồn, gìn giữ qua nhiều thế hệ của người dân tộc ở Lạng Sơn nói riêng, các tỉnh Đông Bắc nói chung.
Không chỉ đáp ứng nhu cầu giải trí, rèn luyện nâng cao sức khoẻ, các môn thể thao dân gian còn thể hiện nét đặc trưng, gần gũi trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào miền núi vì hầu hết đều gắn liền với những dụng cụ thi đấu đơn sơ.
Các vận động viên hừng hực khí thế, ai ai cũng hết mình để hoàn thành phần thể hiện tốt nhất, giành được những huân chương với tinh thần trên hết "vui là chính". Để tiếp lửa cho các vận động viên, các cổ động viên là nhân dân và du khách cũng hò reo nhiệt tình, trong tiết trời mát mẻ, dễ chịu, Ngày hội diễn ra càng thêm tưng bừng, náo nhiệt.
Vùng Đông Bắc là vùng miền núi nước ta với địa hình và khí hậu đa dạng, hệ thống sông suối dày đặc, núi đồng trùng điệp, nhiều thung lũng, thuận lợi để phát triển thảm thực vật phong phú, giàu có. Trên nền điều kiện thiên nhiên đó, nhân dẫn đã tận dụng, khai thác, sáng tạo và phát triển ra những món ăn đậm đà bản sắc.
Đến với những vùng đất địa đầu của Tổ quốc, thực khách không thể bỏ qua nền ẩm thực nơi đây, sự kết tinh tuyệt vời của tinh hoa đất trời và sự sáng tạo bất tận của con người.
Du khách thích thú thưởng thức mâm cơm truyền thống xứ Lạng
Trong các gian trưng bày ẩm thực của Ngày hội, mâm cơm đầy ắp những món ăn truyền thống của xứ Lạng như Vịt quay, lợn quay, khâu nhục, xôi ngũ sắc,… thu hút du khách.
Chị Nguyệt Nga, một người con của Lạng Sơn, thí sinh tham gia cuộc thi trình diễn kỹ năng hướng dẫn viên du lịch chia sẻ: Trong mâm cơm của người Tày ở Bắc Sơn, Lạng Sơn luôn có bánh chưng đen, xôi nếp cẩm, thịt lợn quay, thịt vịt quay… Đây là những món ăn cơ bản thường có trong mâm cơm của người Tày, kể cả là mâm cơm thường ngày hay ngày lễ tết, cúng tế.
Tại sự kiện, Lạng Sơn mang đến Ngày hội một món ăn được chế biến độc đáo là thịt ba chỉ gác bếp. Người Tày ở Bắc Sơn sinh sống trong nhà sàn, hàng ngày, đun bếp củi để sưởi ẩm và nấu nướng. Sau khi thịt một con lợn, đặc biệt, không rửa mà lấy luôn muối hạt to ướp miếng thịt rồi treo gác bếp. Sức nóng của bếp và được hun khói sẽ tạo ra hương vị thơm ngon, hấp dẫn vị giác, khứu giác của món ăn này.
Bên cạnh đó, cũng có nhiều món ăn truyền thống như xôi ngũ sắc, bánh tẻ, bánh bò, thạch sương sáo… hay các loại quả nổi tiếng vùng núi như đào Mẫu Sơn, hồng Bảo Lâm, Na Chi Lăng, hạt dẻ, trám đen,… cũng được chế biến và bày bán ngay tại các gian hàng của Ngày hội./.