(Tổ Quốc) - Lớp học nhạc ở TP Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam) thường được bắt đầu bằng việc thầy giáo khiếm thị Đặng Ngọc Duy gẩy đàn và hát. Các em học sinh vỗ tay và hát vang: “Mặt trời lên, em hướng về nơi ấy, đơm hoa cuộc đời…”.
Thơ và nhạc do chính Duy sáng tác đã vun đắp thêm cho anh niềm tin yêu cuộc sống suốt hơn 30 năm sống trong bóng tối.
Mái ấm của sáng và tối
Thấy người lạ đến, bọn trẻ nhốn nháo. Không đợi thầy Duy cho phép, chúng đứng dậy, ùa đến bên khách. Có đứa sợ hãi, ngơ ngác nép vào góc tường.
Thầy Duy ôm guitar, gẩy đàn bằng bàn tay trái, bấm phím bằng bàn tay phải và phân trần: "Không sao đâu, bọn nhỏ thấy khách đến thì có em vui mừng, có em e ngại…".
Cơ sở mái ấm Hướng Dương được Duy thành lập vào năm 2009 với 16 em nhỏ. Nay Hướng Dương trở thành Trung tâm Giáo dục hòa nhập Hướng Dương Việt Quảng Nam (gọi tắt là Hướng Dương Việt, địa chỉ 57 Lê Nhân Tông, phường An Phú, TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) có đến 50 học sinh. Nơi đây không chỉ là ngôi nhà chung của học sinh khiếm thị mà còn của các em khuyết tật khác.
Có em không nói được, có em mắc bệnh tự kỷ, có em là người dân tộc Ca Dong mà Duy đã lặn lội lên huyện miền núi Bắc Trà My (Quảng Nam) để đón về…
Ban đầu chỉ định nhận những em khiếm thị vào học, nhưng nhu cầu của người khuyết tật nhiều quá, anh không đành lòng làm ngơ. Cứ thế, những người sáng và tối nương tựa vào nhau.
Nhiều năm nay, 3 lớp học tại Hướng Dương Việt ngày nào cũng rộn ràng tiếng nói cười, tiếng đàn hát. Và để trung tâm tồn tại được là sự nỗ lực, miệt mài, bền bỉ của Hiệu trưởng sinh năm 1976 Đặng Ngọc Duy cùng 8 giáo viên, nhân viên nơi đây.
Duy cho biết, nhiều người muốn gửi con vào Hướng Dương Việt. Hiện trung tâm có 3 lớp học văn hóa và 1 lớp học nhạc; năm học 2022-2023 sẽ tăng thêm 1 lớp học văn hóa. Các em đủ lứa tuổi, các cấp học, có nhiều em sau khi học tại Hướng Dương Việt thì vào đại học hoặc đi học nghề để có thể tự mưu sinh,
Học để mở trường
Duy kể, tai nạn kíp nổ năm 13 tuổi bắt nguồn từ tính hiếu kỳ, tinh nghịch đã lấy đi đôi mắt cùng hai ngón rưỡi bàn tay trái của anh.
Vượt lên sự u uất, nỗi tuyệt vọng, Duy hiểu nếu không học, không hòa nhập cộng đồng thì cánh cửa cuộc sống sẽ không bao giờ mở ra nữa.
Duy đã khóc vì mặc cảm và sợ hãi nhưng anh không muốn mình yếu hèn. Duy đã từng cháy bỏng bao mơ ước nhưng khi không còn nhìn thấy ánh sáng thì không có nghĩa mọi khát vọng đều vụt tắt.
Ngôi trường ở bậc THPT đã tiếp thêm sức mạnh, vun đắp cho Duy niềm tin mãnh liệt vào sự ấm áp của cuộc đời. Thầy cô giáo ở Trường THPT Trần Phú (TP Đà Nẵng) đã theo từng bước chân của cậu học trò khiếm thị, động viên Duy bằng những cái nắm tay và những lời nói chân tình: "Cố lên nghe em!".
Rồi trong thời gian trốn gia đình vào Nam, ra Bắc mà Duy gọi vui là "đi giang hồ", gặp gỡ bao mảnh đời bất hạnh, anh càng cảm nhận sâu sắc rằng nỗi đau số phận nghiệt ngã sẽ được khỏa lấp bằng việc sống có ý nghĩa.
Thế là Duy lao vào học với quyết tâm đậu đại học. Giảng đường Đại học Sư phạm Quảng Nam, chuyên ngành Ngữ văn, tiếp tục là khoảng thời gian thử thách Duy. Mặc dù xã hội kêu gọi, tạo điều kiện để người khuyết tật hòa nhập, nhưng khoảng cách giữa người sáng và người khiếm thị sao vẫn xa xôi. Duy buồn và mặc cảm nhiều lắm.
Phải học bằng chữ nổi Braille và thu lại giáo trình bằng băng cassette, không ít lần Duy muốn bỏ cuộc. Nhưng khát vọng tự mở trường ngay tại quê nhà dành cho những học sinh có hoàn cảnh tương tự cứ thôi thúc.
Đã từng khó nhọc, vật vã đến rơi nước mắt với dòng chữ nổi, Duy biết nhiều người như anh cũng khao khát được đi học, cho dù đó là chặng đường mò mẫm trong đêm tối. "Tương lai từ những ngón tay/ mày mò chữ nổi đêm ngày lung linh", Duy viết như thế trong bài thơ "Dòng đời vấp ngã".
Cảm ơn cuộc đời
Nhiều bài báo đã viết về Hướng Dương và Hướng Dương Việt, Duy cũng đón nhận nhiều tấm lòng. Nhiều người đến, lắng nghe anh hát và gẩy đàn bằng tay trái với các ngón tay cụn ngủn. Có những người đã bật khóc khi nghe Duy hát: "Cuộc đời ơi, cuộc đời ơi/ Trái tim tôi thao thức nhìn đời/ Trái tim tôi có tình người bao la…".
Căn nhà thuê ở đường Trần Dư, TP Tam Kỳ, đã trả lại cho chủ, Hướng Dương chuyển đến một căn nhà thuê khác trên đường Tiểu La. Sau đó, nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước và các nhà hảo tâm, Hướng Dương chuyển đến 57 Lê Nhân Tông và trở thành Trung tâm Hướng Dương Việt, với cơ sở khang trang, đầy đủ trang thiết bị dạy học để có thêm nhiều học sinh gia nhập đại gia đình này.
Quá nhiều phụ huynh đến gửi con, cháu vào Hướng Dương Việt khiến Duy day dứt vì chưa đủ điều kiện tiếp nhận nhiều hơn. Ngoài Hiệu trưởng Đặng Ngọc Duy, tại cơ sở này còn có 8 giáo viên và nhân viên khác cũng đang ngày ngày chăm chút cho đám trẻ.
Ngày 22/4/2022, Duy ra mắt album nhạc đầu tiên với tựa đề "Việt Nam hát lên" gồm 11 sáng tác của anh. Duy còn xây dựng cả kênh YouTube "Hướng Dương Việt Quảng Nam" đăng các video clip anh vừa chơi đàn, vừa hát và các hoạt động của Hướng Dương Việt để kết nối thêm nhiều tấm lòng. Không những thế, anh còn trở thành hội viên của Liên hiệp các hội văn học - nghệ thuật tỉnh Quảng Nam.
Trong ký ức của Duy, những giọt nắng lung linh vẫn đang rải vàng trên khắp nẻo đường. "Đến nay, tôi đã sáng tác được 60 ca khúc về quê hương, đất nước và tình yêu. Cảm ơn cuộc đời đã bao dung, cảm ơn Braille cùng thơ và nhạc đã cho tôi khẳng định: Trái tim không tật nguyền", Duy mỉm cười rạng rỡ.
Cuộc đời nho nhỏ
Đặng Ngọc Duy
Cuộc đời muôn thơ nhạc
Trong bể khổ mênh mông
Không thể là sỏi đá
Để đời mình rêu phong
Mỗi cuộc đời nho nhỏ
Đi ngang qua cõi trần
Không một chút phân vân
Ấm bàn tay, hơi thở
Dù thân mình khuyết tật
Dù hạnh phúc quay lưng
Trong cuộc đời nghiệt ngã
Vẫn ca hát ân tình
Mỗi cuộc đời nho nhỏ
Sống là để yêu thương
Dòng đời ta sóng vỗ
Cho bến bờ thêm hương.
Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết!