(Tổ quốc) - Mỗi dân tộc trên thế giới đều có trang phục truyền thống mà chỉ cần nhìn cách phục sức của họ, chúng ta có thể nhận biết họ thuộc quốc gia nào, thể hiện bản sắc văn hóa ra sao? Nếu người Nhật Bản có Kimono, người Hàn Quốc có Hanbok… thì người Việt Nam lại hãnh diện khi mang trên mình chiếc Áo dài.
Theo dòng chảy của lịch sử, chiếc Áo dài đã có nhiều thay đổi để phù hợp với từng giai đoạn của xã hội. Thế nhưng, dẫu thay đổi thế nào đi chăng nữa, áo dài vẫn luôn là biểu tượng của vẻ đẹp, văn hóa và là niềm tự hào của hàng triệu người con đất Việt. Trong thời gian qua, áo dài truyền thống có nhiều biến đổi về kiểu dáng, theo trang phục dân tộc của các quốc gia khác. bản sắc văn hóa của áo dài truyền thống đang dần bị mờ nhạt và mất đi giá trị cốt lõi. Tuy nhiên, trong sự biến đổi đó, vẫn có những dòng chảy ngầm trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của trang phục áo dài truyền thống.
Chàng trai trẻ Trần Nguyễn Trung Hiếu tại xưởng may của mình. Ảnh: Lê Huỳnh Hiếu
Nguyễn Trung Hiếu, đang sống và làm việc tại TP. Hồ Chí Minh. Anh tốt nghiệp chuyên ngành thiết kế công nghiệp, Trường Đại học Văn Lang (TP. HCM). Là chàng trai thuộc thế hệ 9x, nhưng Hiếu có đam mê nghiên cứu phục dựng trang phục cổ, đặc biệt là áo dài truyền thống. Hiếu đã nhanh chóng trở thành một thương hiệu luôn được nhắc tới như một người trẻ "lội ngược dòng" tìm về vẻ đẹp trong trang phục truyền thống Việt. Không cửa hàng, không quảng cáo rộng rãi, chỉ với bàn tay đơn độc và niềm đam mê của mình, Hiếu đã tạo ra nhiều bộ trang phục đạt chất lượng kỹ thuật và thẩm mỹ cao cho khách hàng trong nước và nước ngoài đặt may.
Đại sứ Phạm Sanh Châu và phu nhân chụp ảnh cùng Nhà vua Bu tan sau Lễ Trình Quốc thư. Ảnh: Hoàng gia Bu tan
Rất khó hình dung ra một chàng trai 9X, tốt nghiệp hạng ưu chuyên ngành mỹ thuật công nghiệp lại theo đuổi những dự án phục cổ trang phục Việt, đặc biệt là áo dài truyền thống ngũ thân. Cơ duyên hay cảm hứng nào đưa Hiếu đến với loại "thời trang" tưởng dễ mà không hề dễ?
Trần Nguyễn Trung Hiếu:Lúc nhỏ, tôi rất thích những gì liên quan đến các sản phẩm thủ công, nghề thủ công, rồi khi lớn, tôi yêu nó lúc nào không hay, cái đam mê này đến với tôi rất tự nhiên và nó cũng giống như mọi đam mê khác, chứ cũng không gì lấy l đặc biệt. Khi tôi theo học ngành mỹ thuật công nghiệp tôi có ý thức hơn về văn hóa truyền thống, nhiều cơ hội đến với tôi, tôi may mắn được gặp những người có tâm huyết với văn hóa nước nhà, những bậc tiền bối ấy họ là nhà nghiên cứu, nhân chứng lịch sử, duyên may giúp tôi và họ kết nối được với nhau, rồi vì đó mà cơ hội được tiếp cận hiện vật thật, nghe những câu chuyện được kể từ những trải nghiệm thực tế mà họ đã trải qua suốt chặn đường hàng chục năm theo đuổi nghiệp phục cổ.
Tại sao lại là Áo dài ngũ thân?
Trần Nguyễn Trung Hiếu:Có lẽ nó đã quá gần gũi với tâm thức người Việt, hễ nhắc đến áo dài thì ai cũng có một kỷ niệm đẹp về nó, thú vị nhất là trong hồi ức các bậc cao niên, như các bà, các mẹ, thuở mà áo dài gắn liền với đời sống thường nhật lẫn các dịp trọng đại, đi đâu, làm gì người ta cũng mặc áo dài, người ta xem việc mặc áo dài như một chuyện hiển nhiên. Qua những bức ảnh trắng đen xưa, và những lần may mắn được tiếp xúc với những những chiếc áo dài xưa nguyên bản, có cái là hiện vật sưu tầm của bảo tàng, có cái là kỷ vật gia đình, nhưng tất cả đều thể hiện một trình độ thẩm mỹ cao của người xưa, nó thể hiện ở kỹ thuật dệt, cắt may, thêu thùa, kim hoàn, mọi thứ như được chăm chút đến hoàn hảo. Vì những yếu tố thẩm mỹ mà tôiphát hiện được đó, nó khiến tôithấy càng nể phục cái tài và cái tâm của người xưa, dẫu biết rằng bản thân không thể nào đạt đến trình độ của người xưa, nhưng mình còn trẻ và nhiệt huyết, nên không ngại gì không dấn thân. Làm được đến đâu thì vui đến đó, nếu không được thì xem như đó là một trải nghiệm.
Theo Hiếu, định nghĩa Áo dài như thế nào?
Trần Nguyễn Trung Hiếu:Như mọi người đều biết, loại áo năm thân, cài khuya, cổ đứng, tay hẹp -Áo dài là trang phục của xứ Đàng Trong, được đặt định theo lệnh chúa Nguyễn Phúc Khoát, khoảng năm 1744, sau này trở thành trang phục dân tộc của toàn cõi Việt Nam, sau khi nhà Nguyễn thống nhất sơn hà. Bởi được định hình dưới một thời kì lịch sử nhất định, nên nó mang trong mình những dấu ấn riêng.
Chú rể Hoàng Sơn và cô dâu Kim Thủy trong bộ áo dài năm thân do Trần Nguyễn Trung Hiếu may. Ảnh: Lê Huỳnh Hiếu
Tuy nhiên, cũng thời là áo dài, nhưng ba miền Bắc- Trung- Nam, áo dài lại có đôi chỗ khác nhau: ở độ dài, độ rộng, cách trang sức đi kèm, rồi còn còn chuyện khăn, nón, tóc tai… nó là cả một nền văn hóa mặc được hình thành và hoàn chỉnh suốt mấy trăm năm. Nhìn cách phục sức, chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra, đó là vùng miền nào. Không những thế, với địa vị xã hội đương thời, người mặc phải tuân thủ những quy tắc nghiêm ngặt về chất liệu, màu sắc, hoa văn, rồi còn nhiều nhiều những điều thú vị xung quanh chiếc áo xưa mà sử sách không hề đề cập tới, những điều thú vị ấy nằm một phần ở hiện vật và qua lời kể những câu chuyện của các bậc cao niên, các nhà nghiên cứu có thâm niên kinh nghiệm. Đó là nguồn sử liệu truyền miệng giá trị vô cùng.
Trong việc phục dựng áo dài ngũ thân, Hiếu thấy đâu là khó nhất?
Trần Nguyễn Trung Hiếu:Để hoàn chỉnh một chiếc áo như xưa, từ khâu chọn vải đến lúc cắt may, thì khâu nào cũng đòi hỏi người làm cũng phải nghiêm túc, kỹ lưỡng. Nhưng tâm đắt nhất, có lẽ là những chi tiết cuối cùng để hoàn thiện chiếc áo, đó là những cái khuy cài, đường viền áo. Tuy nhiên đến hôm nay, tôi trăn trở nhiều nhất là phần chất liệu, nghề dệt ở Việt Nam đã được hiện đại hóa nhiều và đồng nghĩa là những hàng dệt xưa gần như không còn, đâu đó vẫn còn những nơi có thể làm được, nhưng phẩm chất đã không còn như xưa.
TS. Trần Đoàn Lâm, Giám đốc Nhà xuất bản Thế giới trong trang phục áo dài năm thân do Trần Nguyễn Trung Hiếu may. Ảnh: Nguyễn Tiến Dũng
Hiện nay, áo dài nữ đã có nhiều biến đổi nhưng dường như đã được mặc định là Quốc phục của phụ nữ Việt Nam, vậy theo Hiếu, Quốc phục của đàn ông Việt Nam là như thế nào?
Trần Nguyễn Trung Hiếu:Tôi nghĩ nếu được lựa chọn, không những phụ nữ, mà nam giới Việt Nam vẫn sẽ chọn áo dài làm trang phục dân tộc. Nhưng lựa chọn kiểu dáng áo dài nam ra sao, giai đoạn lịch sử, chất liệu thế nào, đó là vấn đề và nhiệm vụ của người làm văn hóa, trước khi mặc đẹp thì phải mặc đúng.
Riêng tôi, áo dài năm thân xưa vẫn là sự lựa chọn hoàn hảo, bởi khi măc, người mặc toát lên được sự trang trọng, lịch sự, trang trọng cần thiết. Nếu có điều kiện phục hồi các chất liệu dệt truyền thống, áo dài còn thể hiện được sự tinh tế trong chất liệu và kỹ thuật may đo cổ truyền.
Có một số nhà thiết kế thời trang đưa ra các mẫu trang phục có tà dài và họ coi đó là sự cách tân trang phục áo dài nam của đàn ông Việt, Hiếu có nhận xét như thế nào về các kiểu trang phục đó hiện nay?
Trần Nguyễn Trung Hiếu:Tôi không có nhận xét gì, vì lĩnh vực thiết kế là khai thác sự sáng tạo, từ ý tưởng đến thành phẩm nó còn phụ thuộc sự hiểu biết và trình độ thẩm mỹ của mối nhà thiết kế. Về áo dài, việc thiết kế để nó trở nên đẹp hơn thì tôi rất ủng hộ, tuy nhiên có lẽ do khác nhau về quan điểm thẩm mỹ hoặc giả là tôi chưa đủ trình độ cảm thụ cái đẹp ở áo dài cách tân mà các nhà thiết kế đang cố gắng và cố tình làm, nên bản thân tôi chưa cảm thấy sự rung động khi tiếp xúc với các sản phẩm đó chăng? Nhưng tương lai, tôi hy vọng sẽ có một thiết kế mới của một nhà thiết kế trẻ nào đó, vừa dung hòa được cái đẹp xưa và nay, vừa thể hiện sự trân trọng mà cái áo dài đáng phải có, vì đây không đơn giản là tấm áo, mà nó là bảo vật dân tộc.
Trần Nguyễn Trung Hiếu đang hoàn thiện cặp áo năm thân. Ảnh: Lê Huỳnh Hiếu
Khi Áo dài Việt hiện tại có rất nhiều nhà thiết kế thành danh và uy tín, mà Hiếu thì chì mới là 9X, kinh nghiệm chưa nhiều, có sợ mình bị "chìm" trong những "tên tuổi" lẫy lừng kia?
Trần Nguyễn Trung Hiếu:Trước hết tôi xin đính chính, về áo dài, tôi không phải là nhà thiết kế, thiết kế là nói đến lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật, còn tôi chỉ là người phỏng dựng lại kiểu áo dài xưa, cụ thể là giai đoạn 1920-1930, và ở đó tôi chỉ muốn làm sao cho sản phầm mình giống với những hiện vật nguyên bản hết mức có thể, từ vải vóc, cách cắt cho đến đường may, nó hoàn toàn khác với công việc thiết kế, cách tân mà các nhà thiết kế áo dài hiện nay đang làm. Việc phỏng dựng này, ban đầu là để thỏa cái đam mê riêng của tôi, nhưng may mắn cái sở thích ấy lại lan tỏa và được nhiều bạn bè quan tâm, chia sẻ. Hiện nay, có rất nhiều bạn trẻ cũng mày mò làm áo xưa, tuy nhiên mỗi người mỗi thế giới, mỗi cách cảm thụ thẩm mỹ khác nhau, nên các sản phẩm sẽ có phẩm chất khác nhau.
Điều gì là Hiếu tự tin vào mình? Và điều gì Hiếu nghĩ sẽ là "dấu ấn"- Seal mang bản quyền "made in Trần Nguyễn Trung Hiếu"?
Trần Nguyễn Trung Hiếu:Hiện tại, điều tôi tự tin nhất về bản thân có lẽ là tình yêu tôi dành cho văn hóa xưa, nó đủ lớn để trở thành động lực để tôi tiếp tục những dự án nhỏ của mình. Với tôi, khi phục hồi những sản phẩm văn hóa cổ truyền, cái quan trọng nhất là phải có một cái tâm nghiêm túc, từ đó làm hồi sinh những giá trị thẩm mỹ đã mai một, sự tinh xảo trong kỹ thuật sản xuất…, những yếu tố đó là những gì tôi muốn gửi gắm trong các sản phẩm tôi làm ra và sẽ trở thành cái riêng mang dấu ấn của tôi sau này.
Đại sứ Phạm Sanh Châu: Bộ Ngoại Giao:
Ông là người có nhiều cảm xúc với áo dài Việt truyền thống.Và hễ có dịp là ông "diện" áo dài như một trang phục yêu thích. Trong một status đầu năm mới 2019 trên Fb, ông đã rất xúc động diễn tả lại buổi lễ trình Quốc thư lên Nhà vua Thứ Năm của Bu tan Jigme Khesar Namgyel Wangchuck, Quốc vương của Đất nước Hạnh phúc, và chính thức trở thành Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền thứ hai của Việt Nam tại Vương Quốc Bu tan. Điều ông vui nhất là Đức Vua tấm tắc khen trang phục áo dài truyền thống của đoàn Việt Nam rất độc đáo và giàu bản sắc dân tộc.
Về áo dài Việt, Đại sứ cũng luôn có cảm hứng: "Áo dài nam khẳng định bản sắc của người Việt Nam. Chúng ta đã nổi tiếng với chiếc áo dài nữ, bởi nó đã tôn vinh hình thể, tâm hồn của người phụ nữ Việt Nam.Các nước khác, nam giới cũng có bộ trang phục truyền thống, tôi nghĩ rằng đã đến lúc chúng ta ngồi lại, thảo luận với nhau để tìm trang phục truyền thống cho người đàn ông Việt Nam. Theo tôi, áo dài nam là một sự lựa chọn hợp lý.Khi mặc nó trên người, tôi thấy mình khác với các bạn đến từ các nước khác, tôi thấy vô cùng tự hào".