(Tổ Quốc) - Cùng với tập truyện ngắn Những gặp gỡ không thể có, Trần Tiễn Cao Đăng đã trở thành người khai phong cho thể loại văn học chưa được chú trọng nhiều tại Việt Nam: thể loại fantasy.
Sau tiểu thuyết đầu tay của mình, tập truyện ngắn Những gặp gỡ không thể có của Trần Tiễn Cao Đăng tiếp tục ra mắt khán giả, cho thấy quan điểm thẩm mỹ riêng biệt của nhà văn. Với kết cấu, thể loại, cách kể lạ, nội dung gần như rất khó tìm thấy ở đời sống Việt Nam, các truyện ngắn phi hiện thực của Những gặp gỡ không thể có được cắt dán dưới sức tưởng tượng ngoạn mục và phi thường.
Từ “fantasy” bắt nguồn từ tiếng Pháp cổ “fantasia”, có gốc từ tiếng Latin và Hy Lạp cổ là “phantasia” có nghĩa là sự tưởng tượng, sự biểu hiện; sau đó được hiểu gần với từ “phantom” (gốc Latin: phantazenin) có nghĩa là bóng ma hay quái tượng. Trong khoảng từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 19, khái niệm “phantasy” trở nên thông dụng.Với cách hiểu đó, có thể coi “fantasy” là dòng chảy chính của văn chương thế giới trong suốt thời kỳ Cổ đại đến trước Phục Hưng, chỉ có điều nó tồn tại ở hình thức Thần thoại, Sử thi. Một số tác phẩm của thời kỳ Phục Hưng và Khai Sáng vẫn sử dụng yếu tố “fantasy”.
Yếu tố fantasy đã có từ khởi nguyên của văn học, nhưng để xác định chính xác thời gian ra đời thể loại văn học fantasy thì vẫn có rất nhiều khó khăn. Nhiều người coi tác phẩm Utopia (1516) của Sir Thomas More là tác phẩm đầu tiên của thể tài này.Utopia mở ra một thế giới lý tưởng, là ước vọng cao nhất của bất cứ một nền văn minh nào. Một số người khác lại cho rằng, Frankenstein, a Modern Prometeus của Mary Wollstonecrafl Shelley mới là viên gạch đầu tiên cho lâu đài văn học fantasy.
Ở Mỹ, các tác giả lớn cũng bị ảnh hưởng bởi dòng văn học này. Truyện ngắn của Edgar A.Poe đến nay vẫn gây ám ảnh lớn với độc giả: không lý giải, không triết luận, ông bỏ lửng sự huyền bí trong mơ hồ. Chất fantasy trong văn học sau đó được phát triển thành dòng văn học “hiện thực huyền ảo” của Nam Mỹ mà đại diện vĩ đại nhất là Gabriel Marquez với tiểu thuyết “Trăm năm cô đơn”.
Trong thế kỷ XX, nhiều người đã đồng nhất văn học fantasy với văn học khoa học viễn tưởng. Họ đánh giá rất cao vai trò của khoa học kỹ thuật đối với sự phát triển của văn học kỳ ảo. Trong quan niệm của họ, nguồn cội văn hoá - xã hội tạo nên sự bùng nổ của văn học kỳ ảo là sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật và những thành tựu lớn lao mà nó đạt được. Từ những năm 60 của thế kỷ trước, văn học kỳ ảo nói riêng, nghệ thuật kỳ ảo nói chung, thu hút mạnh mẽ sự quan tâm của những người nghiên cứu ở các nước Âu - Mỹ. Nhiều nước tổ chức những giải thưởng rất lớn dành cho văn học kỳ ảo, ví như giải “Jules Verne” ở Pháp, giải “Hugo Gernsbak” ở Mỹ hay giải “K. E. Siolkopski” (“K.Э.Циолковский”), giải “A.Biliaev” (“А. Беляев”) ở Nga.
Nhà văn, dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng cho rằng cần phân biệt giữa dòng tác phẩm fantasy thuần túy và tác phẩm có yếu tố fantasy. Fantasy thuần túy không có lời giải thích khoa học nào về sự tồn tại song song của thế giới thực, ảo. Riêng những tác phẩm có giải thích khoa học (dù thuyết phục hay còn mơ hồ, khoa học hiện tại chưa thể giải thích được, song hiện tượng đó có khả năng xảy ra) về sự tồn tại của thế giới ảo; tác phẩm thuộc chủ nghĩa hiện thực huyền ảo thì cả hai đều được coi là tác phẩm có yếu tố fantasy chứ không phải fantasy thuần túy.
Với Cao Đăng,“viết là để tự tiến hóa, để tự định nghĩa mình, viết là để có tiếng nói của riêng tôi về cái đẹp và nỗi đau - của những thực thể, hữu sinh hay vô sinh, không tự nói hoặc không có cơ hội nói về cái đẹp và nỗi đau của mình.” Theo quan điểm của ông, nhà văn phải bay bổng trên các cấp độ hiện thực để tái hiện một thế giới là cái mình muốn.
Bốn truyện ngắn trong Những gặp gỡ không thể có của Trần Tiễn Cao Đăng là bốn câu chuyện về những cuộc gặp gỡ nằm giữa lằn ranh giữa thật và ảo, giữa hiện hữu và giấc mơ. Đẹp mà lạ lùng, nên thơ nhưng cũng không kém phần gai góc,Trần Tiễn Cao Đăng đưa người đọc bước vào thế giới siêu thực mà ông vẽ nên, nơi mà ý chí của con người được giải phóng và không còn bị ngăn trở bởi bất cứ rào cản nào nữa. Những gặp gỡ không thể có của Trần Tiễn Cao Đăng đã dệt nên bức tranh về sự sống và cái chết, về tình yêu và sự cách chia, về mê đắm và dục vọng, về tình người, tình đồng đội và cả sự lạc lõng của mỗi bản thể trong cuộc đời.
Võ Vân
Trần Tiễn Cao Đăng
Sinh năm 1965, thuộc dòng dõi họ tộc võ tướng Trần Tiễn Thành, nhưng ngay từ nhỏ, Trần Tiễn Cao Đăng đã có niềm đam mê văn chương. Sau này, ông tạo lập được danh tiếng của mình trên văn đàn trong vai trò một dịch giả. Những tác phẩm mà Trần Tiễn Cao Đăng dịch đều là những tác phẩm văn chương xuất sắc hoặc công trình nghiên cứu có giá trị cao, muốn dịch không chỉ cần khả năng về ngôn ngữ, mà còn đòi hỏi sự hiểu biết về văn hóa, tôn giáo, lịch sử... sự nghiêm túc và cẩn trọng. Những dịch phẩm của ông có thể kể đến như Biên niên ký chim vặn dây cót (Haruki Murakami), Nếu một đêm đông có người lữ khách (Italo Calvino), Súng, Vi trùng và Thép (Jared Diamond), Thế giới như tôi thấy (Albert Einstein), Từ điển Khazar (Milorad Pavic)… Uy tín của Trần Tiễn Cao Đăng trong ngành dịch thuật đã được khẳng định bằng giải thưởng về dịch thuật của Hội Nhà văn Hà Nội.
Khi bước chân đến lãnh địa của nghề cầm bút, Trần Tiễn Cao Đăng đã nói rằng: “Việc dịch văn chương đã đóng vai trò đánh thức thiên hướng viết lách có lẽ từ lâu còn ngủ yên trong tôi”. Thời gian tiếp cận lâu với văn học tinh hoa đã mở cho Trần Tiễn Cao Đăng con đường đi riêng cho mình. Truyện do ông sáng tác hoàn toàn không chạy theo các trào lưu văn học hiện thời, không đánh vào thị hiếu của độc giả, và cũng không đi theo bất kỳ lối mòn nào trước đó.