(Tổ Quốc) - Đắk Lắk là nơi có đông dân tộc sinh sống nhất với 49 dân tộc gồm người Kinh, Ê Đê, M'Nông, Gia Rai, Ba Na, Xơ Đăng, Chăm, Lào Khmer,... mỗi dân tộc mang bản sắc văn hóa riêng biểu hiện ở mọi khía cạnh của đời sống vật chất và tinh thần, trong đó trang phục biểu hiện rõ rệt, thường xuyên và lâu bền nhất.
Trang phục truyền thống - biểu trưng của văn hoá, góp phần phản ánh phong tục tập quán, nét đẹp và bản sắc riêng của từng dân tộc đang sinh sống tại tỉnh Đắk Lắk. Mỗi bộ trang phục với chất liệu, màu sắc và cách thiết kế mang những nét đẹp và ý nghĩa khác nhau tạo nên những dấu ấn riêng thể hiện truyền thống tâm lý, khiếu thẩm mỹ của dân tộc mình, nhưng vẫn thấy những nét chung thật gần gũi thể hiện qua từng nhóm dân tộc.
Điển hình như các dân tộc Giarai, Êđê, Raglai, Chăm và Chu Ru là 5 dân tộc thuộc ngữ hệ Nam đảo. Tại Đắk Lắk, nhóm Nam Đảo có dân số trên 370.000 người, trong đó người Êđê có dân số đông nhất, họ là cư dân sinh sống lâu đời, phân bố hầu khắp các huyện trong tỉnh, các dân tộc còn lại cư trú chủ yếu ở huyện Ea H'leo, Ea Súp và thành phố Buôn Ma Thuột... Y phục của các dân tộc Êđê, Giarai ở đây đều mang những nét chung của nhiều cư dân ở Trường Sơn – Tây Nguyên. Trong đó, nữ giới mặc áo ngắn chui đầu, váy dài - áo là loại áo ngắn, chui đầu, phổ biến là kiểu chui đầu cổ "hình thuyền", còn váy là một loại váy quấn đặc trưng, đó là một tấm vải lớn khi mặc quẩn quanh thân từ eo trở xuống, phủ mắt cá chân. Con nam giới thì đóng khố và mang áo cánh dài quá mông.
Tuy nhiên, hoa văn trên trang phục truyền thống của người Êđê là hoa văn hình học, những hoa văn gắn liền cuộc sống hằng ngày như cỏ cây, chim, muông thú. Màu sắc chủ đạo là đỏ và đen, đỏ tượng trưng lửa, màu đen tượng trưng cho đất, cùng các họa tiết vàng xanh trắng…, trước đây tất cả được nhuộm từ vỏ cây, lá cây, rễ cây. Người Giarai thì nổi bật với sắc đỏ xen trắng và vàng trên nền chàm hoặc màu xanh nhạt diệp và màu chàm.
Ở Đắk Lắk còn có dân tộc Mông, Dao, Pà Thẻn thuộc ngữ hệ Mông – Dao, với dân số trên 56.000 người, cư trú chủ yếu ở các huyện Krông Bông, M'Drắk, Ea Súp. Trang phục của họ nhìn chung rực rỡ, nhiều màu sắc, với các hoa văn, họa tiết được làm bằng phương pháp dệt, thêu, in sáp ong, đáp ghép vải màu… Phụ nữ Dao và Pà Thẻn giỏi kỹ thuật thêu, dệt, đáp vải; phụ nữ nhóm Mông đen đặc sắc với kỹ thuật batik (nghệ thuật trang trí trên vải).
Y phục nữ dân tộc Dao bao gồm áo, yếm, quần; chất liệu được sử dụng để làm nên bộ trang phục này thường được dùng bằng vải lanh, nhuộm chàm, lấy màu đen làm chủ đạo kết hợp với những nét hoa văn thêu chỉ, các phụ kiện, trang sức khá cầu kỳ, hòa quyện vào nhau thành một khối thống nhất. Trong khi đó, trang phục nam giới người Dao quần chẹt đơn giản hơn nữ giới, gồm một áo cánh ngắn, cài cúc, cổ đứng để mặc ngoài, tất cả đều màu chàm.
Ngoài ra, trang phục những dân tộc khác cũng có những nét riêng biệt như: phụ nữ nhóm Tày - Thái ít trang trí hoa văn; người Nùng, Lự chủ yếu sử dụng kỹ thuật ghép vải và trang trí bằng hạt bạc; người Thái thêu hoa văn tập trung ở khăn piêu; người Sán Chay trang trí hoa văn trên áo, yếm…; tất cả tạo đã nên một không gian văn hóa đặc sắc, từ đó góp phần gìn giữ, phát huy và tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc.
Qua đó, có thể khẳng định, trang phục của các dân tộc thiểu số là di sản văn hóa lưu giữ giá trị tinh thần quý báu, bản sắc riêng của các tộc người. Tuy nhiên, với sự phát triển không ngừng của xã hội hiện nay, những nét đẹp độc đáo, bản sắc trên trang phục truyền thống các dân tộc nói chung và dân tộc thiểu số nói riêng đang biến đổi, cải biên, thậm chí là mai một. Phần lớn trang phục truyền thống không còn được sử dụng rộng rãi trong đời sống hằng ngày, nhiều bộ trang phục không còn nguyên gốc.
Nguyên nhân này xuất phát từ sự phát triển của xã hội, sự giao lưu và ảnh hưởng văn hóa làm thay đổi lối sống và trang phục; nhiều người ngại mặc trang phục truyền thống dân tộc mình do không phù hợp sinh hoạt đời thường; giới trẻ thì sợ bị coi là lạc hậu… Một vấn đề khác cũng hết sức đáng quan ngại nổi lên trong thời gian qua là thái độ ứng xử với trang phục truyền thống qua việc làm mới, cách tân, cải biên. Thay vì phát triển, gìn giữ và tôn vinh những nét đẹp, giá trị văn hóa dân tộc, không ít cách làm, sử dụng đã làm biến dạng các trang phục truyền thống. Vì vậy, việc bảo tồn, phát huy giá trị trang phục truyền thống được xem là yêu cầu cấp thiết hiện nay, không chỉ góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần mà còn được khai thác để phát triển du lịch.
Để bảo tồn và phát triển trang phục truyền thống dân tộc, từ năm 2020 đến nay, Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk đã tham mưu tổ chức tặng hơn 400 bộ trang phục thổ cẩm truyền thống cho các đội chiêng, đội văn nghệ tiêu biểu ở các thôn, buôn trên địa bàn tỉnh thông qua các dự án, chương trình. Ngành văn hóa, các địa phương thường xuyên tổ chức định kỳ tổ chức liên hoan, hội diễn nghệ thuật quần chúng…, trong đó có nội dung thi biểu diễn trang phục dân tộc, tôn vinh nét đẹp văn hóa các dân tộc.
Bên cạnh đó, bộ sưu tập trang phục truyền thống của các dân tộc Đắk Lắk được bảo tồn và trưng bày tại Bảo tàng Đắk Lắk cũng là một điểm nhấn thu hút du khách bởi sự đa dạng, độc đáo trong sắc màu, kiểu dáng. Đồng thời, Bảo tàng tỉnh còn phối hợp với các trường học tổ chức chương trình giáo dục và các hoạt động trải nghiệm nhằm nâng cao ý thức giữ gìn, tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc cho thế hệ trẻ.
Ngoài ra, tại các lễ hội đầu năm, tỉnh Đắk Lắk cũng đã vận động đồng bào các dân tộc tham gia đều diện những bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình, tạo nên một bức tranh rực rỡ sắc màu. Điều đó cho thấy, cùng với các cấp chính quyền địa phương, bản thân mỗi người dân cũng tự nêu cao ý thức, tự hào về giá trị của những di sản văn hóa dân tộc nói chung và trang phục truyền thống nói riêng, từ đó có những đóng góp thiết thực trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị trang phục truyền thống của dân tộc mình./.