Trang trọng lễ tế âm hồn tại Cố đô Huế
Thực hiện: Lê Chung | 11/07/2023
(Tổ Quốc) - Tục cúng cho các âm hồn tại Huế vào ngày thất thủ Kinh đô thể hiện tình đồng bào, tấm lòng nhân đạo và tính nhân văn sâu sắc của người dân Cố đô Huế.
Sáng ngày 11/7 (nhằm ngày 24/5 ÂL), tại di tích Đàn Âm Hồn, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã trang trọng tổ chức Lễ tế âm hồn năm 2023.
Đàn Âm Hồn hiện tọa lạc ở số 73 đường Ông Ích Khiêm (TP Huế). Đàn được triều đình nhà Nguyễn lập năm 1894, dưới triều vua Thành Thái. Đây là nơi thờ tự, cúng tế vong linh các quan viên, binh lính, đồng bào tử nạn trong biến cố thất thủ Kinh đô Huế ngày 5/7/1885 (tức 23/5 năm Ất Dậu).
Theo Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, Lễ tế âm hồn là một lễ tế truyền thống tốt đẹp của Việt Nam đã từng diễn ra trong lịch sử, đặc biệt là dưới thời nhà Nguyễn ở Huế, đề cao những giá trị nhân văn, chủ yếu là hình thức gắn kết giữa con người với thế giới tự nhiên; nhằm tưởng nhớ đến những người đã ngã xuống trong sự kiện thất thủ Kinh đô.
Lễ tế Âm hồn gồm các nghi lễ: Lễ Quán tẩy; Lễ Thướng hương; Lễ Sơ hiến tửu (dâng rượu lần đầu); Lễ Đọc chúc; Lễ Hành Á hiến (dâng rượu lần thứ hai); Lễ Chung hiến (dâng rượu lần thứ ba); Lễ Dâng trà; Lễ Hóa văn tế.
Các lễ vật được sử dụng trong buổi Lễ tế âm hồn được tổ chức sáng nay.
Ở Huế, tập tục cúng âm hồn bắt đầu từ những năm sau biến cố thất thủ kinh đô và kéo dài cho đến bây giờ. Trải qua hơn gần 140 năm, dù có nhiều sự biến đổi nhưng tập tục này vẫn được gìn giữ và chưa bao giờ bị gián đoạn. Tuy quy mô và hình thức tổ chức có chút khác nhau so với từng thời điểm lịch sử song ý nghĩa của nó vẫn được giữ nguyên.
Từ ngày 23/5 âm lịch, nếu là một du khách đặt chân đến Huế ắt hẳn mọi người sẽ không khỏi ngạc nhiên trước không khí trang nghiêm. Hình ảnh các lễ cúng, hương khói, tiếng nhạc cúng lễ có thể bắt gặp ở mọi nơi từ sân nhà, đầu ngõ, trong chợ, bến đò, bến sông.. trang trọng nhất là lễ tế được tổ chức tại Đàn Âm Hồn.
Việc tổ chức nghi lễ cúng âm hồn theo hình thức cá nhân hay tập thể không có một quy định cụ thể nào. Chủ yếu là dựa vào sự thành tâm và tấm lòng của mỗi người. Thông thường, việc tổ chức lễ cúng âm hồn được tổ chức vào ngày chính lễ 23/5 âm lịch, nhưng cũng có thể kéo dài cho đến hết tháng 5 tùy vào mỗi gia đình.
Mâm cúng lễ thường được bày biện giữa trời, thường là trước cổng hoặc sân nhà với hai mâm thượng và hạ. Tùy vào điều kiện của mỗi gia đình, mỗi khu phố mà lễ vật cũng khác nhau.
Tuy nhiên trong số các lễ vật không thể thiếu: hương đèn, trầu cau, rượu trắng, cháo trắng, muối, gạo, hạt nổ, xôi, chè, khoai sắn, hoa quả, giấy tờ vàng mã,..
Đặc biệt trong nghi lễ luôn có một bình nước lớn và một bếp lửa được đốt ngay bên cạnh bàn thờ cúng. Nhiều người tin rằng những vong linh bị chết oan uổng vì đói khát, chết lạnh lẽo dưới ao hồ... không ai thờ tự có thể đến uống nước, sưởi ấm vào ngày này.
Lễ tế âm hồn trong bối cảnh hiện tại với ý nghĩa đề cao nghĩa cử cao đẹp trong nhận thức, hành động cho các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. Truyền thống quý báu đó là cội nguồn, sức mạnh đoàn kết tạo nên bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam nói chung, nhân dân Thừa Thiên Huế nói riêng. Việc làm này đã thể hiện được tình đồng bào, tấm lòng nhân đạo và tính nhân văn sâu sắc của người dân Cố đô Huế.