(Tổ Quốc) - Ngày 12/6, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chủ trì phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhằm tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện các dự thảo luật, nghị quyết thông qua tại đợt 2 của kỳ họp thứ 5.
Chỉ đưa vào luật những nội dung đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, đúng quy trình, đủ “chín”, đủ “rõ”, cấp bách
Phát biểu mở đầu phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành đợt 1 của kỳ họp thứ 5 với 17 ngày làm việc, cơ bản hoàn thành các nội dung đã đề ra.
Tại đợt 2 của kỳ họp sắp tới, Quốc hội sẽ chủ yếu tiến hành biểu quyết thông qua các dự án luật, nghị quyết. Từ hôm nay (12/6), Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ liên tục tổ chức họp để cho ý kiến về các dự án luật, dự thảo nghị quyết sẽ trình Quốc hội xem xét thông qua tại đợt 2 của kỳ họp.
Với mong muốn nâng cao chất lượng của hệ thống thể chế pháp luật lên mức cao nhất, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cơ quan thẩm tra, cơ quan chủ trì cần đảm bảo không có bất kỳ ý kiến nào của đại biểu Quốc hội không được tiếp thu, giải trình một cách thỏa đáng.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, việc thực hiện tiếp thu, giải trình, chỉnh lý cần đảm bảo đúng theo quy trình, nguyên tắc quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Chỉ đưa vào luật những nội dung đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, đúng quy trình, đủ “chín”, đủ “rõ”, cấp bách, có sự đồng thuận thống nhất cao.
Những nội dung chưa “chín”, chưa đủ rõ, chưa chuẩn bị kỹ lưỡng, chưa đánh giá tác động đầy đủ, còn nhiều ý kiến khác nhau thì cần tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng.
Cùng với đó, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần đảm bảo tinh thần công khai, minh bạch, quyết liệt phòng chống tham nhũng, tiêu cực, tuyệt đối tránh cài cắm lợi ích nhóm, trục lợi chính sách trong công tác hoàn thiện thể chế, xây dựng hệ thống pháp luật.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chịu trách nhiệm chính trong giai đoạn tiếp thu, giải trình, chỉnh lý. Khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất ý kiến, sẽ hình thành phương án xin ý kiến cơ quan trình.
Đánh giá sáng kiến chia kỳ họp làm 2 đợt để có thời gian tiếp thu, giải trình, chỉnh lý là hợp lý, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần tiến hành công việc càng sớm càng tốt, tận dụng thời gian nghỉ giữa hai đợt để triển khai khẩn trương, kịp thời công việc.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội đã có nhiều nỗ lực, phối hợp chặt chẽ và tích cực với các cơ quan của Chính phủ trong thời gian qua. Đề nghị Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội tiếp tục phát huy để nâng cao chất lượng công việc, đảm bảo các dự án luật, nghị quyết đạt được chất lượng cao nhất.
Đấu thầu phải công khai, đảm bảo lợi ích tối đa của người được mời thầu
Một trong những nội dung được Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong phiên họp hôm nay đó là cho ý kiến về một số vấn đề lớn, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi).
Đây là nội dung đã được các đại biểu Quốc hội thảo luận lần hai trong đợt 1 của kỳ họp thứ 5 và sẽ xem xét biểu quyết thông qua trong đợt 2 của kỳ họp.
Thảo luận tại hội trường, một số ý kiến đề nghị chọn phương án để không thu hẹp quá mức đối tượng đấu thầu, quản lý chặt chẽ vốn đầu tư của nhà nước vào doanh nghiệp nhà nước và vốn của doanh nghiệp nhà nước đầu tư, góp vốn vào các doanh nghiệp khác mà doanh nghiệp nhà nước nắm quyền chi phối.
Một số ý kiến đề nghị chọn phương án để tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp nhà nước trong hoạt động sản xuất kinh doanh...
Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội tiếp tục góp ý đối với các điều, khoản quy định về đấu thầu trong lĩnh vực y tế như quy định mua sắm tập trung đối với mua thuốc hiếm, thuốc cần mua với số lượng ít, quy định cụ thể trường hợp Bộ trưởng Y tế ban hành danh mục mua sắm tập trung cấp quốc gia, quy định về lựa chọn nhà thầu cung cấp hóa chất, thiết bị y tế…
Một số ý kiến đề nghị không quy định về lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt, một số ý kiến khác và Chính phủ cho rằng, việc áp dụng cơ chế đặc biệt để lựa chọn nhà đầu tư là cần thiết, nhằm đáp ứng yêu cầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh chưa thể lường trước được trong tương lai.
Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Lê Quang Mạnh báo cáo một số vấn đề lớn tiếp thu, chỉnh lý và giải trình về dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi).
Cho ý kiến về nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, cần tổng rà soát lại các điều khoản, đảm bảo tính kế thừa. Đề nghị ngoài trách nhiệm của cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm tra, Uỷ ban Pháp luật thì tất cả các Ủy ban của Quốc hội, Hội đồng dân tộc, Viện Nghiên cứu lập pháp phải có trách nhiệm rà soát các điều, khoản.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, cần làm rõ hai nội dung của dự án Luật Đầu thầu là đấu thầu phải đảm bảo lợi ích tối đa của người được mời thầu và đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh, cạnh tranh bình đẳng, công khai minh bạch.
Về vấn đề quản lý nhà nước, đề nghị thiết kế theo hướng Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đầu mối, các bộ, ngành khác thực hiện theo chức năng nhiệm vụ có liên quan./.
Xem xét nhiều nội dung quan trọng
Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến kéo dài từ 12/6 đến 15/6, tức giữa 2 đợt họp của Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. 8 dự án luật và nhiều nội dung quan trọng sẽ được cho ý kiến.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề lớn giải trình, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện các dự án: Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi); Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Phòng Thủ dân sự; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).
8 dự án luật này vừa được Quốc hội khóa XV thảo luận tại Đợt 1 và dự kiến thông qua trong Đợt 2 của của Kỳ họp thứ 5.
Một số vấn đề lớn giải trình, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện các dự thảo nghị quyết dự kiến được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5 cũng sẽ được báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Cụ thể là: Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm với những người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi); Nghị quyết về quyết định chủ trương đầu tư Dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa - kết nối với Lâm Đồng và Ninh Thuận; Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh; Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021.
Tổng Thư ký Quốc hội cũng báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số vấn đề lớn giải trình, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện các dự thảo: Nghị quyết chung Kỳ họp (trong đó có nội dung về giảm thuế giá trị gia tăng; điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Hồ chứa nước Ka Pét; chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam); Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn; Nghị quyết về việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2024.
Dự thảo Nghị quyết về việc giao danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; giao, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023 của chương trình mục tiêu quốc gia cũng được cho ý kiến tại phiên họp lần này.
Ngoài ra, Đoàn giám sát của Quốc hội báo cáo xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc về dự thảo Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề "Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng"./.