(Tổ Quốc) - Các chuyên gia về y tế cho rằng, các trường hợp nếu có kết quả xét nghiệm âm tính với vi rút SARS-CoV-2 thì không nên chủ quan mà phải tiếp tục theo dõi để qua mốc 14 ngày.
Xét nghiệm trước âm tính, sau dương tính là điều bình thường
Tối 16/3, Bộ Y tế đã công bố về ca bệnh mắc Covid-19 là tiếp viên hàng không trên chuyến bay VN0054 từ London về Việt Nam ngày 2/3 (chuyến bay này đã có người mắc Covid-19 là BN17 và các bệnh nhân người nước ngoài).
Liên quan đến ca bệnh thứ 59, cũng trong tối 16/3, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch thành phố Hà Nội, Chủ tịch UBND quận Long Biên Nguyễn Mạnh Hà cho biết đây là trường hợp hơi đặc biệt.
Cụ thể, bệnh nhân này trước khi được xác định dương tính với vi rút SARS-CoV-2 đã có kết quả âm tính 3 lần trước đó. Nói về vấn đề này, bác sĩ Trương Hữu Khanh – Trưởng khoa Nhiễm, Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM cho rằng đây là điều bình thường.
Bác sĩ Khanh cho hay, về nguyên tắc thì vi rút corona khi đã vào cơ thể sẽ khu trú ở họng, có một số nhất định vào trong máu, một số sử dụng tế bào của đường hô hấp nhân lên và phát tán ra.
Vị bác sĩ này phân tích, ví dụ như một bệnh nhân ở ngày thứ 8 xét nghiệm âm tính, sau đó ngày thứ 9 lại dương tính là điều rất bình thường vì lúc đó vi rút mới phát ra. Trước ngày thứ 8, do lúc lấy mẫu xét nghiệm vi rút chưa xuất hiện ở vùng hầu họng nên chưa có kết quả xét nghiệm. Khi vi rút nhân nên, phải đủ số lượng thì khi lấy mẫu xét nghiệm mới thấy được.
cũng theo bác sĩ Khanh cho rằng, không có chuyện một bệnh nhân vừa nhiễm vi rút vào cơ thể lại có thể cho kết quả dương tính ngay khi lấy mẫu xét nghiệm. Cần phải đủ thời gian và thời gian bao lâu còn tùy thuộc vào thể trạng của từng người.
Tránh tâm lý chủ quan khi có kết quả âm tính với SARS-CoV-2
Cùng nói về vấn đề này, ông Nguyễn Nhật Cảm – Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho rằng, cần tránh tâm lý chủ quan khi có kết quả xét nghiệm âm tính vi rút SARS-CoV-2. Đặc biệt, những người được xác định là F1 thì vẫn có nguy cơ phát bệnh và lây lan ra cộng đồng.
Cũng theo ông Cảm, đối với những người tiếp xúc bệnh nhân dương tính (F1), khi có kết quả âm tính tức là đến thời điểm đó chưa phát bệnh và chưa có khả năng lây lan ra cộng đồng.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Nhật Cảm cho rằng, có thể người đó chưa phát bệnh chứ không có nghĩa là không bị bệnh. Chính vì vậy, cần phải tiếp tục giám sát, cách ly chặt chẽ trong 14 ngày để khẳng định rằng bệnh nhân không phát bệnh trong 14 ngày đó.
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của Hà Nội, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết, tại Trung Quốc đã có những trường hợp ủ bệnh từ 21 đến 27 ngày. Do vậy, những người đã tiếp xúc với các trường hợp F1 sau khi xét nghiệm âm tính vẫn phải cách ly đủ 14 ngày.
"Thậm chí, đối với những người sau 14 ngày đã xác định là âm tính với SARS-CoV-2 và được về nhà thì vẫn cần phải tự cách ly ở nhà, tránh tụ tập nơi đông người. Phải sau 20 ngày nếu cảm thấy sức khỏe mình đã ổn định thì mới tiếp xúc với những người xung quanh" – Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nhấn mạnh.