(Tổ Quốc) - Việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa “Lễ hội Cầu ngư tại thành phố Đà Nẵng” vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đã khẳng định giá trị đặc sắc của Lễ hội này.
Sáng 20/2, tại lễ hội Cầu ngư truyền thống quận Thanh Khê (TP Đà Nẵng), thay mặt Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Đà Nẵng đã trao Bằng chứng nhận "Lễ hội Cầu ngư tại thành phố Đà Nẵng" là di sản văn hóa phi vật thể nằm trong Danh mục Quốc gia.
Ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Đà Nẵng (ngoài cùng bên phải) trao Bằng chứng nhận “Lễ hội Cầu ngư tại thành phố Đà Nẵng” là di sản văn hóa phi vật thể nằm trong Danh mục Quốc gia. Ảnh: Đức Hoàng
Từ bao đời nay, Lễ hội Cầu ngư đã là một sản phẩm văn hóa đặc trưng của cư dân vùng biển miền Trung, Nam Bộ Việt Nam, gắn với tín ngưỡng thờ cúng cá Ông. Đối với ngư dân, lễ hội cầu ngư là sự kiện lớn nhất trong năm nhằm cầu mùa, tế ngư thần và cầu xin thần ban cho được một năm "trời yên biển lặng, tôm cá đầy khoang", "tấn tài, tấn lợi, tấn bình an".
Bên cạnh nghệ thuật tuồng xứ Quảng, nghề điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước, lễ hội Cầu ngư đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia bởi tính đặc trưng văn hóa vùng biển của Đà Nẵng nói riêng và là môi trường bảo tồn, làm giàu và phát huy sự đa dạng của bản sắc văn hóa Việt Nam nói chung.
Hơn nữa, lễ hội Cầu ngư còn là nguồn sử liệu, là bằng chứng xác thực về chủ quyền biển đảo và kinh nghiệm ứng xử với biển đảo của các thế hệ người Việt Nam.
Đối với đời sống cộng đồng cư dân biển, lễ hội cầu ngư là lễ trọng lớn nhất trong năm. Ảnh: Đức Hoàng
Trong những năm qua, với sự quan tâm của chính quyền thành phố Đà Nẵng và sự đồng lòng, chung sức của bà con ngư dân, Lễ hội Cầu ngư được tổ chức thường niên, quy mô, bài bản ở các địa phương thực hành nghề biển. Điều đó chứng tỏ rằng, Lễ hội Cầu ngư chứa đựng những giá trị nhân văn sâu sắc, có vai trò rất lớn trong đời sống tâm linh và tác động sâu sắc đến việc bám biển, mưu sinh của cư dân vùng biển.
"Việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa "Lễ hội Cầu ngư tại thành phố Đà Nẵng" vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đã khẳng định giá trị đặc sắc của Lễ hội này, đồng thời thể hiện sự ghi nhận công lao to lớn và tri ân sâu sắc đối với các bậc tiền bối, các thế hệ ngư dân, nhà nghiên cứu…đã cống hiến tâm sức sáng tạo, giữ gìn, trao truyền di sản văn hóa", ông Huỳnh Văn Hùng nhấn mạnh.
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Đà Nẵng đề nghị chính quyền địa phương và bà con ngư dân trên địa bàn thành phố Đà Nẵng nói chung và quận Thanh Khê nói riêng với tất cả tình cảm và trách nhiệm, tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Sở Văn hóa và Thể thao để triển khai có hiệu quả kế hoạch "Bảo tồn giá trị di sản gắn với phát triển du lịch cộng đồng", để Lễ hội Cầu ngư tiếp tục là một sản phẩm văn hóa du lịch biển độc đáo và là một sự kiện kết nối cộng đồng cao, củng cố niềm tâm linh trong cộng đồng bà con vùng biển.
Một số hình ảnh Lễ hội Cầu ngư truyền thống quận Thanh Khê - Đà Nẵng vào sáng 20/2:
Lễ hội Cầu ngư truyền thống quận Thanh Khê (Đà Nẵng) năm 2019.
Ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Đà Nẵng phát biểu tại buổi lễ.
Ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Đà Nẵng trao Bằng chứng nhận “Lễ hội Cầu ngư tại thành phố Đà Nẵng” là di sản văn hóa phi vật thể nằm trong Danh mục Quốc gia.
Việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa “Lễ hội Cầu ngư tại thành phố Đà Nẵng” vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đã khẳng định giá trị đặc sắc của Lễ hội này, đồng thời thể hiện sự ghi nhận công lao to lớn và tri ân sâu sắc đối với các bậc tiền bối, các thế hệ ngư dân, nhà nghiên cứu…đã cống hiến tâm sức sáng tạo, giữ gìn, trao truyền di sản văn hóa.
Lễ hội Cầu ngư hướng đến trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo nhằm giới thiệu, truyền bá nét văn hóa biển đặc sắc của thành phố Đà Nẵng và mang lại những lợi ích trong phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương và cộng đồng.
Lễ hội Cầu ngư chứa đựng những giá trị nhân văn sâu sắc, có vai trò rất lớn trong đời sống tâm linh và tác động sâu sắc đến việc bám biển, mưu sinh của cộng đồng vạn chài.