(Tổ Quốc) - Tối ngày 26/11, Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ V năm 2022 đã tiến hành lễ bế mạc và trao giải tại rạp Đại Nam (Hà Nội).
- 16.11.2022 Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm năm 2022: Quy tụ 20 đơn vị nghệ thuật tham dự
- 16.11.2022 Khai mạc Liên hoan Quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ V năm 2022
- 16.11.2022 Khai mạc Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm năm 2022
- 08.11.2022 7 nước tham gia Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ V, Hà Nội -2022
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy đã đến dự lễ bế mạc và trao giải.
Cùng dự buổi lễ có các đại biểu đại diện các cơ quan, ban ngành, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Cục Nghệ thuật Biểu diễn, đại diện của Đại sứ quán các nước có đoàn nghệ thuật tham gia liên hoan cùng đông đảo các nghệ sĩ, các đơn vị nghệ thuật trong nước và quốc tế
Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ V năm 2022 do Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức là sự kiện văn hóa có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh sân khấu thế giới cùng các ngành nghệ thuật khác đang trên đà phục hồi và tập trung phát triển sau 2 năm bị ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Liên hoan năm nay quy tụ sự tham gia của 16 đơn vị nghệ thuật trong nước và 4 đơn vị nghệ thuật quốc tế đến từ các nước: Hàn Quốc, Ba Lan, Singapore, Italia diễn ra từ ngày 15- 26/11, mang đến những vở diễn, chương trình sân khấu đặc sắc ở nhiều thể loại: kịch nói, cải lương, xiếc, rối…
Phát biểu tại Lễ bế mạc, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, NSND Trịnh Thúy Mùi, Trưởng Ban chỉ đạo Liên hoan khẳng định: Liên hoan quốc tế Sân khấu thử nghiệm lần thứ V, Hà Nội - 2022 đã giúp các nghệ sĩ sân khấu Việt Nam và các nghệ sỹ quốc tế có những khoảng lặng để chiêm nghiệm, tự nhìn lại mình, từ đó tìm được những điều mới mẻ trong nghệ thuật, biên kịch, đạo diễn, diễn xuất, mỹ thuật, âm nhạc… và những thành phần phụ trợ khác để sân khấu luôn được làm mới dựa trên nền tảng các giá trị truyền thống trong nghệ thuật sân khấu của mỗi quốc gia.
Theo NSND Trịnh Thúy Mùi, thử nghiệm trong nghệ thuật sân khấu chính là đi tìm cái mới, những cái mà từ xưa đến nay chúng ta chưa làm hoặc có thể đã làm nhưng chưa thành công hoặc thất bại trong quá trình sáng tạo. Dù thất bại hay thành công đều là có ích cho đội ngũ quản lý và những người trực tiếp sáng tạo nghệ thuật sân khấu, bởi đó là những bài học vô giá mở ra một con đường mới, con đường ấy có cả hoa thơm trái ngọt và những chông gai...
"Thông qua các tác phẩm tham dự liên hoan lần này, bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn về con người và đất nước Việt Nam, một đất nước có bề dày lịch sử văn hóa, thiên nhiên tươi đẹp, con người Việt Nam trung dũng, kiên cường, thân thiện và mến khách, luôn hướng tới cái đẹp và các giá trị nhân văn", NSND Trịnh Thúy Mùi chia sẻ.
Ban tổ chức mong muốn sau liên hoan, sân khấu Việt Nam sẽ xuất hiện thêm nhiều vở diễn mới với những trăn trở khám phá tìm ra những thủ pháp dàn dựng, ngôn ngữ nghệ thuật mới, cũng như xử lý một cách có hiệu quả những vấn đề đang đặt ra trong cuộc sống xã hội hiện nay.
Hội đồng giám khảo của Liên hoan gồm 3 chuyên gia trong nước và 2 chuyên gia nước ngoài thuộc Vương quốc Anh và Nhật Bản đã làm việc trách nhiệm và công tâm. PGS Tất Thắng, Chủ tịch Hội đồng giám khảo khẳng định, Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ V đã thành công tốt đẹp, hầu hết các vở diễn tham dự liên hoan đều tập trung vào yếu tố thử nghiệm, vào ý đồ sáng tạo và trình diễn nghệ thuật, nhiều vở diễn đã để lại ấn tượng sâu đậm cho khán giả trong nước và quốc tế.
Kết quả, 4 vở diễn được trao HCV gồm: "Bản tình ca trên núi" (Đạo diễn NSND Nguyễn Tiến Dũng – Nhà hát Múa rối Việt Nam); "Người trong cõi nhớ" (Đạo diễn: NSƯT Trịnh Mai Nguyên – Nhà hát Kịch Việt Nam); "Thương Thiên Thánh Mẫu" (Đạo diễn NSND Triệu Trung Kiên, NSND Tống Toàn Thắng – Nhà hát Cải lương Việt Nam và Liên đoàn Xiếc Việt Nam); "Đến bến bờ kia" (Đạo diễn: NSƯT Bùi Như Lai – Đoàn kịch nói Hải Phòng).
Bốn vở được trao HCB gồm: "Hedda Gabler" (Nhà hát Tuổi Trẻ); "Hoa khôi dạy chồng" (Nhà hát kịch Quân đội), "Antigone" (Lucteam); "Lời thề" (Đoàn Nghệ thuật Múa rối Hải Phòng); "Ê Đíp làm vua" (Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội).
Vở kịch "72 lá đơn" của Sân khấu Lệ Ngọc được trao giải Đặc biệt về hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ban tổ chức đã trao 28 HCV cho 28 cá nhân với những vai diễn xuất sắc, trong đó có nghệ sĩ Hàn Quốc Sungtae Kim (vở "Then There Were None"), NS Tom Corradini (vở "I Fratelli Lehman"). TP HCM có hai nghệ sĩ đoạt HCV cá nhân là: NS Võ Minh Lâm (vai Chàng Đào trong vở "Truyền tích Nàng Thơm" – Đoàn Nghệ thuật cải lương Long An) và NS Tú Quyên (vai Lý Chiêu Hoàng trong vở "Độc thoại đêm" của Hội Sân khấu TP HCM).
Ngoài ra, BTC còn trao 39 HCB và một số giải phụ. Trong đó có các giải cá nhân xuất sắc thuộc thành phần sáng tạo vở diễn gồm: Họa sĩ xuất sắc: Họa sĩ Doãn Bằng (thiết kế vở "Người trong cõi nhớ"); NSƯT Phùng Tiến Minh (nhạc sĩ xuất sắc, sáng tác âm nhạc vở "Trái tim Hà Nội"); NSND Nguyễn Tiến Dũng (đạo diễn xuất sắc vở rối "Bản tình ca trên núi"); Như Sơn (thiết kế ánh sáng xuất sắc vở "Bản tình ca trên núi"); NSƯT Lệ Thu (chỉ đạo nghệ thuật xuất sắc vở "Đến bến bờ kia" – Đoàn kịch nói Hải Phòng).