• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Triển khai Đề án "Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam giai đoạn 2020 – 2030"

Văn hoá 28/03/2020 13:18

(Tổ Quốc) - Triển khai Đề án "Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam giai đoạn 2020 – 2030" trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa; Đề nghị thẩm định Dự án xây dựng Khu tưởng niệm Cuộc đấu tranh Cây Cốc; Không tổ chức phần hội tại Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa năm 2020 là những điểm tin văn hóa nổi bật tại các tỉnh, thành phố: Khánh Hòa, Quảng Nam và Quảng Ngãi.

Triển khai Đề án "Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam giai đoạn 2020 – 2030" - Ảnh 1.

Trang phục dân tộc Raglai tỉnh Khánh Hòa. (Nguồn: dulichkhanhson.vn)

Khánh Hòa triển khai Đề án "Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam giai đoạn 2020 – 2030"

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành Kế hoạch số 2738/KH-UBND về triển khai khai thực hiện Đề án "Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam giai đoạn 2020 – 2030"  trên địa bàn tỉnh.

Kế hoạch được xây dựng và thực hiện với mục đích: Triển khai hiệu quả Quyết định 209/QĐ-BVHTTDL ngày 18/01/2019 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc phê duyệt Đề án "Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay" trên địa bàn tỉnh; Đồng thời xác định cụ thể các nội dung công việc, trách nhiệm và sự phối hợp của các sở, ban, ngành, địa phương trong quá trình triển khai các nội dung của Đề án.

Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2020 – 2025 sẽ triển khai các nội dung: Tổng kiểm kê, lập danh mục di sản văn hóa phi vật thể về trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh; Xây dựng mô hình bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống dân tộc Raglai tại huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh (mỗi huyện xây dựng 01 mô hình); Tổ chức triển khai mặc trang phục truyền thống tại các trường dân tộc nội trú, học sinh là người dân tộc thiểu số thuộc các cấp học; Tăng cường quảng bá và phát huy di sản văn hóa phi vật thể trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số thông qua các lễ hội văn hóa, liên hoan, hội thi, hội diễn nghệ thuật; Tổ chức tuyên truyền, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bảo tồn trang phục truyền thống dân tộc thiểu số bằng các hình thức phù hợp. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai lập hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể về nghề thủ công truyền thống, nghệ thuật thêu hoa văn, trang trí hoa văn liên quan đến trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; vinh danh nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân nhân dân về nghề thủ công có liên quan đến trang phục truyền thống; tập huấn, truyền dạy kỹ năng bảo tồn, kỹ năng nghề dệt thổ cẩm trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số…

Giai đoạn 2026 – 2030: Duy trì và phát triển mô hình bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống dân tộc Raglai các huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh; Tiếp tục tổ chức triển khai mặc trang phục truyền thống tại các trường dân tộc nội trú, học sinh là người dân tộc thiểu số thuộc các cấp học; Tiếp tục tăng cường quảng bá và phát huy di sản văn hóa phi vật thể trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số thông qua các lễ hội văn hóa, liên hoan, hội thi, hội diễn nghệ thuật; Tổ chức Liên hoan trình diễn trang phục truyền thống các dân tôc thiểu số tỉnh Khánh Hòa…

Quảng Nam đề nghị thẩm định Dự án xây dựng Khu tưởng niệm Cuộc đấu tranh Cây Cốc

UBND tỉnh Quảng Nam đã có Công văn số 1601/UBND-KGVX gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị thẩm định Dự án xây dựng Khu tưởng niệm Cuộc đấu tranh Cây Cốc (xã Tiên Thọ, huyện Tiên Phước).

Triển khai Đề án "Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam giai đoạn 2020 – 2030" - Ảnh 2.

Tượng đài tưởng niệm cuộc đấu tranh Cây Cốc, xã Tiên Thọ, Tiên Phước. (Nguồn: tienphuoc.quangnam.gov.vn)

Công văn nêu rõ, Dự án xây dựng Khu tưởng niệm Cuộc đấu tranh Cây Cốc nhằm tri ân đồng bào, đồng chí đã hy sinh; tôn vinh vai trò, ý nghĩa, giá trị lịch sử, văn hóa của di tích; góp phần giáo dục truyền thống yêu nước và lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ; đồng thời, xây dựng nơi đây thành một điểm tham quan, du lịch.

Nội dung quy hoạch đầu tư tu bổ tôn tạo di tích gồm các hạng mục: Tu bổ tượng đài (tháo dỡ nền gạch cũ quanh sân Tượng đài, lát lại bằng đá tự nhiên quanh nền sân Tượng đài và bậc cấp, bồn hoa; Tượng phù điêu và Trụ đài tưởng niệm giữ nguyên hiện trạng); Xây dựng mới nhà bia trung tâm với diện tích 102,42m2; Xây dựng mới nhà quản lý và đón tiếp với diện tích 317,63m2; Xây dựng mới hàng rào, cổng ngõ với chiều dài 627,92m2; Xây dựng hạ tầng kỹ thuật (sân nền, sân bê tông xi măng kết hợp lát gạch, lát đá tự nhiên sân nhà quản lý và đón tiếp, sân nhà bia trung tâm, sân hành lễ, bãi đỗ xe, đường giao thông nội bộ; hệ thống cấp điện, cấp, thoát nước, phòng cháy chữa cháy; sân vườn cây lưu niệm, cây xanh, thảm cỏ.

Quảng Ngãi không tổ chức phần hội tại Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa năm 2020

Thông tin trên báo Quảng Ngãi điện tử cho biết, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp, UBND huyện Lý Sơn đề nghị Ban Khánh tiết Đình làng An Vĩnh và An Hải giảm quy mô tổ chức Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa trong năm 2020.

Triển khai Đề án "Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam giai đoạn 2020 – 2030" - Ảnh 3.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp, Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa năm 2020 sẽ không tổ chức phần hội. (Nguồn: vtr.org.vn)

Cụ thể, chỉ tổ chức phần lễ chính của Lễ khao lề thế theo truyền thống, không mời khách và người dân đến dự lễ, không tổ chức đua thuyền tứ linh, tránh tụ tập đông người để phòng chống dịch Covid-19 theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và UBND tỉnh.

Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa là nghi lễ đặc biệt, đã được các tộc họ trên đảo Lý Sơn bảo tồn, duy trì suốt hàng trăm năm qua. Lễ được tổ chức vào tháng 3 âm lịch hằng năm, thu hút hàng nghìn người dân đảo Lý Sơn và du khách tham gia. 

Lễ khao lề thế không những tri ân những người lính trong đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa năm xưa đã hy sinh thân mình để bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc, mà còn là dịp để giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ, với mong muốn lớp con cháu hôm nay và mai sau tiếp tục gìn giữ chủ quyền biển đảo Việt Nam như ông cha đã từng làm từ hàng trăm năm trước./.

Anh Vũ (t/h)

NỔI BẬT TRANG CHỦ