• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Triển lãm độc “Nét khắc từ truyền thống đến hiện đại”

Giải trí 21/03/2016 11:34

(Tổ Quốc)- Triển lãm trưng bày hơn 100 tác phẩm tranh khắc gỗ và mộc bản sáng tác trong vòng 45 năm 1970-2015.

(Tổ Quốc)- Từ ngày 21 đến 27/3 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam số 66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội sẽ diễn ra triển lãm: “Nét khắc từ truyền thống đến hiện đại”, bao gồm những sưu tập tranh khắc gỗ và mộc bản của họa sĩ Trần Nguyên Đán giai đoạn 1970-2015.

Triển lãm trưng bày hơn 100 tác phẩm, chủ yếu là tranh khắc gỗ và mộc bản của họa sĩ Trần Nguyên Đán nằm trong bộ sưu tập của nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa - Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội. Đây là những bản khắc và tranh được họa sĩ Trần Nguyên Đán sáng tác từ những năm 1970 đến 2015.

Ngay từ năm 1970 bắt đầu sáng tác, Trần Nguyên Đán đã có tác phẩm nổi tiếng là "Chăm học chăm làm", "Con trâu là đầu cơ nghiệp”…

Nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa cho biết, bà cảm thấy tự hào khi đã sưu tập được hơn 100 tác phẩm của họa sĩ Trần Nguyên Đán. “Đây là họa sĩ có nhiều tác phẩm như cây cầu nối truyền thống với hiện đại”. Trần Nguyên Đán cũng là họa sĩ đầu tiên mà nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa sưu tập được tác phẩm một cách hệ thống, từ những tác phẩm đầu tay khi Trần Nguyên Đán còn ngồi trên ghế nhà trường cho tới những sáng tác gần đây.



Tác phẩm nổi tiếng “Con trâu là đầu cơ nghiệp” của họa sĩ Trần Nguyên Đán

Họa sĩ Trần Nguyên Đán sinh năm 1941, quê ở Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Ông tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật Công nghiệp (nay là Đại học Mĩ thuật Công nghiệp) từ 1966. Ông là hội viên ngành đồ hoạ Hội Mĩ thuật Việt Nam từ 1974. Sau khi ra trường ông công tác tại Vụ Bảo tồn Bảo tàng, Bộ Văn hoá (1971-1980); cán bộ Bảo tàng Mĩ thuật Việt Nam rồi làm Phó Giám đốc Bảo tàng Mĩ thuật (1981-2003); Ủy viên Hội đồng Nghệ thuật chuyên ngành đồ hoạ khoá III (1989 - 1994); Ủy viên Ban chấp hành, Ủy viên Hội đồng Nghệ thuật Hội Mĩ thuật Hà Nội (1984-1994).

Họa sĩ được tặng Giải Nhất Triển lãm 10 năm Nghệ thuật Đồ hoạ Toàn quốc năm 1985; Giải Ba Giải thưởng Hội Mĩ thuật Việt Nam năm 1994; Giải B Triển lãm Mĩ thuật Khu vực I (Hà Nội) năm 2000; Giải A Triển lãm Mĩ thuật Thủ đô năm 1985; Bằng khen danh dự Triển lãm Đồ hoạ Quốc tế tại Tiệp Khắc năm 1985.

Đặc biệt, năm 2007, hoạ sĩ Trần Nguyên Đán đã được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật đợt II cho 5 tác phẩm tranh khắc: “Nghệ nhân Hàng Trống”, “Chăm học chăm làm”, “Trở lại Tam Bạc”, “Hội đền Hùng” và “Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội”.

Gần như cả cuộc đời và sự nghiệp sáng tác nghệ thuật của ông dành trọn cho nghệ thuật đồ họa, tranh khắc gỗ Việt Nam. Hơn nửa thế kỷ, ông đã thử nghiệm đồ họa trên các chất liệu và đề tài. Đặc biệt, trong thời gian từ lúc nghỉ hưu đến nay, ông luôn dành thời gian và trí tuệ để tiếp tục cho ra đời những tác phẩm tranh khắc có giá trị.

Tranh của Trần Nguyên Đán hiện có mặt trong nhiều bảo tàng nổi tiếng của Việt Nam, như Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, Bảo tàng Đà Nẵng…

Trước khi nghỉ hưu họa sĩ Trần Nguyên Đán cũng đã tổ chức nhiều triển lãm cá nhân tại Hà Nội, Huế, TP.HCM… Kể từ khi nghỉ hưu tới nay, đây là lần đầu tiên ông xuất hiện trước công chúng và giới mỹ thuật qua triển lãm “Nét khắc từ truyền thống tới hiện đại”. Triển lãm do Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội tổ chức.



Họa sĩ Trần Nguyên Đán bên tác phẩm của ông

Hiền lành, giản dị, khiêm tốn và ẩn mình lặng lẽ sáng tác tranh từ khi nghỉ hưu, không có ý định làm triển lãm cá nhân đó là vài phác thảo về họa sĩ Trần Nguyên Đán. Phải thuyết phục mãi, nhân dịp Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội cùng với nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa tổ chức triển lãm tranh khắc gỗ Trần Nguyên Đán ông mới đồng ý trả lời phỏng vấn Báo Điện tử Tổ Quốc.

PV: Thưa họa sĩ Trần Nguyên Đán, ông được biết đến là một họa sĩ thành công với thể loại tranh khắc gỗ, vậy ông có thể chia sẻ cơ duyên nào dẫn ông đến với tranh khắc gỗ mà không phải loại tranh khác?

Họa sĩ Trần Nguyên Đán: Trong các nguyên vật liệu để tạo nên bức tranh thì tranh sơn mài là tốn kém nhất, sau đó đến tranh sơn dầu, tranh lụa rẻ hơn và tranh khắc gỗ lại rẻ hơn nữa. Nhưng đấy là một quy đổi đơn thuần. Còn trong nghệ thuật, các thứ vât liệu ngang bằng nhau và chỉ có tài năng là khác nhau. Không thể nói tranh của họa sĩ sơn mài hay sơn dầu mới là giỏi, còn người giỏi các loại tranh khác như tranh lụa, tranh khắc gỗ chỉ là đàn em, đấy là một cách hiểu phân biệt.

Với bản thân tôi, trước khi đến với tranh khắc gỗ, tôi nghĩ mình phải tìm một cái gì đó thích hợp với mình. Mặc dù tôi cũng rất thích sơn dầu, nhưng tôi tự thấy, nếu tôi có làm thì có lẽ chỉ là đầy tớ cho người đi trước.

Để gắn bó và thành danh với một loại tranh, có người do cơ duyên, do tình cờ mà thành, còn tôi là người tự định hướng cho mình đầu tiên, tôi biết mảnh đất nào có thể sinh sôi nảy nở và phát triển. Và tranh khắc gỗ là sự lựa chọn của tôi.

Tranh khắc gỗ gần như không có cạnh tranh, đội ngũ không nhiều, rẻ tiền, ít người thích, nhiều họa sĩ lại nghĩ là loại tranh bình thường, đàn em. Họ nghĩ vậy không hẳn sai nhưng cũng không hẳn đúng.

PV: Vâng, mặc dù là một người cầm cọ có ý thức, biết mình đang ở đâu, phù hợp với cái gì. Nhưng xin hỏi thật ông, liệu ông có bị lung lay trước những đánh giá có vẻ không đề cao tranh khắc gỗ để trung thành với lựa chọn của mình không?

Họa sĩ Trần Nguyên Đán: Phải nói thêm là, tôi chọn vì hợp với hoàn cảnh của tôi. Hoàn cảnh ở đây không hẳn vì tôi nghèo nên lựa chọn tranh khắc gỗ mà giả sử ngay cả tôi giàu có thì tôi cũng chọn tranh khắc gỗ. Chỉ có tranh khắc gỗ mới là mảnh đất tôi có thể tự tin thâm canh được.

Tôi có một khởi điểm đầy động lực kích thích. Ngay từ hồi sinh viên, tôi có 3 tranh triển lãm ở Câu lạc bộ Thống nhất, đó là tranh Cấy, có khổ bé hơn cuốn sách, Chăm học chăm làmCon trâu. Khi đem ra triển lãm thì được thầy cô bạn bè trong trường khen ngợi, có năng khiếu. Không những thế, còn có một tranh được đoàn Cộng sản Ý mua, dù với giá rẻ thôi nhưng rất tự hào. Một tranh nữa lại được Bảo tàng Mỹ thuật mua. Với một sinh viên, mà được nước ngoài mua tranh, lại được Bảo tàng mua thì còn gì sung sướng bằng. Tôi nghĩ đây là sự nâng đỡ, là một phần câu trả lời cho sự lựa chọn của mình, một tín hiệu mà mình phải chụp lấy ngay.



Tác phẩm Hội An 2002 của họa sĩ Trần Nguyên Đán

PV: Vậy còn động lực nào từ tranh khắc gỗ khiến ông say mê theo đuổi đến tận bây giờ? Họa sĩ có thể tiết lộ được không ạ?

Họa sĩ Trần Nguyên Đán: Khi ra trường, tôi có làm tranh khắc gỗ loại nhỏ, bán dạng lưu niệm để nuôi mình.

Rồi khi trở thành công chức, tôi cũng một vai làm chức năng cán b công chức, một vai làm kinh tế kiếm tiền tiêu vặt. Thì tranh khắc gỗ cho tôi được vào vai làm kinh tế đó và thực hiện trách nhiệm với gia đình.

Thử tượng tượng, nếu như sự lựa chọn của mình không được xã hội thừa nhận, gia đình ủng hộ thì có yên tâm sáng tác được không. Tôi phải dung hòa cả hai điều đó.

Sự dung hòa đó là mũi tên bắn hai đích, một bên tôi sáng tác tranh để bán cho khách trong nước, ngoài nước, cá nhân, bảo tàng, cơ quan. Một bên tôi cũng có tranh được duyệt, được treo trong các triển lãm. Nếu chỉ phục vụ thương mại mà không được triển lãm thì khó kết hợp yếu tố người tiêu dùng với yếu tố của các cuộc triển lãm. Vì thế chủ đề các bức tranh tôi thường chọn là phong cảnh, sinh hoạt con người... nói chung là nhẹ nhàng trữ tình.

Cho đến nay tôi vẫn đắm đuối với tranh khắc gỗ vì nó đã nuôi mình.

PV: Ông có thể giới thiệu một chút về tranh khắc gỗ cho những người trẻ biết, công đoạn làm tranh, khó khăn vất vả, sự hấp dẫn của tranh khắc gỗ...

Họa sĩ Trần Nguyên Đán: Làm tranh khắc gỗ khá cực nhọc, phải qua nhiều công đoạn; Lấy tài liệu về, phác thảo bản hoàn chỉnh trên giấy, can lên gỗ rồi khắc. Khắc xong sửa bản trên gỗ, rồi in. Muốn in 5 bản thì phải in 7 đến 10 bản để còn sửa sang. Vì làm thủ công, nên mỗi lần làm việc phải nâng tình cảm của mình lên. Ví dụ với mảng màu đen có chỗ đậm chỗ nhạt, muốn đậm thì xoa thật nhiều, muốn nhạt thì xoa ít.

Tranh khắc gỗ là tranh đồ họa, tranh nhân bản, nghĩa là một tranh vẽ ra có thể in thành nhiều bản. Nhưng cái sự in này không phải như máy móc, mà do con người điều chỉnh. Máy móc nó có sự tinh vi đáng quý nhưng có cái lại không thích hợp với nghệ thuật. Chẳng hạn như ở trên, muốn màu đậm thì máy móc sẽ cho ra một màu đen kít toàn bộ rất trơ và cứng, hỏng ngay, chả khác gì “ma nơ canh”.

Tranh khắc gỗ làm ra giá thành rẻ, nhưng lại có cái lợi là một bức tranh có nhiều bản in.

Nói chung, mỗi loại tranh đều có cái hay, vậy trong cuộc đời cứ nên vô tư, nghệ thuật như dòng sông. Hãy để tất những dòng sông đều chảy.

PV: Từ khi nghỉ hưu, họa sĩ sáng tác được bao nhiêu bức tranh rồi ạ?

Họa sĩ Trần Nguyên Đán: Vì về hưu nên tôi có nhiều thời gian dành cho sáng tác hơn, tác phẩm của tôi vì thế cũng nhiều hơn so với hồi còn công tác. Còn con số cụ thể bao nhiêu, xin cứ cho tôi bí mật, vì nó ra sợ có người không tin.

Nghỉ hưu tôi còn tham gia giảng dạy ở Huế. Một phần được tiếp cận với sinh viên, một phần lại được vẽ tranh về Huế.

PV: Thế tại sao sau khi về hưu họa sĩ sáng tác được nhiều mà lại không mở triển lãm cá nhân?

Họa sĩ Trần Nguyên Đán: Vì khi còn trẻ tôi đã có triển lãm cá nhân ở đủ 3 miền đất nước, Hà Nội, Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng... rồi. Tôi coi, triển lãm “Hội An trong mắt tôi” là triển lãm cá nhân cuối cùng. Từ đó đến nay tôi chỉ hiện diện trong các triển lãm tập thể ở cả trong và ngoài nước thôi.

Nói thật giờ tôi không còn ham hố nữa, không cần đánh bóng tên tuổi nữa. Tranh của tôi nếu ai coi là vàng, bạc hay đồng thì đã là thế rồi, cũng không cần nâng cấp đồng lên vàng nữa.

Về cuộc triển lãm này, công lớn là của nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa chứ không phải do cá nhân tôi. Phải nói là nhà sưu tập này có tầm nhìn, đã động viên khích lệ họa sĩ làm việc, mạnh dạn đầu tư để có bộ sưu tập này. Bản thân tôi không đủ sức làm bảo tàng cá nhân. Việc sưu tập này là một xu hướng thời đại- xu hướng thế giới.

PV: Họa sĩ từng được giải thưởng Nhà nước, vậy giải thưởng này có ý nghĩa gì với ông?

Họa sĩ Trần Nguyên Đán: Tôi thấy giải thưởng Nhà nước có hai ý nghĩa với mình, một là giá trị nghệ thuật được hội đồng thẩm định. Hai là niềm vinh dự tự hào.

PV: Ông từng có khoảng thời gian tham gia giảng dạy sinh viên và ông nhận thấy lớp trẻ có mặn mà với tranh khắc gỗ không?

Họa sĩ Trần Nguyên Đán: Tranh khắc gỗ là bài cơ bản mà tất cả ai vào trường cũng phải hc. Tuy nhiên, nghệ thuật có sự đào thải hình chóp rất khắc nghiệt. Một là bản thân sinh viên không có khả năng, hai là có khả năng nhưng lại không yêu thích. Hơn nữa, nghệ thuật cũng cần cái duyên nữa. Đa phần sinh viên học, hiểu và làm được nhưng theo tranh khắc gỗ thì ít lắm, người “lăn lóc như cóc bôi vôi” như tôi quả thực rất ít.

Tôi chỉ là người làm nghệ thuật đi guốc mộc.

- Xin cảm ơn những chia sẻ của ông. Chúc ông luôn di dào sức khỏe và sức sáng tác.

Hiền Nguyễn (thực hiện)

NỔI BẬT TRANG CHỦ