(Tổ Quốc) - Binh sĩ Trung Quốc và Ấn Độ đã có cuộc đối thoại cấp tướng kéo dài tới hơn 12 giờ đồng hồ ở khu biên giới tranh chấp.
Trung Quốc đã rút quân cách xa khu thung lũng Galwan ít nhất 2 km, nơi 20 lính Ấn Độ thiệt mạng trong cuộc xô xát với binh sĩ Trung Quốc vào ngày 15/6. Trong khi đó, binh sĩ Ấn Độ cũng rút quân và tạo nên vùng đệm giữa hai bên.
"Chúng tôi sẽ chờ xem liệu đây có phải là cuộc rút lui cuối cùng hay không," các nguồn tin cho hay.
Các công trình tạm thời và lều được xây dựng bởi các binh sĩ Trung Quốc tại vùng bờ sông đã được gỡ bỏ. Động thái này được phía Trung Quốc thực hiện tầm 3 ngày sau khi Thủ tướng Narendra Modi có chuyến thăm bất ngờ tới Ladakh và tuyên bố rằng "thời kì bành trướng đã kết thúc và những lực lượng xâm lược đều thua cuộc hoặc bị buộc phải lui bước".
Hình ảnh bờ sông Galwan ngày 22/6. Ảnh: NDTV
Tuần trước, chỉ huy của quân đội Ấn Độ và Trung Quốc đã có vòng đàm phán lần 3 sau vụ đụng độ ở Thung lũng Galwan. Cuộc đàm phán này kéo dài tới hơn 12 tiếng đồng hồ.
Cuộc đối thoại cấp tướng này tập trung vào những căng thẳng tại Đường Kiểm soát Thực tế (LAC) - biên giới về lý thuyết giữa Ấn Độ và Trung Quốc - vài tuần sau hàng loạt cuộc đụng độ, bao gồm vụ xô xát hồi đầu tháng 5.
Theo NDTV (Ấn Độ), các hình ảnh vệ tinh gần đây đã cho thấy Trung Quốc đã xâm phạm 423 mét trong vùng lãnh thổ của Ấn Độ ở thung lũng Galwan, triển khai vũ khí hạng nặng và xây các công trình phi pháp.
Reuters dẫn các nguồn tin gia đình nạn nhân và chính phủ Ấn Độ cho biết, các binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng trong cuộc đụng độ với lính Trung Quốc hồi tháng trước đều không có vũ khí trong tay và bị vây chặt trên một sườn núi dốc.
Cha của một người lính thiệt mạng cho biết con ông đã bị cứa cổ bằng đinh kim loại ngay trong đêm tối. Theo Reuters, người cha này đã được một nhân chứng sống khác kể lại vụ việc.
Một số lính Ấn Độ khác đã tử vong trong dòng nước lạnh giá ở sông Galwan tại miền tây Himalaya. Các nguồn tin cho biết, tổng cộng 20 lính Ấn Độ thuộc Trung đoàn 16 Bihar thiệt mạng trong cuộc đụng độ ở khu biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ.
Dù không có bên nào nổ súng, nhưng đây là thiệt mạng lớn nhất về người từng xảy ra giữa 2 nước láng giềng - đều sở hữu vũ khí hạt nhân - từ năm 1967 tới nay.