(Tổ Quốc) - Xây dựng tour tham quan ảo 360 độ; Làng nghề truyền thống là một trong những thế mạnh phát triển kinh tế, du lịch; Đẩy mạnh tham gia Cuộc thi trắc nghiệm "Tìm hiểu 90 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng"… là những thông tin văn hóa và du lịch nổi bật tại các tỉnh Hà Nội, Hưng Yên, Hải Phòng.
Hà Nội: Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội xây dựng tour tham quan ảo 360 độ tại di tích cách mạng Nhà và hầm D67; Triển lãm online với chủ đề "Thần tốc - Táo bạo - Bất ngờ - Chắc thắng" sẽ ra mắt công chúng vào ngày 29/4 tới.
Theo đó, tour tham quan ảo tại khu di sản Hoàng thành Thăng Long được ứng dụng phần mềm QR Code, cho phép người xem tìm hiểu không gian kiến trúc cùng các giá trị tiêu biểu của di tích Nhà và hầm D67 - Tổng hành dinh của Quân đội nhân dân Việt Nam những năm 1968-1975, nơi chứng kiến sự ra đời của những quyết sách, chỉ thị, chiến lược quan trọng, làm nên chiến thắng của chiến dịch Hồ Chí Minh (30-4-1975), giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Tương tự, với phần mềm QR Code, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội giới thiệu tới công chúng 120 hình ảnh, tài liệu, hiện vật..., được tổ chức thành 3 chủ đề chính, gồm: Quá trình chỉ đạo chuẩn bị mọi mặt cho cuộc Tổng tiến công; Nét đặc sắc trong chỉ đạo cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 "Thần tốc - Táo bạo - Bất ngờ - Chắc thắng"; Niềm vui chiến thắng, giúp người xem hình dung một cách rõ ràng, có hệ thống về một trong những giai đoạn lịch sử của cách mạng Việt Nam.
Cũng trong dịp này, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp với Công ty cổ phần Sách Omega Việt Nam và Nhà xuất bản Dân trí ra mắt cuốn sách: "Cơ quan Tổng hành dinh (D67): Chứng tích thời đại Hồ Chí Minh". Cuốn sách cung cấp cho bạn đọc những thông tin có giá trị lịch sử về vai trò, vị trí của Nhà và hầm D67.
Hưng Yên: Từ năm 2019 đến nay, tỉnh Hưng Yên đã thẩm định và công nhận thêm 2 làng nghề, gồm: Làng nghề quất cảnh Thắng Lợi, xã Thắng Lợi (Văn Giang) và làng nghề sản xuất và chế biến nghệ Chí Tân, xã Chí Tân (Khoái Châu).
Hai làng nghề này đã đạt tiêu chí công nhận làng nghề năm 2019. Trong đó, xã Thắng Lợi có 9 thôn với trên 1.885 hộ trồng quất cảnh đạt tỷ lệ 86 % số hộ trong xã. Xã Chí Tân có 3 thôn với 1.490 hộ sản xuất và chế biến nghệ đạt tỷ lệ 80 % số hộ trong xã. Các làng nghề này đã đáp ứng các tiêu chí về hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh và đáp ứng các điều kiện môi trường.
Trước đó, UBND tỉnh đã có quyết định thu hồi bằng công nhận Làng nghề tái chế nhựa Phan Bôi, phường Dị Sử, thị xã Mỹ Hào do không đáp ứng được các điều kiện về môi trường.
Như vậy, đến nay, toàn tỉnh có 37 làng nghề được UBND tỉnh công nhận đạt tiêu chí công nhận làng nghề. Việc công nhận các làng nghề góp phần tôn vinh giá trị của sản phẩm làng nghề, từ đó tạo tiền đề để xây dựng thương hiệu sản phẩm làng nghề.
Làng nghề truyền thống là một trong những thế mạnh phát triển kinh tế, du lịch của tỉnh Hưng Yên. Trong bối cảnh mới, tỉnh tiếp tục phát huy tiềm năng và lợi thế của địa phương; quan tâm đầu tư phát triển sản phẩm du lịch nói chung, trong đó có sản phẩm du lịch nông nghiệp nông thôn, làng nghề ngày càng đa dạng và từng bước cải thiện chất lượng.
Nhận định tiềm năng về du lịch làng nghề của Hưng Yên rất lớn nhưng không khai thác hợp lý nên chưa hấp dẫn du khách đến thăm quan, trải nghiệm, vừa qua, tỉnh đã ra Quyết định phê duyệt 8 dự án phát triển theo mô hình du lịch cộng đồng, nông nghiệp nông thôn, làng nghề. Thời gian tới, tỉnh sẽ đẩy mạnh nghiên cứu, xây dựng nền nông nghiệp sạch ứng dụng công nghệ cao, gắn với du lịch, dịch vụ. Đồng thời, phát triển các sản phẩm du lịch làng nghề đặc trưng gắn với mô hình "mỗi làng một sản phẩm", chú trọng bảo vệ môi trường; khai thác các giá trị văn hóa truyền thống, tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến, kết nối để phát huy lợi thế của làng nghề truyền thống.
Hải Phòng: Thực hiện Công văn số 8239-CV/BTGTW của Ban Tuyên giáo Trung ương về tổ chức cuộc thi trắc nghiệm "Tìm hiểu 90 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng", mới đây, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hải Phòng đã có Công văn triển khai Cuộc thi.
Theo đó, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hải Phòng đề nghị các địa phương, đơn vị tiếp tục quan tâm, chỉ đạo và tổ chức thực hiện một số nội dung: Đẩy mạnh tuyên truyền, cổ vũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và Nhân dân tích cực tham gia Cuộc thi theo Công văn số 1775-CV/BTGTU, ngày 25/3/2020 của Ban Tuyên giáo Thành ủy về việc triển khai Cuộc thi trắc nghiệm "Tìm hiểu 90 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng". Phấn đấu vận động 100% cán bộ, đảng viên đương chức, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, đoàn viên, hội viên tham gia Cuộc thi hằng tuần, từ nay đến 9h, ngày 13/7/2020.
Các cơ quan báo chí, Cổng Thông tin điện tử thành phố thường xuyên mở các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền lịch sử 90 năm vẻ vang của Đảng, thành tựu của công cuộc đổi mới của Đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng và Cuộc thi "Tìm hiếu 90 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng" trên mạng VCNET.
Ngoài các giải do Ban Tuyên giáo Trung ương trao (theo Quyết định số 2718-QĐ/BTGTW, ngày 17/3/2020 của Ban Tuyên giáo Trung ương về ban hành Thể lệ Cuộc thi); để động viên, khuyến khích các tập thể, cá nhân tham gia cuộc thi, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, đoàn viên, hội viên và Nhân dân thành phố, Ban Tuyên giáo Thành ủy sẽ có hình thức khen thưởng các cá nhân đạt giải và tập thể có thành tích xuất sắc trong tổ chức thực hiện và tham gia Cuộc thi.
Cuộc thi là một hoạt động quan trọng, thiết thực kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng. Ban Tuyên giáo Thành ủy đề nghị các địa phương, đơn vị tiếp tục quan tâm triển khai kịp thời, hiệu quả, tạo sức lan tỏa rộng lớn trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân thành phố.