• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Trùng tu di tích: không chỉ là bức tranh màu xám

Giải trí 01/04/2013 07:39

(Toquoc)- Trong khi nhiều di tích đang bị xâm hại vì sự thiếu đồng bộ trong quản lý của địa phương thì chùa Keo- ngôi cổ tự nằm giữa vùng đồng bằng sông Hồng như một viên ngọc quý với những kiến trúc hầu như còn nguyên vẹn của 400 năm về trước.

(Toquoc)- Trong khi nhiều di tích đang bị xâm hại vì sự thiếu đồng bộ trong quản lý của địa phương thì chùa Keo- ngôi cổ tự nằm giữa vùng đồng bằng sông Hồng như một viên ngọc quý với những kiến trúc hầu như còn nguyên vẹn của 400 năm về trước.

Viên ngọc giữa miền quê

Chùa Keo thuộc xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Chùa có nguồn gốc từ một ngôi chùa có tên là Nghiêm Quang tự, do Thiền sư Dương Không Lộ (1016-1094) xây dựng ở ven sông Hồng năm 1061 dưới thời vua Lý Thánh Tông, tại hương Giao Thủy, phủ Hà Thanh (nay là huyện Giao Thủy, Nam Định). Đến năm 1167, đời vua Lý Anh Tông mới đổi thành Thần Quang tự. Vì Giao Thủy có tên Nôm là Keo, nên ngôi chùa được gọi là chùa Keo.  

Năm 1611, một trận lũ lớn đã cuốn trôi cả làng mạc lẫn ngôi chùa. Dân làng một nửa dời về tả ngạn sông Hồng. Thời đó có quan Tuấn Thọ Hầu Hoàng Nhân Dũng cùng vợ xin chúa Trịnh Giang cho mời Cường Dũng Hầu Nguyễn Văn Trụ vẽ kiểu, vận động cả nước góp công, góp của dựng lại chùa. Qua 19 năm chuẩn bị, 28 tháng thi công, đến tháng 11 năm 1632, Chùa Keo được hoàn thiện. Chùa ngoài thờ Phật, còn thờ Không Lộ - Lý Quốc Sư. Chùa Keo nổi tiếng là ngôi chùa cổ có kiến trúc đẹp, độc đáo bậc nhất cả nước. Toàn bộ công trình đều làm bằng gỗ lim và được các nghệ nhân điêu khắc thời nhà Hậu Lê chạm khắc rất tinh xảo. Sự độc đáo không chỉ bởi ngôi chùa được kiến tạo bởi hàng trăm gian nhà với kích thước hoàn toàn khác nhau, nhìn từ trên xuống, mái của các tòa nhà có độ xòe rộng khác nhau, cao thấp chồng lên nhau như một lớp sóng cồn.





Gác chuông- công trình nổi tiếng bậc nhất của chùa Keo



Toàn cảnh chùa Keo xây dựng thời đó gồm 21 công trình với 157 gian trên khu đất rộng 5,8 ha. Hiện nay, toàn bộ kiến trúc chùa Keo còn 17 công trình với 128 gian phân bố trên hơn 2 ha gồm các công trình kiến trúc chính như: tam quan, chùa phật, điện thánh, gác chuông, hành lang, vườn tháp…

Từ đường lớn vào khuôn viên chùa, qua bậc tam cấp, gặp một sân nhỏ lát đá tảng, công trình đầu tiên là tam quan ngoại, rẽ phải hoặc trái theo con đường men hồ nước hai bên gặp hai cổng tò vò, giữa là tam quan nội. Điều đặc biệt nhất ở tam quan nội là bộ cánh cửa gian trung quan- một kiệt tác chạm khắc gỗ của thế kỷ 17. Từ tam quan nội, qua một sân nhỏ rộng là đến khu chùa Phật- nơi còn lưu giữ nhiều pho tượng Phật có giá trị nghệ thuật cao vào thế kỷ 17, 18 như tượng Tuyết Sơn, La Hán, Quan thế âm Bồ Tát…Khu đền Thánh được nối tiếp với khu thờ Phật gồm tòa Giá roi, tòa Thiêu hương, toàn Phục quốc và thượng điện. Những công trình này nối tiếp với nhau tạo thành một kết cẩu kiểu chữ công- một kiến trúc tiêu biểu của thời Lê.





Nhìn từ trên xuống, mái của các tòa nhà có độ xòe rộng khác nhau, cao thấp chồng lên nhau như một lớp sóng cồn



Trong quần thể công trình kiến trúc ở Chùa Keo, Gác chuông là công trình nổi bật bậc nhất với độ cao và kiến trúc độc đáo theo kiểu “chồng diêm cổ các” với ba tầng 12 mái (một số Gác chuông của các chùa cổ khác ở Đồng bằng Bắc Bộ chỉ 2 tầng 8 mái), bộ mái kết cấu gần 100 đàn đầu voi là viên ngọc quý trong gia tài kiến trúc Việt Nam và bộ cánh cửa chạm rồng độc đáo cả nước.  Bộ khung gác chuông làm bằng gỗ liên kết với nhau bằng mộng, nâng bổng 12 mái ngói với 12 đao loan uốn cong dáng vẻ thanh thoát, nhẹ nhàng. Gác chuông được dựng trên một nền gạch xây vuông vắn. Ở tầng một có treo một khánh đá cao 1,20 m. Tầng hai có quả chuông đồng lớn đúc năm 1686 cao 1,30 m, đường kính 1 m. Hai quả chuông nhỏ treo ở tầng ba và tầng thượng cao 0,62 m, đường kính 0,69 m đều được đúc năm 1796.

Quần thể di tích có kiến trúc đặc biệt này còn được tôn thêm bởi hai dãy hành lang Đông, Tây nối từ chùa ông Hộ đến Gác chuông thẳng tắp, dài hun hút hàng chục gian bao bọc cả khu chùa làm thành “bốn mặt tường vây kín đáo” cho một kiến trúc “tiền Phật, hậu Thần”.

Và những bài học trong bảo tồn

Trải qua 400 trăm năm, quần thể kiến trúc chùa Keo bị mất hơn 1,4 ha so với ban đầu. Thời tiết nắng nóng, mưa bão, lụt lội của vùng đồng bằng Bắc bộ cũng ảnh hưởng không nhỏ đến di tích. Việc gìn giữ, bảo tồn di sản đặc biệt này luôn là mối quan tâm hàng đầu của Ban quản lý di tích chùa Keo.

Ông Bùi Văn Thương, Trưởng BQL di tích chùa Keo cho biết, sau khi miền Bắc thoát khỏi đô hộ của thực dân Pháp, năm 1957, chùa Keo cũng được trùng tu lại nhưng với quy mô nhỏ, chỉ là sửa những nơi dột nát, mối mục. Năm 1999- 2004, Trung tâm thiết kế và tu bổ di tích trung ương (nay là Viện Bảo tồn di tích- Bộ VHTTDL) và KTS Hoàng Đạo Kính trực tiếp nghiên cứu, trùng tu. KTS Hoàng Đạo Kính cho biết, quy trình trùng tu di tích chùa Keo được thực hiện nghiêm tức từ khâu lập đề án, lấy ý kiến các nhà khoa học đến giám sát thi công, nghiệm thu kết quả. Tuân thủ nguyên tắc “giữ nguyên yếu tố gốc”, sử dụng triệt để các vật liệu tương đồng. Chính nhờ nguyên tắc này mà các công trình kiến trúc cổ được gìn giữ gần như nguyên vẹn.






Chùa được trùng tu tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc “giữ nguyên yếu tố gốc”



Đặc biệt, 42 con sơn ở chùa Keo- mỗi con sơn do một hiệp thợ dựng chùa làm, tùy theo ý tưởng của hiệp thợ nên không con sơn nào giống con nào. Không chỉ có tác dụng đỡ đòn bẩy mà mỗi con sơn là một tác phẩm mỹ nghệ tinh xảo, thể hiện sự lành nghề của đội ngũ thợ thủ công lành nghề thời ấy. Trong lần trùng tu năm 1999, một số con sơn được tu sửa nhưng hầu như không thay đổi về màu gỗ so với các con sơn cách đây 400 năm.

Nói về nguyên tắc trùng tu di tích sao cho không bị đánh giá là “làm mới”, KTS Hoàng Đạo Kính chia sẻ: “Trùng tu sinh ra để giữ nguyên hiện trạng, giữ cho di tích gốc không bị biến đổi. Còn tôn tạo là những việc cần thiết để tạo điều kiện cho di tích tồn tại tốt hơn, điều kiện để người ta tiếp cận di tích tốt hơn. Trùng tu phải là việc chính, nó có bổn phận lớn lao là duy trì hiện trạng của di tích. Nhưng hiện nay chúng ta đã biến trùng tu, bảo tồn thành tôn tạo. Cho nên các di tích sau trùng tu trở thành hết sức mới mẻ, cải lão hoàn đồng. Trí tuệ, kinh phí của chúng ta bỏ ra cốt là để giữ lấy cái lịch sử để lại, chứ không phải giữ quan điểm thẩm mỹ của chúng ta”.

Tu bổ, gìn giữ các di tích có giá trị đặc biệt về kiến trúc không phải là bắt chước theo kiến trúc đó trên những vật liệu mới. Sau sự việc đình Ngu Nhuế - Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia bị dỡ đi nơi khác làm lại hoàn toàn bằng gỗ mới, sau chùa Trăm Gian bị dỡ ra làm lại… thì câu chuyện ở chùa Keo, hay đình Chu Quyến (từng được giải thưởng lớn quốc tế về trùng tu di tích) vẫn là bức tranh tươi sắc về câu chuyện trùng tu di tích ở nước ta./.

Bài&ảnh: Hồng Hà

NỔI BẬT TRANG CHỦ