(Tổ Quốc) -Tuần này, kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa 14 sẽ bước vào tuần làm việc thứ 3 với hoạt động nổi bật là thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn. Trong đó, có ba Bộ trưởng lần đầu tiên tham gia trả lời gồm: Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện và Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng.
- 01.06.2017 Nhạc sĩ Phú Quang: Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện có tầm và có trách nhiệm
- 01.06.2017 Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã phản ứng tích cực, nghiêm khắc
- 03.06.2017 Thủ tướng hoan nghênh Bộ trưởng Bộ VHTTDL đã xử lý nghiêm
- 04.06.2017 Bộ trưởng VHTTDL sẽ trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3
- 09.06.2017 Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội Phan Thanh Bình: Bộ VHTTDL đã có nhiều cố gắng ở cả 3 lĩnh vực
Trước thềm hoạt động chất vấn, đại biểu Quốc hội đã đặt những kỳ vọng với ngành VHTTDL.
Dự kiến Thủ tướng sẽ tham gia trả lời chất vấn
Theo chương trình dự kiến, ba tân Bộ trưởng trả lời chất vấn bắt đầu từ ngày 13/6: Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường sẽ là Bộ trưởng đầu tiên đăng đàn với nhóm nội dung về giải pháp đột phá và lộ trình thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp trong thời gian tới; Biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, hướng đến xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa, phát triển nông nghiệp bền vững; Công tác bảo tồn, bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản, quản lý các hoạt động khai thác thủy sản.
Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện - một trong ba vị tân Bộ trưởng lần đầu tiên trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3. Ảnh minh họa: Nam Nguyễn |
Tiếp đó, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện sẽ trả lời về các vấn đề quản lý, cấp phép các hoạt động văn hóa, nghệ thuật; khai thác, sử dụng các công trình văn hóa, thể thao; tổ chức lễ hội; Giải pháp ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức xã hội và văn hóa ứng xử; xây dựng nếp sống văn hóa và bảo tồn, phát triển văn hóa xã hội; Công tác quản lý và các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng quy hoạch ngành du lịch.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng sẽ trả lời về các giải pháp cụ thể để huy động các nguồn lực trong xã hội cho đầu tư phát triển; Việc phân bổ, thông báo kế hoạch vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước; tăng cường quản lý, kiểm soát, tránh lãng phí trong đầu tư công; Trách nhiệm của bộ, ngành trong việc thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia.
Và Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến sẽ trả lời chất vấn về các nội dung: Thực trạng, giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả khám bệnh, chữa bệnh; Vấn đề giá thuốc và quản lý nhà nước về giá thuốc, cung ứng thuốc tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Việc đầu tư cho y tế cơ sở để giảm tải cho bệnh viện tuyến trên; Thực trạng đội ngũ cán bộ y tế cơ sở, đặc biệt tại các địa bàn miền núi, các vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn.
Mỗi nhóm vấn đề, các thành viên Chính phủ khác như các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng có liên quan sẽ cùng tham gia trả lời chất vấn thuộc trách nhiệm chung.
Cuối phiên chất vấn vào ngày 15/6, dự kiến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ phát biểu ý kiến và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội nếu có.
“Ấn tượng với chủ trương “mở cửa” Nhà hát Lớn Hà Nội”
Trước phiên chất vấn, trao đổi với phóng viên báo Điện tử Tổ quốc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Phạm Tất Thắng đã chia sẻ, “có thể nói trong năm 2016 và những tháng đầu năm 2017 vừa qua tôi ghi nhận nhiều cố gắng, những kết quan trọng của ngành VHTTDL trong tất cả các lĩnh vực mà ngành quản lý”.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Phạm Tất Thắng. Ảnh: Nam Nguyễn |
Điểm lại, về lĩnh vực quản lý văn hóa, vào khoảng thời gian cao điểm diễn ra các lễ hội thời gian qua, ông Phạm Tất Thắng nhận xét, việc quản lý các lễ hội, sự kiện văn hóa đã bài bản hơn, nề nếp hơn. Những hiện tượng chen lấn, lộn xộn, biến tướng ở các lễ hội đã được giảm nhiều. Đặc biệt, tại các lễ hội truyền thống, những yếu tố phản cảm gây phản ứng trong dư luận như treo trâu, chém lợn…cũng đã có những hình thức tổ chức phù hợp hơn để thay thế, mang tính văn hóa truyền thống của địa phương hơn.
Ngoài ra, theo vị Phó Chủ nhiệm Ủy ban này cho hay, việc quản lý các di tích cũng đi vào nề nếp; việc công nhận, tôn tạo, bảo tồn, trùng tu các di tích, di sản cũng được tiến hành bài bản, hiệu quả, được chú trọng hơn. Các chương trình biểu diễn nghệ thuật chính thống được chú trọng tổ chức chất lượng và hấp dẫn hơn. Những hành vi phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục trong biểu diễn đã được xử lý nghiêm túc nên đã bớt rất nhiều.
“Là một trong những khán giả đầu tiên, tôi cũng rất ấn tượng với chủ trương của Bộ VHTTDL là “mở cửa” Nhà hát Lớn Hà Nội để đông đảo người dân Thủ đô có thể thường xuyên được thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật, sân khấu chất lượng cao…”- ông Phạm Tất Thắng chia sẻ.
Về lĩnh vực du lịch, Phó Chủ nhiệm Phạm Tất Thắng cho hay, năm vừa qua ngành du lịch tăng trưởng khá tốt về lượng khách du lịch và cả doanh thu, trong đó lượng khách nước ngoài vào Việt Nam tăng đáng kể, đạt kỷ lục cao nhất từ trước tới nay. Cùng với đó, công tác quản lý du lịch làm khá tốt, về cơ bản đạt được yêu cầu về an toàn, an ninh trật tự tại các trọng điểm du lịch.
“Đáng lưu ý, một công việc đáng được ghi nhận là vừa qua Bộ VHTTDL được giao chủ trì, cùng các đơn vị liên quan khác soạn thảo Luật Du lịch (sửa đổi), để cụ thể hóa Nghị quyết của Đảng, đưa ngành du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Luật Du lịch (sửa đổi) có nhiều điểm mới so với Luật du lịch hiện hành, hy vọng sẽ tạo thành tiền đề để ngành du lịch của chúng ta phát triển”- ông Phạm Tất Thắng cho biết.
Ngoài ra, năm qua cũng là một năm mang nhiều dấu ấn của thể thao Việt Nam trên đấu trường thế giới qua những tấm huân chương vàng, bạc và một số huy chương khác…
Về những kỳ vọng vào ngành, Phó Chủ nhiệm Phạm Tất Thắng cho hay, “thời gian qua, trước những vụ việc nóng, tôi cũng ghi nhận lãnh đạo ngành đã có những động thái xử lý quyết liệt và kịp thời. Qua vụ việc cụ thể đó, tôi nghĩ Bộ VHTTDL cũng nên xem lại phương pháp, quy trình quản lý một số lĩnh vực của ngành, làm thế nào đúng luật nhưng đơn giản, thông thoáng và hiệu quả”.
Về thể thao, đại biểu kỳ vọng ngoài đầu tư phát triển thể thao đỉnh cao, Bộ cần đầu tư, quan tâm một cách thích đáng tới thể dục, thể thao quần chúng. Công tác tổ chức các giải đấu thể thao thành tích cao, trong đó có bóng đá đã có chuyển biến những vẫn còn nhiều tồn tại như vấn đề trọng tài, vấn đề nghi vấn móc ngoặc trong các trận đấu…
Riêng về lĩnh vực du lịch, Phó Chủ nhiệm Phạm Tất Thắng nêu quan điểm: vừa qua, Bộ VHTTDL cũng còn lúng túng, bị động trong việc xử lý các vấn đề liên quan tới quy hoạch du lịch bán đảo Sơn Trà… “Tôi hy vọng thời gian tới, Bộ VHTTDL sẽ có những bước chuyển biến đột phá trong quản lý, đầu tư đúng, khắc phục những tồn tại trên mọi phương diện để ngành đạt được những mốc mới đáng được ghi nhận trên con đường phát triển”- ông Phạm Tất Thắng kỳ vọng./.
Thái Linh