(Tổ Quốc) - Trước thông tin 45 trường đại học, học viện trên cả nước dừng đào tạo hệ cao đẳng từ năm 2020, đại diện trường ĐH Sân khấu Điện ảnh TP. Hồ Chí Minh cho biết trường sẽ có ý kiến về việc này.
- 14.10.2019 Trường cao đẳng chất lượng cao được Nhà nước ưu tiên đặt hàng các dịch vụ đào tạo giáo dục nghề nghiệp từ ngân sách
- 22.08.2019 Từng bước chuyển trường cao đẳng, trung cấp công lập thuộc các bộ, ngành về chính quyền địa phương quản lý
- 29.07.2019 Trường Đại học Thủ đô Hà Nội vẫn được đào tạo trình độ cao đẳng
- 28.07.2019 Đề nghị trường đại học dừng tuyển sinh trình độ cao đẳng, trung cấp trừ một số ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù
- 22.05.2019 Ghép trường Văn hóa nghệ thuật với Cao đẳng Y, Kinh tế, kỹ thuật thì sinh viên ra trường có bằng gì?
Một số trường đại học vừa có thông báo sẽ dừng tuyển sinh hệ cao đẳng từ năm 2020 để tập trung đào tạo hệ đại học theo đúng tinh thần và quy định trong Luật Giáo dục Đại học (mới) như: trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, trường ĐH Tôn Đức Thắng, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm… Trước đó, một số trường ĐH đã chủ động dừng tuyển sinh hệ cao đẳng trong năm 2019 như: trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long, trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Nam Định, trường ĐH Lao động xã hội.
Trước đó, ngay sau khi Luật Giáo dục Đại học mới có hiệu lực, trong tháng 7/2019, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TBXH) đã có văn bản đề nghị 45 trường ĐH, học viện dừng tuyển sinh mới trình độ cao đẳng, trung cấp đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp kể từ ngày 01/7/2019. Sau đó, cơ quan này đã rút lại văn bản và cho phép các trường tiếp tục tuyển sinh năm 2019, việc dừng tuyển sinh hệ cao đẳng sẽ thực hiện từ năm 2020.
Ngay sau khi có thông tin này, các trường ĐH thuộc khối văn hóa nghệ thuật cũng đã có ý kiến. Đối với các lĩnh vực đào tạo khác thì việc dừng tuyển sinh hệ cao đẳng vào thời điểm này là phù hợp, tuy nhiên, đào tạo trong lĩnh vực VHNT là lĩnh vực đào tạo đặc thù, nên cần phải có cơ chế riêng.
Ông Vũ Ngọc Thanh, Hiệu trưởng trường ĐH Sân khấu Điện ảnh TP.HCM cho biết, Trường đã nắm được thông tin và cũng mong muốn Bộ VHTTDL có ý kiến để các trường thuộc Bộ được tiếp tục tuyển sinh hệ cao đẳng, bởi hiện nay rất khó để tuyển sinh ngay được vào hệ đại học.
Thêm vào đó, đây là các ngành đặc thù nghệ thuật, từ trước tới nay cũng đang đào tạo hệ cao đẳng như nhiếp ảnh, thiết kế mỹ thuật… nên trường tha thiết, mong Bộ có ý kiến đối với các cơ quan chức năng, Bộ GDĐT, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội để tiếp tục cho các trường khối văn hóa nghệ thuật được đào tạo hệ cao đẳng như trường đang được đào tạo.
Ý kiến này cũng là ý kiến của nhiều trường đào tạo trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật bởi đặc thù của quá trình đào tạo bắt đầu từ trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng và đại học.
Nếu giờ yêu cầu dừng tuyển sinh từ hệ cao đẳng lên thì các trường sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong công tác đào tạo.
Chưa kể, hiện tại nguồn tuyển trong các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật cũng gặp nhiều khó khăn, do nhu cầu xã hội, đặc thù nghề nghiệp… nên không nhiều người lựa chọn theo học.
Nhiều bộ môn nghệ thuật truyền thống đang bị mai một, "nguy cơ" biến mất khỏi đời sống văn hóa nghệ thuật nước nhà bởi không còn người kế truyền.
Được biết, mặc dù thời gian qua Chính phủ cũng đã dành sự quan tâm đối với việc đào tạo, tuyển sinh trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, thông qua các đề án tuyển sinh, đào tạo theo cơ chế đặt hàng của Nhà nước…
Tuy nhiên, bên cạnh số lượng học sinh, sinh viên được đào tạo theo các chương trình, đề án này thì đối với hệ thống các trường đào tạo liên cấp, liên trình độ trong lĩnh vực VHNT hiện nay, cũng cần phải có một cơ chế riêng để các trường có thể chủ động trong công tác tuyển sinh, đào tạo.
Thực tế cũng cho thấy, sau 4 năm triển khai Luật Giáo dục nghề nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành, một số khía cạnh đã và đang trở thành những khó khăn vướng mắc có ảnh hưởng đến hoạt động giáo dục nghề nghiệp trong đó có đào tạo nhân lực lĩnh vực năng khiếu nghệ thuật.
Chẳng hạn, quy định về thời gian tổ chức đào tạo đối với các lĩnh vực đào tạo năng khiếu; Vấn đề đồng thời tổ chức đào tạo bậc đại học và các bậc thấp hơn trong lĩnh vực nghệ thuật, triển khai cấp giấy phép hoạt động giáo dục nghề nghiệp đối với cơ sở giáo dục đại học có tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp; Quy định về giảng dạy và chế độ đối với giáo viên, giảng viên tham gia giảng dạy cả hai cấp học…
Những vấn đề về chính sách đào tạo, đào tạo chuyên sâu đối với các ngành VHNT; đầu tư có trọng điểm đối với ngành VHNT, thể thao; đối tượng đào tạo dân tộc thiểu số; quy định bằng cấp đối với cán bộ giáo viên trong đào tạo VHNT cũng bộc lộ những điểm chưa hợp lý…