• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam: Biến khó khăn, thách thức thời dịch Covid-19 thành cơ hội đổi mới trong giảng dạy

Giáo dục 02/04/2020 09:57

(Tổ Quốc) - TS.NGƯT Lê Văn Sửu, Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam: "Gặp nhiều khó khăn nhưng toàn thể cán bộ, giảng viên, nhân viên và sinh viên Nhà trường sẽ cùng nhau vượt qua đại dịch Covid-19 hoàn thành chương trình học".

Trong hơn 2 tháng sinh viên phải nghỉ học để phòng chống dịch bệnh Covid-19, cùng với việc thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch bệnh, trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam cũng đã nghiên cứu và chuyển sang hình thức dạy học trực tuyến để kịp hoàn thành chương trình học trong năm học đầy khó khăn này.

Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam: Biến khó khăn, thách thức thời dịch Covid-19 thành cơ hội đổi mới trong giảng dạy  - Ảnh 1.

Việc giảng dạy gặp nhiều khó khăn trong thời dịch Covid-19 (ảnh: Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam)

Những ngày đầu khi mới biết thông tin về dịch bệnh Covid-19

Tại trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam, ngay khi biết được thông tin về tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát ở Vũ Hán (Trung Quốc), nhất là sau khi Việt Nam có ca nhiễm đầu tiên, Nhà trường đã thực hiện các biện pháp khử trùng trường lớp, dán pa-nô, áp phích thông tin về dịch bệnh, đồng thời thực hiện theo các khuyến cáo của các tổ chức y tế thế giới, của Bộ Y tế về những việc người dân phải làm để phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Nhà trường chuẩn bị nước rửa tay khô, yêu cầu mọi người đeo khẩu trang, tuân thủ các khuyến cáo, không tập trung đông người, không đến trường khi sốt, ho, khó thở… đi khám nếu cần thiết.

Tại các lớp học, phòng ban, các khoa trong trường được trang bị dung dịch rửa tay, bình xịt sát khuẩn, bố trí ở tất cả các hành lang, những vị trí mọi người thường xuyên qua lại. Đặc biệt, ở phòng làm việc của bộ phận bảo vệ trường, mọi người vào trường đều phải rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn, đeo khẩu trang, bảo vệ có trách nhiệm ghi lại thông tin từng người đến làm việc tại trường, ngày giờ vào, đo nhiệt độ…

Nhà trường thực hiện mọi bước khử trùng, tới giờ trường đã 7 lần thực hiện khử trùng toàn trường.

Thời gian gần đây, căn cứ vào tình hình diễn biến dịch bệnh, Nhà trường đã điều chỉnh lịch học cho phù hợp, trong 2 tuần vừa qua, Trường đã triển khai đào tạo trực tuyến, không đào tạo tập trung tại trường.

Trong thời gian đào tạo trực tuyến, các bộ phận làm việc tại trường cũng tránh làm việc đông người, cố gắng trao đổi công việc, làm việc qua các ứng dụng CNTT, làm việc trực tuyến, qua các phương tiện kết nối mạng.

Chủ động chuyển hình thức đào tạo

Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam: Biến khó khăn, thách thức thời dịch Covid-19 thành cơ hội đổi mới trong giảng dạy  - Ảnh 2.

TS.NGƯT Lê Văn Sửu

TS.NGƯT Lê Văn Sửu cho biết, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, và công văn chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về bố trí, sắp xếp cán bộ làm việc tại nhà qua CNTT, Nhà trường đã có văn bản chỉ đạo, từ ngày 01/4/2020, tất cả các đơn vị, các bộ phận phòng ban phải làm việc tại nhà, tất cả thiết bị phải được kết nối, mọi công việc giảng dạy tại trường đều chuyển về nhà.

Mọi công việc giảng dạy tại trường đều chuyển về nhà. Các giáo viên có tài khoản có thể giảng dạy tại nhà không đến trường nữa. Nhà trường có trách nhiệm theo dõi, cập nhật song song cùng chương trình để kiểm tra, đảm bảo chương trình vẫn đầy đủ.

Tất cả các bộ phận không thiết yếu đều làm việc tại nhà, chỉ bộ phận hành chính liên quan đến công tác văn thư, kiểm tra khu vực Ký túc xá là còn người vì hiện còn một sinh viên Mông Cổ ở lại Ký túc xá, phụ trách công tác sinh viên phân lịch trực để kiểm tra.

Trong thời gian này, mỗi ngày sẽ chỉ có một lãnh đạo trực tại trường. Vì vậy số lượng người ở trường là rất ít, chỉ những người chịu trách nhiệm công tác trực tại trường, còn lại đều làm việc ở nhà để đảm bảo công tác phòng dịch.

Nhà trường cũng quán triệt mọi cán bộ, nhân viên, giảng viên, sinh viên Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam không đi khỏi nhà, làm việc ở nhà, chỉ ra ngoài khi thật cần thiết. Khi cần, liên hệ với trường và cán bộ phụ trách ở trường bằng điện thoại, e.mail, CNTT.

Các cán bộ, giảng viên, nhân viên, sinh viên Nhà trường cam kết không ra ngoài, không tụ tập từ 10 người trở lên, cách ly theo quy định, nghiêm túc thực hiện mọi chỉ đạo, khuyến cáo của các cấp, của Bộ Y tế trong giai đoạn này.

Mọi người đều có ý thức và trách nhiệm thực hiện nghiêm chỉnh mọi quyết định về công tác phòng chống dịch theo khuyến cáo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, địa phương…

Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam: Biến khó khăn, thách thức thời dịch Covid-19 thành cơ hội đổi mới trong giảng dạy  - Ảnh 3.

Sinh viên thực hành bài giảng (ảnh: Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam)

Biến khó khăn thành cơ hội thực hiện hình thức giảng dạy mới

Theo Hiệu trưởng TS.NGƯT Lê Văn Sửu, đặc thù là trường đào tạo về mỹ thuật nên khi chuyển sang đào tạo trực tuyến cũng gặp nhiều khó khăn. Với môn học trực họa, thầy giáo xem bài trực tiếp cho sinh viên, nay chuyển sang trực tuyến, gặp phải những khó khăn như việc quan sát phác thảo thực, tương quan tỉ lệ, màu sắc… phải nhìn bằng mắt, nay chuyển sang nhìn qua máy tính thì độ chính xác và tinh tế sẽ giảm rất nhiều. Chưa kể chất lượng đường truyền, thiết bị không tốt sẽ ảnh hưởng chất lượng bài học.

Giảng dạy trực tuyến cũng khiến giảng viên khi trao đổi với sinh viên sẽ bị hạn chế, trong khi giảng trao đổi trực tiếp sẽ có hiệu quả hơn, người học tiếp thu nhanh hơn, tác động của người thầy tới sinh viên được nhanh và mạnh hơn…

Thứ hai, đối với những bài giảng trên lớp, nhiều khi giảng viên phải sửa trực tiếp thì sinh viên mới hiểu được, trong khi giảng dạy trực tuyến sẽ không làm được việc này.

Khó khăn tiếp là có những bài giảng không thể trực họa được, không thể giảng trực tuyến được như những bài phải sử dụng trang thiết bị ở trường, vậy nên trường cũng phải tính toán để bớt lại những nội dung này để khi sinh viên đi học tập trung trở lại sẽ tiếp tục thực hiện.

Như vậy cũng ảnh hưởng đến tuần tự bài giảng, chúng tôi cũng phải tính toán, xen kẽ các nội dung trong các bài học sao cho hợp lý. Nếu không xen kẽ sẽ không đủ được thời gian.

Tuy nhiên, TS. Lê Văn Sửu khẳng định, "khó khăn nào cũng phải vượt qua, không có gì là không làm được, chỉ có điều sẽ vất vả và phức tạp hơn thôi. Tôi nghĩ cái gì cũng có tính 2 mặt của nó."

Ông nhận định, qua những giai đoạn như thế này, các thầy cô, cán bộ Nhà trường cũng thấy được những cơ hội, những mặt tốt.

Sau đợt dịch bệnh này, Nhà trường sẽ nghiên cứu đầu tư nhiều hơn cho đào tạo trực tuyến để từ đó lên kế hoạch cụ thể khi nào cần đào tạo trực tuyến, khi nào đào tạo trực tiếp…

Bởi đào tạo trực tuyến cũng có những mặt tích cực. Chẳng hạn, đối với việc thực tập ở xa của sinh viên, các giảng viên có thể theo dõi việc thực tập nghề nghiệp của các sinh viên. Các sinh viên trong trường hay phải đi thực tập ở xa, thường thì không phải giảng viên luôn theo sát các em được, vì vậy chỉ cần một thời gian nhất định là có mặt giảng viên, còn hàng ngày có thể trao đổi trực tuyến với các em, kiểm tra bài các em làm.

Chính khó khăn này cũng sẽ tạo ra một thói quen tốt cho các giảng viên và sinh viên Nhà trường trong việc cập nhật công nghệ thông tin tốt hơn, sử dụng các ứng dụng CNTT trong đào tạo, giảng dạy, thầy Hiệu trưởng chia sẻ.

Khánh Vân (ghi)

NỔI BẬT TRANG CHỦ