(Tổ Quốc) - Những đứa trẻ dân tộc Vân Kiều ở xã Ngân Thuỷ (Lệ Thuỷ - Quảng Bình) sẽ đến trường trong niềm vui khi ngôi trường của các em được khoác lên mình "chiếc áo mới" nhờ tấm lòng yêu thương, chia sẻ của cộng đồng…
Chuyện ghi ở trường học vùng khó...
Xã Ngân Thủy thuộc huyện Lệ Thủy tỉnh Quảng Bình là một xã vùng cao đã và đang còn nhiều khó khăn về điều kiện kinh tế xã hội. Ở đó, các em học sinh đến trường phải vượt qua bao nhiêu khó khăn vất vả mới có thể tìm kiếm được con chữ của mình.
Thầy giáo Võ Đức Liến, Hiệu trưởng trường PTDT Bán trú TH&THCS Ngân Thủy tâm sự: Chúng tôi, những người làm cán bộ, giáo viên cũng đã công tác nhiều nơi trên địa bàn nhưng về trường thực sự thương và chia sẻ với các em học sinh dân tộc ở nơi đây. Điều kiện kinh tế quá khó khăn đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc học, việc đến trường của học sinh.
Bước vào năm học mới, học sinh ở các vùng khó khăn, vùng thường xuyên ngập lụt của huyện Lệ Thủy đã có niềm vui bởi các mạnh thường quân chung tay hỗ trợ các trường học trong chương trình "Thay áo mới trường em". Với hơn 300 tình nguyện viên sẽ nổ lực làm việc để khoảng 35 ngôi trường được dọn dẹp, cạo sủi, chà xát mặt tường để trả mặt bằng sạch cho các đội thi công triển khai sơn sửa… dự kiến vào cuối tháng 7 sẽ hoàn thành để đón học sinh bước vào năm học mới 2022-2023.
"Có những em, khi đến trường trên mình mang bộ áo quần cũ kĩ, lấm lem do các em phải "băng rừng, lội suối" đi bộ hàng km mới tới được trường. Quả thực, ở khu vực vùng khó này đến miếng ăn cũng bữa đói bữa no chứ chưa nói đến chuyện ăn mặc và đi học. Trước tình cảnh đó, những người giáo viên phải lặn lội tìm kiếm những nguồn tài trợ cho học sinh. Đôi khi chỉ cái bút, quyển vở thôi, giáo viên cũng mừng lắm rồi"… thầy Liến chia sẻ.
Mỗi mùa lũ về, được bao nhiêu áo quần, sách vở, bút mực được các mạnh thường quân ở các nơi đưa về tặng, các thầy cô cố gắng cất giữ, bảo quản cẩn thận và sử dụng rất tiết kiệm để cho các em có cái mà học trong cả năm. Còn cơ sở vật chất của trường được xây dựng cũng khá lâu rồi nên hiện nay các phòng học đã xuống cấp, phòng chức năng còn thiếu nên việc đảm bảo dạy học cũng gặp quá nhiều khó khăn.
"Hàng năm, huyện chia sẻ phần kinh phí cho nhà trường để đầu tư cải tạo hoặc sửa chữa, trang bị thêm đồ dùng phục vụ cho việc học của học sinh, chúng tôi vận động thêm bà con dân bản để tạo dựng khuôn viên nhà trường, thay viên ngói, sửa cánh cửa nào hỏng hóc và quét dọn thật sạch sẽ để đón học sinh vào năm học mới", thầy Liên chia sẻ thêm.
Năm nay, các em học sinh sẽ rất vui mừng khi bước vào năm học mới ở một ngôi trường "mới toanh" bởi nhà trường được các mạnh thường quân, các bạn trẻ tình nguyện sửa chữa, sơn lại trường học tạo nên một ngôi trường mới hơn trong mắt trẻ. Chúng tôi thực sự rất cảm động trước tình cảm của các mạnh thường quân đã dành cho những đứa trẻ là học sinh bà con dân tộc ở vùng khó này… thầy Liến không giấu nổi niểm vui.
Trường em thay áo mới...
Chia sẻ với những khó khăn ở các trường vùng khó khăn của huyện Lệ Thuỷ, Quỹ Hy Vọng và Trung tâm tình nguyện quốc gia phối hợp với phòng GD&ĐT huyện Lệ Thủy và Tỉnh Đoàn Quảng Bình với nguồn tài trợ từ Tập đoàn FPT và báo VnExpress bảo trợ truyền thông để triển khai với mục tiêu tạo diện mạo mới cho ít nhất 35 ngôi trường đã xuống cấp tại huyện Lệ Thuỷ. Chương trình sẽ sơn sửa các trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở, ưu tiên triển khai tại các trường học xuống cấp, với phòng học, phòng chức năng có các mảng tường bị ẩm mốc, bong tróc, làm mất mỹ quan sư phạm, ảnh hưởng không tốt đến vệ sinh và an toàn của học sinh.
Ông Nguyễn Văn Vững, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Lệ Thủy cho biết: Toàn huyện có 85 đơn vị trường học nhưng trận lũ lịch sử năm 2020 đã khiến 70% trong số đó bị ngập, ảnh hưởng cơ sở vật chất khá nghiêm trọng. Bao nhiêu công sức trang trí trường lớp của giáo viên Mầm non, Tiểu học như đổ sông đổ bể sau mỗi trận mưa lũ về. Những ngôi trường khang trang ấy đã bị tàn phá bởi nước lũ nên dẫn đến xuống cấp, tường ẩm, trang trí không đẹp, khiến môi trường, cảnh quan của nhà trường xấu đi và xuống cấp theo thời gian.
"Cho đến bây giờ, hai năm sau trận lũ lịch sử đó, nhiều ngôi trường vẫn còn "thương tích". Theo thống kê, toàn huyện có hơn 320 phòng học cần sơn sửa. Với nguồn thu ngân sách toàn huyện 380 tỷ đồng năm ngoái, "việc dành kinh phí sơn sửa lại các trường học với chúng tôi là khá khó khăn"… ông Vững chia sẻ.
Bà Trần Thị Thu Hà, đại diện quỹ Hy vọng xúc động chia sẻ: Năm 2020 chúng tôi đã có cơ duyên đến với Quảng Bình là một trong những rốn lũ chịu ảnh hưởng nặng nề từ mưa bão, ngập lụt. Khi đó, hành trang của chúng tôi đến với Quảng Bình là gạo, là nước sạch, là thực phẩm, là quần áo, chăn màn…. là sự đau đáu mong bà con vùng lũ sớm vượt qua khó khăn và ổn định cuộc sống.
Trên hành trình trở về, hình ảnh những ngôi trường ngập trong nước lũ, đất và bùn lấm lem trên những mảng tường, và có lẽ rất lâu nữa mới khô, mới có thể sạch đẹp trở lại cứ ám ảnh mãi trong tâm trí những thành viên trong đoàn. Rồi nó cứ ở đó mãi, thôi thúc chúng tôi quay trở lại với những ngôi trường ấy.
Và hôm nay, cái sự thôi thúc ấy đã đưa được họ đến đây. Dấu tích của những trận lũ lụt năm nào vẫn còn trên các bức tường của hàng loạt ngôi trường: là những vết loang lổ, ẩm mốc vì ngập nước lâu ngày, là mốc đánh dấu mực nước dâng của mỗi đỉnh lũ.
"Trong khoảng thời gian vừa qua, hành trình xây dựng những ngôi trường mới cho trẻ em vùng cao, chúng tôi hiểu một ngôi trường khang trang, sạch sẽ có ý nghĩa thế nào với các em nhỏ, bất kể vùng miền, dân tộc. Đó không chỉ là mang đến niềm vui, sự hào hứng mà còn tạo nên môi trường an toàn, đảm bảo sức khỏe cho các em khi vào năm học mới…"
"Tôi mong rằng, chương trình "Thay áo mới trường em" sau khi hoàn thành sẽ tạo động lực để các thầy cô giáo và các em học sinh có được điều kiện dạy và học tập tốt hơn, góp phần giúp huyện Lệ Thủy nói riêng và Quảng Bình nói chung ngày càng phát triển"… bà Trần Thị Thu Hà tâm sự.