(Tổ Quốc) - Tại Hội nghị lần thứ 13 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII vừa qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh về "trường hợp đặc biệt" tái cử. Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Quang Thưởng - Nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương đã chia sẻ với Báo Điện tử Tổ Quốc.
PV: Thưa ông, “trường hợp đặc biệt” tái cử vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa mới cần được hiểu như thế nào?
Ông Lê Quang Thưởng: Ở thời kỳ Đảng mới ra đời, cán bộ toàn những người trẻ tuổi nên sẽ không có quy định về những trường hợp đặc biệt.
Ở Đại hội XII có nhiều cán bộ lãnh đạo tuổi cao hơn mức bình thường, trong đó có những người được Ban Chấp hành Trung ương đề xuất tiếp tục công tác nên gọi là “trường hợp đặc biệt”.
Khi đã xác định là “trường hợp đặc biệt”, nghĩa là nếu không có trường hợp này thì sẽ khó khăn hoặc sẽ ảnh hưởng đến nhiệm vụ chung, ảnh hưởng đến lợi ích chung của toàn Đảng, toàn dân tộc, ảnh hưởng đến sự nghiệp cách mạng.
Tuy nhiên, trường hợp đặc biệt chỉ nên có một vài người, chứ nhiều quá sẽ không gọi là trường hợp đặc biệt nữa.
PV: Nên có một đánh giá riêng về những cống hiến đối với các “trường hợp đặc biệt” tái cử không thưa ông?
Ông Lê Quang Thưởng: Vấn đề này đã có báo cáo nhân sự tại đại hội. Sẽ có tóm tắt lý lịch, cống hiến của những trường hợp đó để công bố tại Đại hội.
Như tôi đã nói ở trên, các “trường hợp đặc biệt” được Ban Chấp hành Trung ương xem xét tái cử trước hết là do không thể thay thế ở thời điểm đó.
Có thể dẫn chứng cụ thể như trường hợp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội Đảng khóa XII. Cá nhân tôi cho rằng, quyết định về trường hợp đặc biệt ở khóa XII khi Bộ Chính trị có 1 trường hợp đặc biệt là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục tái đắc cử và giữ chức vụ Tổng Bí thư là một quyết định rất sáng suốt của Ban Chấp hành Trung ương và Đại hội.
PV: “Trường hợp đặc biệt” tái cử cần có những tiêu chí và được thực hiện theo quy trình nào?
Ông Lê Quang Thưởng: Tôi cho rằng, người đó phải có bản lĩnh vững vàng, tầm nhìn rộng, hiểu biết tình hình của đất nước cũng như thế giới.
Bên cạnh với năng lực, sức khỏe để đáp ứng công việc thì những trường hợp này phải có đạo đức và đặc biệt là được nhân dân tín nhiệm.
Trung ương chắc chắn sẽ có một quy trình rất chặt chẽ, cụ thể, kỹ lưỡng. Theo tôi được biết thì việc đầu tiên đó là chuẩn bị nhân sự tái cử. Trung ương sẽ xác định những cán bộ đương nhiệm nào còn đủ điều kiện, đủ tiêu chuẩn để tái cử. Bước tiếp theo là tính số nhân sự mới tham gia lần đầu.
Sau đó, xem xét lại toàn bộ để xác định số nhân sự còn thiếu ở lĩnh vực nào, địa bàn nào hoặc là vị trí nào. Lúc đó mới xem xét chi tiết, rất cụ thể xem có cần trường hợp đặc biệt hay không. Việc xem xét trường hợp đặc biệt là sau cùng.
PV: Liên quan đến công tác nhân sự, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh rằng, “không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn”, ông có thể lý giải về câu nói này?
Ông Lê Quang Thưởng: Cấp ủy có số lượng nhất định nên phải đưa vào danh sách để bầu cử những người xứng đáng.
Tiêu chuẩn đó là đạo đức, tài năng. Còn cơ cấu có mấy yếu tố gồm: tỷ lệ nam nữ, vùng miền. Ví dụ như vùng miền, đất nước ta có 3 miền nên cần phải cân đối tỉ lệ này trong cấp ủy cho phù hợp với thực tế.
“Không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn” - tôi cho rằng Tổng Bí thư muốn nhấn mạnh về tiêu chí, tiêu chuẩn bởi đây mới chính là yếu tố quan trọng để quyết định cán bộ có đảm đương được trọng trách mà Đảng, nhân dân giao phó hay không.
Đảm bảo cơ cấu rất quan trọng nhưng năng lực, phẩm chất, uy tín của cán bộ mới là những yếu tố quyết định.
PV: Xin cảm ơn ông!