• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Trường THPT Chí Linh long trọng kỷ niệm 50 năm thành lập

Giáo dục 23/12/2016 09:38

(Tổ Quốc) -Trung tuần tháng 12, Trường THPT Chí Linh (Hải Dương) tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm thành lập (1966-2016) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì. Dự lễ kỷ niệm có đồng chí Nguyễn Mạnh Hiển - Ủy viên Trung ương đảng, Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, Sở GD&ĐT, Thị xã Chí Linh cùng 15.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh các thế hệ.

Trường THPT Chí Linh nằm trên địa bàn phường Sao Đỏ, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương - một vùng đất địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống văn hóa, hiếu học, nơi có các di tích Côn Sơn, Kiếp Bạc, đền thờ Thầy giáo Chu Văn An... Ra đời năm 1966, gắn liền với công cuộc đấu tranh bảo vệ và dựng xây đất nước, nhà trường không ngừng phấn đấu, vượt mọi khó khăn, đi đầu trong các phong trào, vươn lên phát triển toàn diện.

Qua 50 năm xây dựng và phát triển, nhà trường đã trở thành một trong 6 trường lớn nhất của Tỉnh, làm cơ sở hình thành 2 trường THPT của Thị xã, với 1.284 đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh, 29 giải Quốc gia; đào tạo gần 70.000 học sinh tốt nghiệp ra trường, trong đó có hơn 32.000 học sinh đỗ vào đại học. Với những thành quả đó, nhà trường đã vinh dự được tặng thưởng Huân Chương Lao Động hạng Ba năm 1996, Huân chương Lao động hạng Nhì năm 2016, gần 300 Bằng khen và nhiều giấy khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND Tỉnh, các Cấp, các Ngành.

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Mạnh Hiển ghi nhận và biểu dương những thành tích xuất sắc mà thầy và trò Trường THPT Chí Linh đã đạt được trong thời gian qua. Đồng chí đề nghị thầy và trò nhà trường phát huy truyền thống 50 năm, tiếp tục thực hiện có hiệu quả cuộc vận động "Mỗi thầy cô là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo" và phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực", nâng cao hơn nữa chất lượng dạy và học, giáo dục thế hệ tương lai.

Thầy Nguyễn Văn Hải – Hiệu trưởng đầu tiên của trường đã rất cảm động khi nhắc tới những người thầy đã mất trong chiến tranh, về người thầy đã đứng trong đội ngũ cùng học trò chiến đấu trên chiến trường Lào. Ông nhắc đến sự đùm bọc và yêu thương của chính quyền và bà con nhân dân Đồi Thông dành cho nhà trường những năm đầu thiếu thốn.

Trước đó, nhiều hoạt động chào mừng diễn ra trong hai ngày 17-18/12: cắm trại, giao lưu văn hóa văn nghệ, giao lưu giữa các thế hệ cán bộ - sinh viên… Hoạt động nổi bật được các thế hệ học sinh chào đón là sự hội họp của mỗi khóa tại các trại của mỗi lớp. Nhiều cựu học sinh giờ đây đã trở thành tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang, các nhà khoa học, cán bộ chủ chốt của Đảng và Nhà nước ở các cấp, các ngành; nhiều học sinh vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý như: Thầy thuốc ưu tú, Nhà giáo ưu tú, Nghệ sĩ ưu tú... Không khí buổi gặp mặt vô cùng xúc động với những nụ cười và nước mắt của thầy trò, bè bạn sau nhiều năm ra trường. Đại diện các thế hệ học sinh, GS,TS. Nguyễn Văn Tuấn, phó Hiệu trưởng trường Đại học Lâm nghiệp Hà Nội, cựu học sinh khóa 1973-1976 bày tỏ lòng tri ân sâu sắc tới tập thể cán bộ, giáo viên và nhà trường.

Thiếu tướng Đỗ Văn Nghị - Cựu học sinh khóa 1969-1972: “Ngày tựu trường đầy háo hức của tôi là một ngày đặc biệt, mùng 4 tháng 9 năm 1969. Bố đánh thức tôi dậy từ lúc 4 giờ sáng. Mẹ tôi phá lệ, nấu hẳn một niêu cơm nếp vào một ngày thường. Chưa đến 5 giờ sáng, với gói cơm nếp mẹ trao, tôi rời nhà cuốc bộ vào xóm Đồi Thông, cái địa chỉ mà ngày hôm qua khi nhắc đến, nhiều người đã rơi nước mắt. Khoảng chừng hơn 7 giờ thấy một đoàn các thầy cô từ trong phía xóm đi ra, dẫn đầu là người mà sau đó tôi biết là thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Hải. Trên cánh tay mọi người đều có dải băng đen. Chúng tôi nhốn nháo sắp hàng theo lớp. Thầy Hải cất giọng nghẹn ngào: “Các em thân mến, Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã mất”. Cả sân trường im lặng như tờ, giọng thầy lạc đi, trĩu nặng. Đầu tôi cũng như u mê, chỉ còn nhớ là hôm đó chúng tôi được phổ biến ngắn gọn về để tang Bác và giải tán. Khi về đến phố Thiên, tiếng nhạc hồn tử sĩ từ radio nhà ai đó vọng ra, nghe thật não nề. Ngày đầu tiên vào trường là ngày nghe thông báo Bác mất, làm sao tôi quên được. Với một lễ trọng như thế này tôi muốn mặc lại bộ quân phục đã gắn bó cả cuộc đời tôi từ ngày nhập ngũ năm cuối lớp 9”

Những hình ảnh tại lễ kỷ niệm:

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hiển trao Huân chương Lao động hạng Nhì cho trường THPT Chí Linh
Nhiều hoạt động bên lề được tổ chức
Chào đón các cựu học sinh
 
 Trở về lớp học xưa
 
Niềm vui ngày gặp mặt

Nguyễn Ánh Dương  

NỔI BẬT TRANG CHỦ