(Tổ Quốc) - Cầu truyền hình trực tiếp “Ngày hội toàn dân” do Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện, phát sóng trên VTV1 từ 6h45-11h00 ngày 23/5 hứa hẹn sẽ mang đến những hình ảnh ấn tượng với nhiều cung bậc cảm xúc thể hiện trách nhiệm của người dân Việt Nam trong ngày hội của đất nước. Lần đầu tiên, Trường Sa tiến hành bầu cử cùng ngày với đất liền.
- 21.05.2021 Không khí chuẩn bị cho ngày bầu cử bên trong Bệnh viện K
- 17.05.2021 Hà Nội chủ động tấn công dịch bệnh để ngày bầu cử "an toàn nhất, thành công nhất"
- 17.05.2021 Ngày bầu cử, không tập trung quá đông người ở phòng bỏ phiếu tại cùng một thời điểm
- 15.05.2021 Cả nước trang hoàng rực rỡ trước ngày bầu cử
Nhà báo Đỗ Đức Hoàng, Trưởng Ban Thời sự, Đài Truyền hình Việt Nam cho biết: “Việc tổ chức cầu truyền hình trực tiếp bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp là công việc mà Ban Thời sự của VTV đã thực hiện nhiều lần, nhưng đây là lần sẽ có quy mô lớn hơn và đa dạng hơn. Đây cũng là lần đầu tiên Cầu truyền hình bầu cử nối với ba điểm có vị trí địa lý đặc biệt. Đó là điểm cầu cực Bắc tại xã Lũng Cú (huyện Đồng Văn, Hà Giang); điểm cầu cực Nam ở Đất mũi (Cà Mau) và điểm cầu bầu cử tại đảo Trường Sa Lớn thuộc huyện đảo Trường Sa (Khánh hòa). Trong ba điểm cầu này, điểm bầu cử tại Trường Sa là điểm được chúng tôi chuẩn bị công phu nhất, từ con người, thiết bị đến nội dung và đặc biệt là sự phối hợp”.
Đảo Trường Sa Lớn có nhiều cụm bầu cử khác thuộc huyện đảo Trường Sa. Vì lý do địa lý xa cách nên lần này cũng vậy, Ủy ban Bầu cử Quốc gia đã quyết định thời gian bầu cử tại đảo Trường Sa Lớn vào ngày 16/5/2021. Như vậy, VTV không thể làm Cầu truyền hình ở đây đúng với ngày cả nước đi bầu cử. Vì thế, sau khi trao đổi, bàn bạc, Bộ Tư lệnh Hải quân và UBND tỉnh Khánh Hòa đã nhất trí với VTV đề xuất với Uỷ ban Bầu cử Quốc gia cho điểm bầu ở đảo Trường Sa Lớn thực hiện cùng ngày với đất liền.
Để chuẩn bị cho điểm cầu Trường Sa Lớn, hàng tấn thiết bị của VTV được huy động và chuyển từ đất liền ra đảo. Gần 20 cán bộ, phóng viên, kỹ thuật viên của VTV đã lên đường ra Trường Sa, ở lại trong một tháng để thực hiện công việc. Dẫn chương trình ở điểm cầu này là BTV Tuấn Dương; quay phim Việt Anh, Trọng Đức, Nam Việt, Văn Huỳnh.
BTV Xuân Tùng, Trưởng nhóm nội dung điểm cầu Trường Sa Lớn cho biết: “Chúng tôi luôn lấy tiêu chí là mọi bộ phận phải an toàn từ 200% trở lên, từ tín hiệu vệ tinh đến các thiết bị kỹ thuật hay điện lưới đều phải đạt mức cao nhất. Tôi vinh dự được ra đảo Trường Sa công tác nhiều lần, nhưng không lần nào mà cảm giác lại hồi hộp, căng thẳng và thú vị như lần này”.
Điểm cầu cực Bắc là khu vực bỏ phiếu số 6, thuộc bản Lô Lô Chải, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, Hà Giang. Bản có 114 hộ với hơn 500 nhân khẩu, trong đó có 21 gia đình làm các homestay đón khách. Những con đường nhỏ trong bản mang đậm phong cách sống của người Lô Lô. Ở bất cứ vị trí nào trong bản cũng nhìn thấy cột cờ Lũng Cú trên đỉnh núi Long Sơn, một biểu tượng thiêng liêng về chủ quyền dân tộc. Hơn 360 cử tri bỏ phiếu tại điểm Lô Lô Chải thì có 91% là đồng bào dân tộc Lô Lô. Theo bật mí của BTV Hoài Lương, điểm bầu cử này sẽ “rực rỡ” bởi hầu hết cử tri đều diện trang phục truyền thống của dân tộc mình đi bầu cử.
Điểm cầu đất Mũi thuộc huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) cực Nam của Tổ quốc có 950 cử tri đi bỏ phiếu. Tại vị trí này, khán giả xem truyền hình có thể thấy công trình cột cờ Hà Nội mang đậm dấu ấn văn hóa thiêng liêng, thể hiện chủ quyền lãnh thổ quốc gia cũng như sự gắn bó “Bắc Nam một nhà”. Do đặc thù địa hình sông nước nên nhiều cử tri đến điểm bầu cử bằng ghe hay vỏ lãi, những phương tiện di chuyển phổ biến đặc trưng của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Ngày 21/5, các cử tri đang sinh sống và làm việc trên đảo Hòn Khoai và Hòn Chuối được chính quyền tổ chức cho bầu cử sớm. Dẫn chương trình ở điểm cầu này là phóng viên Minh Xuân.
Ngoài ba điểm cầu có vị trí địa lý đặc biệt kể trên, chương trình còn bao gồm nhiều điểm cầu truyền hình trực tiếp từ Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ và những địa điểm vùng sâu, vùng xa khác trên mọi miền Tổ quốc./.