(Tổ Quốc) - Một bộ phận công chúng quan tâm quá mức đến sự trở lại của Minh Béo, một số báo chí thông tin cập nhật về sự trở lại này… đó là biểu hiện của sự lệch lạc trong nhận thức, trong đạo đức.
Trong những ngày qua, việc truyền thông trong nước cập nhật liên tục thông tin sự trở về của diễn viên Minh Béo- tội phạm ấu dâm tại Mỹ trở về, như bao tin tức bình thường khác như một đòn giáng vào độc giả có tự trọng. Đáng lo ngại hơn, bên cạnh một làn sóng phản đối, tẩy chay thì có một bộ phận công chúng cũng chào đón sự trở về của diễn viên này. Tẩy chay hay chào đón? Thái độ nào cũng là không cần thiết đối với kẻ phạm tội mà thế giới khinh bỉ. Đặc biệt là báo chí, việc thông tin và thông tin thế nào để đảm bảo văn hóa truyền thông đang cần đặt ra sau trường hợp này.
Việc Minh Béo có bị xử lý gì theo quy định của pháp luật Việt Nam hay không, theo Luật sư Trần Đình Triển, khi một công dân Việt Nam phạm tội ở nước ngoài, đã thụ án xong và bị trục xuất về nước, nghĩa là công dân đó đã trả giá xong cho sai lầm của mình. Khi về nước, công dân đó không làm gì vi phạm pháp luật thì cũng không có quy định nào để xử lý trên phương diện luật pháp.
Luật sư Trần Đình Triển cũng cho rằng: “Việc tạo điều kiện cho công dân đó lao động, sản xuất, tái hòa nhập cộng đồng, trở thành người có ích cho xã hội, trở thành người tốt là chủ trương khuyến khích của Đảng, Nhà nước ta. Nhưng cũng tùy từng trường hợp, tùy từng công việc vi phạm mà xem xét việc tái hòa nhập cộng đồng như thế nào. Với công việc của nghệ sĩ, xuất hiện trước công chúng nói điều hay, ý đẹp nhưng bản thân lại từng phạm tội như trộm cắp, ấu dâm (ở Việt Nam là hiếp dâm) thì theo tôi là không nên, là không hay và phản cảm”.
Còn Tiến sĩ mỹ học Phạm Thế Hùng- Giảng viên giảng dạy bộ môn Mỹ học cho nhiều trường Đại học, cho biết: “Báo chí không nên quan tâm đến việc kẻ phạm tội ấu dâm như Minh Béo trở về hay không. Đây là việc không hay, vì kẻ phạm tội là người của công chúng, từng quen mặt trên sân khấu, truyền hình, lại phạm một tội lỗi mà xã hội khinh bỉ, lên án, tội ấu dâm. Vì vậy, truyền thông có văn hóa không nên cổ súy, không nên thông tin”.
Ông Thế Hùng cũng cho rằng: “Ở góc độ mạng xã hội, diễn viên này có bạn bè, người thân, họ có quyền chào đón, đó là vấn đề tình cảm. Còn chức năng của báo chí là làm văn hóa, làm chính trị, cổ súy cho sự trở về này là sai trái, là không có nhận thức đúng đắn về văn hóa, đạo đức.”
“Việc phạm tội ở một nước văn minh như nước Mỹ, là nỗi nhục của người nghệ sĩ nhưng báo chí coi đó như chuyện bình thường để thông tin về sự trở lại này, đó là sự xấu hổ của truyền thông, sự xấu hổ của độc giả nghiêm túc”.
Tiến sĩ Phạm Thế Hùng nhận định: “Nghệ sĩ là người làm nghệ thuật, phải có cái tài, cái đức, cái tâm, có tự trọng và liêm sỉ hơn người bình thường thì mới phản ánh được cái hay, cái dở của xã hội. Người nghệ sĩ chân chính là người ý thức được vai trò của mình trong việc truyền tải nghệ thuật, mang cái đẹp, cái hay đến cho cuộc sống nhưng bản thân họ lại xấu xa, vậy thì làm sao có thể là tấm gương cho xã hội được. Nghệ sĩ phải có tài năng để nổi tiếng, nhưng giữ được sự nổi tiếng bằng tự trọng, bằng liêm sỉ chứ không nên bằng những chiêu trò như hiện nay. Không nói về đạo đức của người đó thì việc làm rùm beng lên, đánh bóng tên tuổi và được sự cổ súy của truyền thông thì đúng là sự xuống cấp về đạo đức của xã hội”./.
Dạ Minh