(Tổ Quốc)-“Nếu mỗi người dân đều là một đại sứ du lịch, mỗi cơ quan đều có trách nhiệm xúc tiến du lịch thì chắc chắn công tác quảng bá cho Du lịch Việt Nam sẽ thành công, ngành Du lịch Việt Nam sẽ cất cánh”.
Ông Nguyễn Công Hoan - Phó Tổng Giám đốc Hanoi Redtours |
Bên lề cuộc Tọa đàm Xây dựng khung chiến lược truyền thông ngành văn hóa, thể thao và du lịch giai đoạn 2017-2020” ngày 8/12 do Văn phòng Bộ VHTTDL, Trung tâm Công nghệ thông tin tổ chức, ông Nguyễn Công Hoan – Phó Tổng Giám đốc Hanoi Redtours đã chia sẻ về vấn đề truyền thông trong lĩnh vực xúc tiến quảng bá và phát triển hoạt động du lịch dưới góc nhìn của một doanh nghiệp du lịch.
-Thưa ông, các chuyên gia đã khẳng định vai trò quan trọng của vấn đề truyền thông đối với ngành VHTTDL, vậy dưới góc nhìn của một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, xin ông cho biết, truyền thông trong hoạt động Du lịch cần tập trung vào những nội dung cốt lõi nào?
+ Trong thế giới phẳng với sự bùng nổ của công nghệ thông tin như hiện nay, truyền thông càng khẳng định được vai trò quyền lực mềm của mình mà chúng ta vẫn hay gọi là quyền lực thứ tư sau lập pháp, hành pháp và tư pháp. Nhưng khác với ba quyền lực trên, truyền thông không phải lúc nào cũng có tác dụng và ảnh hưởng ngay lập tức mà là quá trình thẩm thấu vào nhận thức của công chúng để từ đó định hướng hành vi của các bên. Điều đó có nghĩa truyền thông cần thời gian. Chính vì vậy, việc Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị Tọa đàm “Xây dựng khung chiến lược truyền thông ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong giai đoạn 2017-2020” là một việc cần thiết và những người làm du lịch như chúng tôi rất ủng hộ.
Du lịch với tính chất là ngành kinh tế tổng hợp, có tính xã hội hóa cao thì vị trí, vai trò của truyền thông lại càng trở lên quan trọng hơn trong việc quảng bá sản phẩm, định hướng tiêu dùng và điều chỉnh hành vi của các bên liên quan trong lĩnh vực du lịch.
Từ thực tế hoạt động du lịch và những vấn đề diễn ra vừa qua, chúng tôi nhận thấy, ngành du lịch cần thiết phải đồng thời triển khai các hoạt động truyền thông vào cả ba lĩnh vực, đó là: Truyền thông trong việc quảng bá sức hấp dẫn của điểm đến và sản phẩm, dịch vụ du lịch cụ thể; Truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của những người tham gia vào việc chuỗi cung cấp các dịch vụ của ngành du lịch, của cộng đồng dân cư tại điểm đến nhằm tạo ra những nhân lực làm du lịch chuyên nghiệp, cộng đồng dân cư thân thiện, hiếu khách, tạo ấn tượng, sự thiện cảm và hài lòng cho du khách; Truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, tạo dựng hình ảnh du khách Việt văn minh, lịch sự khi đi du lịch trong và ngoài nước.
-Thực tế, công tác xúc tiến quảng bá điểm đến và sản phẩm du lịch của Việt Nam thời gian qua vẫn chưa tạo được hiệu quả như mong muốn. Vậy theo ông, chúng ta phải xây dựng kế hoạch truyền thông về vấn đề này như thế nào?
+ Để xây dựng được kế hoạch truyền thông dài hạn, cần thiết phải có một kế hoạch phát triển du lịch dài hạn. Chỉ khi nào chúng ta xác định được sẽ phát triển du lịch đến khu vực nào, chủ đề du lịch là gì, sức hấp dẫn của điểm đến của sản phẩm du lịch ra sao và hướng tới đối tượng khách hàng, thị trường gì thì mới có thể xây dựng được kế hoạch truyền thông phù hợp. Ngành du lịch vừa qua đã xây dựng và được phê duyệt “Chiến lược phát triển sản phẩm Du lịch đến năm 2025, tầm nhìn 2030”. Đây là căn cứ quan trọng để xây dựng khung truyền thông trong việc quảng bá du lịch trong thời gian tới.
Tuy nhiên, để xây dựng được kế hoạch truyền thông chi tiết thì cần phải chi tiết hóa chương trình phát triển du lịch theo từng giai đoạn dài hạn, trung hạn và ngắn hạn. Bên cạnh việc quảng bá các sản phẩm du lịch trước mắt cần tính tới việc quảng bá cho những năm tiếp theo để có sự tiếp nối, có thời gian để thẩm thấu vào nhận thức và điều chỉnh xu hướng của du khách, cần phân chia thành các giai đoạn: thăm dò thị trường, giới thiệu quảng bá ban đầu, thúc đẩy và duy trì.
"Nếu mỗi người dân đều là một đại sứ du lịch, mỗi cơ quan đều có trách nhiệm xúc tiến du lịch thì chắc chắn công tác quảng bá cho Du lịch Việt Nam sẽ thành công, ngành Du lịch Việt nam sẽ cất cánh" (Ảnh: Nam Nguyễn) |
- Theo ông, ngành du lịch nên chú trọng vào những kênh truyền thông nào để tiến hành xúc tiến quảng bá?
+ Hoạt động truyền thông, quảng bá rất đa dạng. Xã hội có kênh truyền thông nào thì ngành Du lịch có kênh truyền thông đó và mỗi kênh truyền thông đều có những tác dụng nhất định. Chúng ta không nên tập trung thái quá vào một kênh cụ thể nào mà cần có sự kết hợp đồng bộ bởi mỗi kênh sẽ có những tác dụng khác nhau đến thị trường, đến du khách. Có những kênh sẽ có tác dụng giới thiệu để biết về điểm đến, vẻ đẹp và sức hấp dẫn của điểm đến; có kênh có tác dụng giới thiệu những dịch vụ hậu cần, phụ trợ, tạo sự yên tâm của điểm đến; có kênh giới thiệu những sản phẩm dịch vụ cụ thể để du khách dễ dàng tiếp cận; có kênh giới thiệu cảm xúc, cảm nhận, đánh giá khách quan cộng đồng để tạo nên xu hướng, xu thế và trào lưu của công chúng.
Với các kênh truyền thông, phần chính là chúng ta nên chủ động tạo ra và làm chủ nó. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là không có những sự kiện nằm ngoài kế hoạch của ngành Du lịch nhưng vô tình có ảnh hưởng lớn tới du khách có thể theo hướng tích cực hoặc tiêu cực. Điều cần thiết là ngành Du lịch, tùy từng vấn đề mà mỗi chủ thể hay nhóm chủ thể cần có phản ứng nhanh chóng.
Tuy nhiên, chúng ta cũng cần lưu ý rằng truyền thông để quảng bá du lịch không chỉ là câu chuyện của riêng ngành Du lịch. Du lịch không chỉ đơn thuần là một ngành dịch vụ đem lại hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp, nguồn thu cho ngân sách và tạo việc làm cho người lao động trong ngành mà du lịch còn có một vai trò, ý nghĩa to lớn trong việc phát triển các ngành kinh tế khác, thúc đẩy giao lưu, quảng bá văn hóa, tăng cường sự hiểu biết giữa các quốc gia dân tộc.
Và ngược lại, bất kỳ hoạt động gì, bất kỳ tiếp xúc nào ra bên ngoài đều có khả năng thực hiện vai trò truyền thông, quảng bá cho du lịch. Các hành vi ứng xử của người Việt ra bên ngoài sẽ thể hiện được lòng hiếu khách, sự thân thiện của người Việt. Các hoạt động quảng bá văn hóa, văn học, nghệ thuật, thể thao, các hoạt động thương mại, ngoại giao… đều làm tăng sự hiểu biết, sức hấp dẫn của điểm đến Việt Nam một cách trực tiếp hoặc gián tiếp. Do vậy, cần có sự vận động, cần ý thức nâng cao vai trò của các chủ thể khác nhau trong việc quảng bá hình ảnh đất nước con người Việt trong việc thu hút du khách. Nếu mỗi người dân đều là một đại sứ du lịch, mỗi cơ quan đều có trách nhiệm xúc tiến du lịch thì chắc chắn công tác quảng bá cho Du lịch Việt Nam sẽ thành công, ngành Du lịch Việt nam sẽ cất cánh.
-Xin ông cho biết, truyền thông về Du lịch cần lưu ý đến vấn đề gì để tạo dấu ấn với du khách?
+Trong Du lịch, sự khác biệt, tính mới lạ chính là yếu tố để thu hút, tạo giá trị canh tranh du khách. Du khách sẽ không thấy sự hấp dẫn của điểm đến nếu như chúng ta dùng những nội dung, chủ đề, hình ảnh tương tự những điểm đến khác mà khách đã trải nghiệm để quảng bá và thu hút du khách. Cần phải xác định và quảng bá những giá trị cốt lõi, đặc trưng riêng của điểm đến.Thực tế, thời gian qua ở các địa phương của Việt nam đang diễn ra tình trạng tiến hành làm du lịch chạy theo trào lưu như việc quảng bá hoa tam giác mạch của một số tỉnh Tây bắc là một ví dụ./.
-Xin cảm ơn ông!
Thảo Linh