(Tổ Quốc) - Theo TS Trần Hữu Sơn, có một tư tưởng sai lầm của một số bộ phận người dân đó là xã hội dương gian như thế nào thì ở phần âm cũng như vậy. Ở dương gian, có một quan niệm của cơ chế thị trường là càng nhiều tiền thì càng tốt. Chính vì vậy, ở thế giới âm cũng cần phải có nhiều tiền nên người ta càng đốt nhiều tiền vàng mã. Đây là quan niệm rất sai lầm.
Cả nước ta hiện có gần 9.000 lễ hội, trong đó có khoảng 7.000 lễ hội dân gian truyền thống, gần 1.400 lễ hội tôn giáo, hơn 400 lễ hội lịch sử, cách mạng...So với các quốc gia khác trong khu vực, có thể coi Việt Nam là một trong những quốc gia có nhiều lễ hội truyền thống nhất. Sau hai mùa lễ hội không thể tổ chức do ảnh hưởng của dịch Covid-19, năm nay các hoạt động lễ hội được dự báo sẽ trở lại và diễn ra nhộn nhịp hơn trước đây rất nhiều.
TS Trần Hữu Sơn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian ứng dụng đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo điện tử Tổ Quốc về công tác quản lý, quan niệm, giá trị của lễ hội...
- Qua theo dõi một số lễ hội đầu năm, ông có nhận xét như thế nào?
Đặc điểm của lễ hội năm nay khác hẳn mọi năm. Có hai đặc điểm khác, thứ nhất là trải qua 2 năm dịch bệnh thì nhu cầu người dân đi lễ hội cao hơn. Thứ hai là do kinh tế xã hội có phần khó khăn trong năm qua, việc đi lễ đầu năm nay nay người ta thường đi lễ hội tâm linh nhiều hơn để cầu xin chứ ít người vãn cảnh, tham quan các di tích.
Lễ hội là sự phản ánh của xã hội nên đây là điều rất bình thường cho thấy nhu cầu của người dân trước khó khăn, đời sống.
Thứ hai, lễ hội năm nay bước đầu có sự quản lý bằng việc ứng dụng công nghệ thông tin. Việc này mới và hiệu quả, nó giải tỏa được tình trạng xếp hàng, góp phần làm cho lễ hội hoành tráng hơn, việc quản lý dễ thực hiện hơn.
Tuy nhiên, có một điều tôi quan sát thấy đó là, suốt mấy năm không tổ chức, các ban quản lý lễ hội có tư tưởng "xả hơi" dẫn đến không dẹp được một số tình trạng mà trước nay đã dẹp được như: chèo kéo khách, ép khách mua lễ vật, chặt chém đồ lễ vật, nhiều nơi gấp rưỡi đến ấp hai lần so với thực tế; ăn xin; thậm chí có nhiều nơi dịch vụ trông xe, đi đò cũng khó kiểm soát, bị nâng giá.
Các hiện tượng này mọi năm đều có nhưng các ban quản lý làm tốt hơn, nhưng năm nay vẫn chưa làm tốt được việc này.
- Ở một số nơi đốt vàng mã, ngựa giấy cỡ lớn, nhét tiền không đúng nơi quy định, quan điểm của ông như thế nào?
Người đi lễ hội đốt vàng mã lớn, nhét tiền vào tượng phật, các nơi trong chùa đền…điều đó thể hiện sự không hiểu biết về tín ngưỡng, thậm chí đây là cuồng tín, mê tín.
Có một tư tưởng sai lầm của một số bộ phận người dân đó là xã hội dương gian như thế nào thì ở phần âm cũng như vậy. Ở dương gian, có một quan niệm của cơ chế thị trường là càng nhiều tiền thì càng tốt. Chính vì vậy, ở thế giới âm cũng cần phải có nhiều tiền nên người ta càng đốt nhiều tiền vàng mã. Đây là quan niệm rất sai lầm.
Cái sai thứ hai nữa là ô nhiễm môi trường, lãng phí. Như ở đền bà chúa Kho, người ta tính một năm chi phí đốt vàng mã lên đến 300 tỷ đồng. Quá lãng phí. Tôi cho rằng đây là quan niệm không nên có.
Việc này, cơ quan Hội phật giáo cũng phải lên tiếng, ngoài ra các chùa, đền cũng phải có quy định ghi rõ, ai đến đền chùa thì nên đốt vàng mã như thế nào, không thể coi đền chùa là nơi để khoe tiền, đốt vàng mã một cách phung phí như vậy.
Vấn đề cắm hương khắp nơi cũng thế thôi. Bao giờ ở đền, chùa cũng có những điểm linh thiêng để cắm hương chứ không phải bạ đâu là cắm đấy. Hành động đó chứng tỏ sự không hiểu biết. Quan điểm của những người trọng tín ngưỡng người ta thấy như thế là phản cảm, mất thiêng, càng không tốt.
- Quan niệm người xưa việc đi lễ đầu năm để làm gì?
Không chỉ ngày xưa mà đến bây giờ một số vùng dân tộc thiểu số vẫn còn. Người xưa coi sức khỏe là giá trị quan trọng nhất nên hầu hết người ta đi cầu sức khỏe. Người ta có nhiều hình thức tín ngưỡng để cầu sức khỏe, ví dụ như người Tày người ta có bài Then cầu sức khỏe, Then giải hạn…Các nghi lễ cổ của người Dao cũng gắn với sức khỏe.
Thế nhưng, bây giờ trong cơ chế thị trường người ta lại quan niệm khác. Kể từ đầu những năm 80, 90 của thế kỷ trước, người ta bắt đầu chuyển sang cầu tài, lộc, tiền. Sau đó, người ta lại quan niệm không có gì làm giàu bằng quan chức, thế là người ta đi cầu được danh, thăng quan tiến chức.
Lễ hội đầu năm là chân dung của xã hội, là tấm gương phản ánh xã hội, xã hội như thế nào thì người ta ganh đua ở lễ hội để đạt được như thế. Đấy là bảng giá trị của con người bị lệch chuẩn, méo mó đi.
- Thưa ông, hiện nay có một số lễ hội như đánh phết Hiền Quan ở Phú Thọ, chém lợn Bắc Ninh đã không còn nguyên bản chất như ngày xưa sau khi được dư luận quan tâm. Quan điểm của ông về điều này như thế nào?
Quan điểm văn hóa là không có văn hóa cao, văn hóa thấp mà là văn hóa đa dạng. Chúng ta phải tôn trọng sự đa dạng đó. Chỉ có điều là sự đa dạng đó không ảnh hưởng chung.
Người ta ngày xưa chém lợn ở sân đình, cái làng đó họ quây quần với nhau, không có du khách nên không ảnh hưởng gì. Nhưng quan trọng hơn, quan niệm lâu đời của người dân ở nơi này người ta không xem chém lợn là dã man. Khái niệm dã man do một số người áp đặt cho nó, điều này tôi cho là chúng ta cần phải nhìn nhận thật kỹ.
Thử hỏi rằng, những nơi người ta giết mổ gia súc, người ta treo hàng trăm con lợn, con bò ở đó, như vậy có dã man, phản cảm không? Tại sao lại nói là lễ hội của người dân là phản cảm, dã man?
Tôi vẫn xin nhấn mạnh lại một lần nữa là chúng ta cần phải tôn trọng sự đa dạng văn hóa.
Vâng, xin cảm ơn ông!