(Tổ Quốc) - Đó là quan điểm của GS.TS Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường khi phát biểu tại Hội thảo Cải tạo chung cư cũ trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2021-2025 được tổ chức vào giữa tháng 4/2021.
Chính quyền địa phương phải có trách nhiệm chính
Theo TS Lê Xuân Rao - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Hà Nội, vấn đề cải tạo chung cư cũ trên địa bàn Thủ đô đang là thách thức, yêu cầu, và là một trong những nhiệm vụ được đề cập trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, thời gian qua, công tác cải tạo chung cư cũ trên địa bàn thành phố Hà Nội còn rất chậm.
Trao đổi về vấn đề này, KTS Phạm Thanh Tùng - Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, việc cải tạo chung cư cũ chính quyền địa phương phải có trách nhiệm chính, còn doanh nghiệp tham gia đóng góp có lợi nhuận.
"Lợi nhuận này được thừa hưởng ngay tại những khu chung cư sau cải tạo, hoặc những quỹ đất khác, nhưng trên tinh thần phải đảm bảo hài hòa lợi ích cho doanh nghiệp, người dân và chính quyền" - KTS Phạm Thanh Tùng nêu quan điểm.
Cũng theo vị KTS này, cần phải có chính sách cho các cư dân được rõ ràng, hài hòa theo hướng phần dôi ra so với diện tích tái định cư Nhà nước mua lại của doanh nghiệp và bán cho dân theo giá của người thu nhập thấp, chứ không phải giá thương mại.
Khi quy hoạch, thực hiện dự án cải tạo phải công khai, đảm bảo người dân phải nhận được những phiếu thăm dò và khẳng định chắc chắn họ sẽ nhận được những gì, sau khi dự án cải tạo được hoàn thành để lấy sự đồng thuận của người dân.
Phải tính đến việc xây dựng Luật Chung cư
Nói về vấn đề này, GS.TS Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, mấu chốt vẫn là lợi ích giữa nhà đầu tư và cư dân được chia sẻ thế nào. Thực tế cho thấy, thời gian qua có nhiều chủ đầu tư đã đề xuất phương án cải tạo, xây dựng lại, nhưng luôn có một số gia đình không chấp thuận khiến dự án lại đứng yên.
Cũng theo Nguyên Thứ trưởng Đặng Hùng Võ, muốn hay không thì việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ phải đối mặt với câu hỏi: "Liệu có bao nhiêu phần trăm hộ gia đình đồng thuận thì phương án mới được phê duyệt?". Trong khi đạt được 100% ý kiến đồng thuận là điều không thể".
GS.TS Đặng Hùng Võ cho biết, theo kinh nghiệm quốc tế, sự đồng thuận có thể xác định ở tỷ lệ 2/3 hay khoảng 70% là phù hợp, nhóm dưới 30% có ý kiến không đồng thuận sẽ bị Nhà nước thu hồi đất và giải quyết tái định cư đi nơi khác.
"Có một số ý kiến cho rằng, trong quan hệ thị trường mang tính dân sự thì phải 100% mới thỏa đáng. Quan niệm này không đúng, bởi ở đây là lợi ích chung của cộng đồng, cộng đồng quyết định theo đa số là phải lẽ" - GS.TS Đặng Hùng Võ nói.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Hùng Võ nêu quan điểm, giải pháp căn cơ nhất là phải tính đến việc xây dựng một Luật Chung cư dựa trên tầm nhìn dài hạn để giải quyết một cách toàn diện vấn đề phát triển. Điều quan trọng nhất là cần điều chỉnh chế độ sử dụng đất lâu dài hoặc có thời hạn đối với nhà chung cư.
"Nên quy định chế độ sử dụng đất có thời hạn bằng tuổi thọ tòa nhà chung cư. Đồng thời cũng quy định rõ chế độ sử dụng đất có thời hạn chỉ áp dụng với các chung cư hình thành kể từ khi luật có hiệu lực. Giải pháp này rất quan trọng vì nó sẽ cắt đứt nỗi lo cải tạo, xây dựng lại chung cư trong tương lai" - GS.TS Đặng Hùng Võ nhấn mạnh./.
Hiện nay, trên địa bàn Thành phố có 1.579 nhà chung cư cũ, có quy mô từ 2-5 tầng, chủ yếu được xây dựng từ năm 1960 đến cuối năm 1980, tập trung chủ yếu ở khu vực nội đô lịch sử. Phân loại theo Nghị định 101/2015/NĐ-CP về cải tạo xây dựng lại nhà chung cư, các chung cư cũ được chia thành 2 loại: Chung cư tập trung theo khu (75 khu với 1.273 chung cư) và chung cư riêng lẻ (306 chung cư). Các chung cư này chủ yếu tập trung tại các quận nội thành cũ là Ba Đình (214 nhà), Đống Đa (415 nhà), Hai Bà Trưng (244 nhà), Hoàn Kiếm (99 nhà). Ngoài ra, còn một số khu tại quận Thanh Xuân Hoàng Mai, Cầu Giấy…trong đó, nhà chung cư 4-5 tầng (nhà tập thể cũ) khoảng hơn 800 nhà.
Qua rà soát, phân loại, hiện có 200 nhà nguy hiểm cấp C, 137 nhà cấp B và 7 nhà thuộc diện nguy hiểm cấp D. Từ năm 2007 đến nay, Thành phố đã có 18 dự án chung cư cũ được xây dựng lại, đã đưa vào sử dụng (chiếm khoảng 1,14% tổng số nhà chung cư cũ cần cải tạo, xây dựng lại); 13 dự án triển khai theo quy định của Luật Nhà ở, Nghị định 101/2015/NĐ-CP. Sau thời gian sử dụng, các hộ dân ở các chung cư cũ đã tiến hành lấn chiếm, cơi nới không gian chung; mật độ xây dựng hầu hết tăng gấp đôi so với thiết kế ban đầu, dân cư tăng khoảng 1,5 lần.