(Tổ Quốc) - Năm nay ngoài 90 tuổi, cựu chiến binh Huỳnh Phương Bá (tổ 17 phường Hòa Thuận Tây, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng) vẫn miệt mài học chữ Hán - Nôm với mong muốn tiếp tục noi gương sáng cho con cháu, đồng thời nghiên cứu và truyền dạy những giá trị văn hóa cổ xưa của cha ông.
Ông Huỳnh Phương Bá yêu thích việc học từ nhỏ. Tất cả anh, chị em của ông đều được cha mẹ cho đi học từ Pháp ngữ đến Quốc ngữ. Khi có gia đình riêng, ông truyền cho con cháu tinh thần hiếu học bởi "cho con cái chữ thì không mất đi đâu".
Dạy chữ Hán - Nôm miễn phí
Ông Huỳnh Phương Bá kể, lớp dạy chữ Hán - Nôm do ông và một số sĩ quan hưu trí ở phường Hòa Thuận Tây (quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng) tổ chức từ nhiều năm trước. Nói đúng hơn, đây là Tổ tự học chữ Hán - Nôm xuất phát từ niềm yêu thích chữ Hán - Nôm của các cựu chiến binh.
Năm 2009, Tổ tự học chữ Hán - Nôm phát triển thành CLB Hán - Nôm quận Hải Châu; đến năm 2012 phát triển thành Trung tâm Hán - Nôm Đà Nẵng trực thuộc Hội Khuyến học TP. Đà Nẵng. Nhìn đứa con tinh thần thay chiếc áo mới và phong trào học chữ Hán - Nôm lan tỏa, ông Bá cũng như các cựu chiến binh ở phường Hòa Thuận Tây không giấu được niềm vui.
Hơn 10 năm qua, Trung tâm Hán - Nôm Đà Nẵng đã tổ chức 3 khóa dạy chữ Hán - Nôm miễn phí, thu hút hàng trăm học viên ở TP. Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam. Một số học viên khóa 1 và khóa 2 hiện đảm đương công việc giảng dạy chữ Hán - Nôm hoàn toàn miễn phí với mong muốn truyền đạt kiến thức về cổ văn được viết bằng chữ Hán và chữ Nôm để nhiều người có thể đọc và viết được những tấm biển, bia, lăng mộ, tài liệu của dòng tộc.
Ông Bá cho hay, sau 40 năm làm việc trong quân ngũ, năm 1990, ông nghỉ hưu với hàm Đại tá. Thời điểm ông về hưu, điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, con cái chưa trưởng thành.
Năm 1995, sau nhiều lần về thăm quê, bắt gặp nhiều câu viết chữ Hán ở nhà thờ, lăng mộ, các tài liệu còn lưu giữ nhưng không ai đọc và hiểu được, ông Bá có ý định học chữ Hán để giải nghĩa những bí ẩn đằng sau lớp chữ tượng hình đó. Suốt 10 năm, ông tự học, mày mò từ kiến thức cơ bản đến chuyên sâu. Đến khi cảm thấy cơ bản nắm vững kiến thức Hán - Nôm, đọc, hiểu, giải được nghĩa của từ, ông tuyên truyền, rủ nhiều người học cùng mình.
Trung tâm Hán - Nôm Đà Nẵng hiện có gần 100 hội viên, phần lớn là những người cao tuổi nhưng có chung niềm say mê tìm hiểu và nghiên cứu chữ Hán - Nôm.
Nay tuổi cao, ông Bá không tham gia đứng lớp nữa, nhưng hằng ngày ông vẫn ghi lại những đoạn Pháp văn, những từ Hán - Nôm mà ông còn băn khoăn, chưa hiểu để tra cứu, giải nghĩa cặn kẽ.
Ngoài việc lược dịch chữ Hán, ông Bá còn tham gia dịch tiếng Pháp các công trình sách "Cuộc khởi nghĩa Duy Tân", "Cuộc chiến đấu của Nguyễn Tri Phương" cho TP. Đà Nẵng. Ông cũng dịch lại các bài báo do người Pháp viết về quần đảo Hoàng Sa từ những năm 20 của thế kỷ XX và tặng các tài liệu này cho Nhà trưng bày Hoàng Sa (TP. Đà Nẵng).
Ông Bá tâm sự: "Tri thức là tài sản vô cùng quý giá. Khi lập gia đình, có hai người con, tôi luôn hướng các con phải yêu quý sách và xem trọng việc học. Giờ tôi tuổi cao rồi, trí nhớ giảm sút nhưng còn đọc được, còn học được thì tôi vẫn đọc, vẫn học". Người con trai út của ông, Tiến sĩ Huỳnh Phương Nam (sinh năm 1978), vừa được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng).
Kỷ vật thiêng liêng
Trò chuyện với ông Huỳnh Phương Bá, nhắc đến chuyện tình yêu của ông với bà Vương Thị Tiệng - người vợ đã khuất, mắt ông rưng rưng.
Ông kể: Lúc 19 tuổi, ông đã rời quê ở xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Suốt 40 năm trong binh nghiệp, kinh qua nhiều vị trí, ông đã đi khắp các mặt trận, tập kết ra Bắc, chiến đấu ở nước bạn Lào, hoạt động khắp chiến trường khu V...
Năm 1960, ông Bá yêu rồi kết hôn với bà Vương Thị Tiệng (quê huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An). Nhưng rồi vì nhiệm vụ, ông xa vợ đằng đẵng 13 năm.
Trong quãng thời gian đó, ông đã viết hàng trăm lá thư cho vợ với lời lẽ yêu thương, động viên. Hầu hết trong lá thư nào ông cũng bày tỏ tình yêu quê hương, đất nước và mong chờ ngày hòa bình để đoàn tụ gia đình.
Những bức thư là minh chứng cho câu chuyện tình yêu sắt son của họ. Hơn thế nữa, nhưng dòng chữ được viết tay ấy chính là cuốn hồi ký, thước phim tài liệu sống động về những con người biết sống xa nhau khi Tổ quốc cần. Những bức thư đó sau này được ông đánh máy, đóng tập cẩn thận và tặng lại cho các con để lưu giữ một kỷ vật thiêng liêng.
Tiếp chúng tôi trong căn nhà khá rộng, được bày trí giản đơn, ông Bá giới thiệu một căn phòng toàn sách, trong đó có bộ sách "Văn kiện đại hội Đảng" qua các thời kỳ, "Hồ Chí Minh toàn tập", "Lê-nin toàn tập", "Đại Việt Sử ký toàn thư"; ngoài ra còn có 17 cuốn "Từ điển Hán - Nôm", hàng trăm cuốn Pháp văn và nhiều sách văn học… Ông bảo đó là "gia tài" mà ông luôn trân quý. Và khi nói về sách, ông trò chuyện, lý giải một cách say sưa…
Với ông Bá, chuyện học chưa bao giờ dừng lại…
Phúc An
*Vụ Gia đình, Bộ VHTTDL thực hiện