(Tổ Quốc) - "Với tư cách là một công dân, tôi rất cảm ơn lực lượng báo chí đã đi đầu trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tha hóa. Thông qua báo chí, bức tranh chung của đất nước về kinh tế, chính trị, xã hội được thể hiện rõ nét", Thiếu tướng, PGS.TS. Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an) nhận định.
- 16.06.2019 Giới thiệu 2 tập sách viết về "Lịch sử các chế độ báo chí ở Việt Nam"
- 15.06.2019 Gần 100 bức ảnh sẽ được trưng bày tại Triển lãm ảnh báo chí Dấu Ấn 2019
- 14.06.2019 Thủ tướng yêu cầu làm rõ việc báo chí phản ánh Thanh tra Bộ Xây dựng "vòi tiền"
- 18.05.2019 Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập, người thầy của nền báo chí Cách mạng Việt Nam
Thiếu tướng, PGS.TS. Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an) (Nguồn: VTC.vn)
Thiếu tướng, PGS. TS Lê Văn Cương cho biết ông luôn dành thời gian hàng ngày để đọc báo, gồm cả báo giấy, báo mạng...Thời gian qua, ông cũng đã sát cánh cùng báo chí trong một số sự việc nổi cộm, được dư luận xã hội hết sức quan tâm.
Nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6), ông đã chia sẻ với Báo Điện tử Tổ Quốc những suy nghĩ của mình đối với vai trò, trách nhiệm của báo chí.
-Ông nhận định như thế nào về hoạt động của báo chí trong thời gian gần đây?
+ Báo hình, báo nói, báo viết, truyền hình… trong thời gian vừa qua đã phát huy tinh thần tích cực, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Trong nhiều trường hợp, nhiều lĩnh vực, báo chí đã thực hiện được vai trò dẫn dắt tư tưởng không chỉ là phổ biến đường lối chính sách của nhà nước mà còn dẫn dắt tư tưởng dư luận xã hội theo định hướng đúng. Tôi cho rằng đây là vai trò hết sức quan trọng của báo chí.
Trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng tha hóa báo chí cũng là lực lượng đi đầu, tiên phong. Dư luận của người dân đối với báo chí là tích cực. Với tư cách là một người dân tôi đánh giá rất tích vực về vai trò của báo chí trong sự nghiệp xây dựng bảo vệ tổ quốc, đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của đất nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, báo chí còn một số việc trong một số trường hợp làm chưa tốt, kể cả báo hình. Vẫn còn những hạt sạn. Do vậy, để hạn chế, tôi cho rằng cần phải có giám sát chặt chẽ. Tôi muốn gửi đến những người làm báo, hãy phát huy vai trò tích cực của mình.
Với báo mạng, tôi cho rằng, ngày nay, mạng internet là một thành tựu vĩ đại của loài người, làm cho không gian vật lý không còn giá trị, ngồi cách xa hàng nghìn km vẫn có thể kết nối với nhau. Vì thế, với báo mạng, tôi đề nghị cơ quan quản lý nhà nước đặc biệt quan tâm đến báo mạng, đảm bảo môi trường mạng đảm bảo, sạch sẽ.
-Theo quan điểm của ông, báo chí đã đóng góp như thế nào trong công cuộc phòng chống tham nhũng thời gian qua?
+ Trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng tha hóa, tự diễn biến, tự chuyển hóa, đấu tranh khắc phục tình trạng quan liêu, lãng phí, tham nhũng, tha hóa quan chức… thì tôi đánh giá rất cao vai trò của báo chí. Đây là mảng tốt, sáng nhất, đẹp nhất của báo chí thời gian qua.
Một số vụ việc, báo chí đã đi trước và sau đó thì các cơ quan mới đi sau, vào cuộc. Vừa qua, hàng trăm vụ tham nhũng, lãng phí, quan liêu nếu không có báo chí, với tư cách là một công dân Việt Nam tôi cho rằng, trừ công an, cảnh sát, tòa án… thì người dân không biết gì cả. Với tư cách là một độc giả, tôi thấy mình được hưởng thụ rất nhiều thông tin mà báo chí mang lại. Thông qua báo chí, bức tranh chung của đất nước về kinh tế, chính trị, xã hội được thể hiện rõ nét. 90% thông tin người dân thu được thông qua báo chí. Một lần nữa tôi rất cảm ơn lực lượng báo chí đã đi đầu trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tha hóa.
Đúng với tư tưởng Hồ Chí Minh, báo chí là một mặt trận. Phóng viên, biên tập viên… là những chiến sĩ xung kích trên mặt trận đó. Trong lĩnh vực đấu tranh phòng chống tham nhũng, xây dựng Đảng báo chí đã phát huy vai trò rõ nhất, xung kích đi đầu. Tôi đánh giá rất cao điều này và đánh giá cao những thành tựu của báo chí.
-Cá nhân ông ấn tượng nhất đối với trường hợp cụ thể nào mà báo chí đã thực hiện?
+Như tôi đã nói, tôi đánh giá cao nhất đóng góp của báo chí trong lĩnh vực chống tham nhũng. Báo chí cũng đã vào cuộc trong tất cả các lĩnh vực, kể cả những lĩnh vực được coi là nhạy cảm như: công an, quốc phòng, xử lý các quan chức...
Ngoài ra, báo chí cũng đã thẳng thắn đưa tin về các vụ việc liên quan đến một số cán bộ cao cấp ở các bộ ngành, địa phương. Người dân cũng rất hoan nghênh về vai trò của báo chí trong những hoạt động này. Trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục, báo chí cũng đã đi đầu phát hiện ra vấn đề. Đặc biệt, lưc lượng báo chí đã đi thẳng vào kênh mà người ta đang lợi dụng tối đa, đó là kênh tài chính – ngân hàng, giao thông, xây dựng. Đối với các lĩnh vực này, báo chí đã phát hiện rất nhiều vấn đề.
Riêng cá nhân tôi, đề nghị báo chí kết hợp chặt chẽ hơn nữa với Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ để thông tin. Tôi nghĩ rằng, báo chí phải là bạn đồng hành của các cơ quan này để phát huy tốt hơn nữa vai trò đấu tranh chống tham nhũng.
-Như ông đã nói, báo chí có vai trò hết sức quan trọng. Vậy theo ông, cần phải làm gì để báo chí tiếp tục phát huy tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội, đặc biệt là trong thời gian tới công cuộc phòng chống tham nhũng còn rất dài và gian nan?
+ Để tạo điều kiện cho báo chí hoạt động, thể hiện đúng vai trò chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói, tôi cho rằng cơ quan hành pháp, Chính phủ, các bộ ngành phải hoạt động công khai, minh bạch. Không công khai minh bạch thì sẽ không có sân cho báo chí tác nghiệp. Trong khoảng tự do đấy mà nhà báo nào lợi dụng để làm điều không đúng thì cần phải xử lý nghiêm.
Theo tôi, khi công khai minh bạch, báo chí sẽ vào cuộc tham gia vào phản biện tích cực. Công khai minh bạch là tiêu chuẩn số một, trừ những bí mật quốc gia. Ví như những dự án của Bộ Giao thông – Vận tải thì có gì mà phải nhạy cảm, dự án Nhà máy điện có gì mà nhạy cảm, mà không công khai? Cùng với đó, tôi cho rằng, công tác cán bộ của Đảng cũng phải công khai minh bạch. Tham nhũng quyền lợi là tham nhũng nguy hại nhất.
Các cơ quan cũng phải nghiêm túc thực hiện Luật Báo chí, không được ngăn báo chí tác nghiệp. Vừa rồi có một số vụ nhà báo bị hành hung.. tôi cho rằng cần phải xử lý nghiêm. Thêm nữa, tôi cho rằng, cần mở rộng tác nghiệp của nhà báo ra quốc tế.
Về phía nhà báo, tôi nhấn mạnh vấn đề đạo đức nhà báo. Tác nghiệp, đưa tin trong sáng. Một bài báo mà sai lầm thì tác động đến cả chục triệu người. Vì thế, nhà báo phải luôn rèn luyện đạo đức trong sáng, là một chiến sĩ dũng cảm… Nhà báo có tâm sáng, quyết đoán, có dũng khí thì chắc chắn sẽ hoàn thành tốt nhiệm những vụ đặt ra.
-Xin cảm ơn ông!