(Tổ Quốc) - Sáng nay (27/4), Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Báo cáo kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em” theo Nghị quyết số 81/2019/QH14 ngày 14/6/2019 của Quốc hội.
Đối tượng xâm hại trẻ em là người thân, ruột thịt có xu hướng gia tăng
Theo báo cáo của Chính phủ, trong giai đoạn từ năm 2015 – 2019, có 8.442 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện, xử lý với 8.709 trẻ bị xâm hại. Trong đó, 6.432 trẻ bị xâm hại tình dục, 857 trẻ bị bạo lực và 106 trẻ bị mua bán, bắt cóc, chiếm đoạt…
Trong các vụ xâm hại này thì phổ biến nhất, để lại hậu quả nặng nề và gây bức xúc dư luận nhất là xâm hại tình dục, chiếm 75,4% tổng số vụ xâm hại trẻ em. Nhiều địa phương, số vụ xâm hại tình dục trẻ em chiếm trên 90% như: Hậu Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Đồng Nai...
Một điểm đáng lưu ý, qua giám sát tại một số địa phương cho thấy, đối tượng xâm hại trẻ em là người ruột thịt, người thân thích và người quen biết với trẻ có xu hướng gia tăng, chiếm trên dưới 90%.
Số liệu từ Chính phủ cũng cho thấy, trong giai đoạn này có 337 trẻ bị tử vong (trong đó: 191 trẻ bị giết, 146 trẻ bị các hình thức xâm hại khác dẫn đến tử vong); 418 trẻ có thai do bị xâm hại tình dục; 193 trẻ bị rối loạn tâm thần.
"Còn nhiều trường hợp trẻ em bị xâm hại nhưng chưa được phát hiện kịp thời, đầy đủ để xử lý, nhất là các hành vi bạo lực gây tổn hại về thể chất và tinh thần cho trẻ em. Đồng thời, công tác theo dõi, thống kê tình hình trẻ em bị xâm hại cũng chưa được quan tâm đúng mức. Từ đó dẫn đến, số vụ xâm hại trẻ em được phát hiện và xử lý nêu trong các báo cáo chưa phản ánh đầy đủ tình hình thực tế", báo cáo nêu rõ.
Có những vụ trẻ em bị bạo lực, kêu khóc hàng ngày mà chính quyền không biết
Thảo luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, trẻ em bị cưỡng bức lao động rất đáng chú ý vì theo Đoàn Giám sát thì đây là số liệu lớn nhất. Tiếp đó là đến xâm hại tình dục trẻ em, bạo lực đối với trẻ em.
"Quan trọng là bảo vệ trẻ em để tình trạng xâm hại không xảy ra nữa, có những vụ trẻ em bị bạo lực, kêu khóc hàng ngày mà chính quyền không biết, nhà trường không biết. Vì vậy, phải nhấn mạnh đến trách nhiệm của chính quyền cấp cơ sở" - Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh.
Đồng quan điểm này, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng, phải đánh giá thêm về công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý của cơ quan chức năng, nhất là vai trò chính quyền cơ sở. "Trên thực tế, nhiều vụ việc chỉ được phát hiện và xử lý khi báo chí phản ánh, khi có hậu quả xảy ra hay tố cáo. Chỉ sau khi đó thì chính quyền, cơ quan chức năng mới biết." – Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nói.
Theo Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, hiện có một vấn đề đó là chưa chỉ rõ trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra xâm hại trẻ em.
Cũng theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, việc xâm hại xảy ra mọi chỗ, mọi thời gian nhưng chúng ta mới đang đi quản lý ban ngày nhưng việc xảy ra ban đêm, trong bóng tối. Ví dụ một đối tượng bảo vệ xâm hại 2 - 3 trẻ em ngay tại nhà trường nhưng trách nhiệm của hiệu trưởng đến đâu vẫn chưa xử lý.
Tuyên truyền về phòng chống xâm hại trẻ em chưa đến được người xấu
Trước thực trạng trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng, cần nâng cao vai trò, trách nhiệm trong công tác tuyên truyền, giáo dục, nhất là về Luật Trẻ em. Trong đó, nên có nhiều biện pháp tuyên truyền, kể cả qua mạng xã hội.
"Không biết luật thì làm sao thực hiện đúng luật, không nắm rõ quy định thì vi phạm luật, thực hiện không đúng là tất yếu" – Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng cho rằng, thời gian qua, việc tuyên truyền về phòng chống xâm hại trẻ em dù rộng nhưng chủ yếu mới đến người tốt, chứ chưa đến được người xấu. Thứ hai nữa là chưa thẩm thấu được vì vẫn chưa nắm được những quy định cơ bản của Luật.
Nhấn mạnh về việc hướng dẫn các em phòng tránh xâm hại thế nào rất quan trọng, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị cần đưa ra giải pháp cụ thể, từng vùng, từng nơi để mọi người tiếp cận dễ dàng.