• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tỷ lệ lao động bỏ trốn tại Hàn Quốc đã giảm xuống dưới 30%

Thời sự 06/06/2023 12:59

(Tổ Quốc) - Tiếp theo chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 5, sáng 6/6, Quốc hội đã tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung là Bộ trưởng đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội.

Đề nghị có giải pháp cho tình trạng lao động Việt Nam xuất khẩu rồi bỏ trốn, làm ảnh hưởng đến hình ảnh quốc gia - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn các đại biểu

Tỷ lệ lao động bỏ trốn tại Hàn Quốc đã giảm xuống dưới 30%

Chất vấn Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, đại biểu Trần Quang Minh (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình) đề nghị có giải pháp để giảm thiểu tối đa tình trạng lao động Việt Nam bỏ trốn khi xuất khẩu lao động nước ngoài.

Theo đại biểu, việc lao động Việt Nam bỏ trốn khi tham gia xuất khẩu lao động nước ngoài làm ảnh hưởng đến hình ảnh quốc gia, ảnh hưởng đến cơ hội việc làm của nhiều lao động đang có ý định tham gia xuất khẩu lao động ở nước ngoài.

Đề nghị có giải pháp cho tình trạng lao động Việt Nam xuất khẩu rồi bỏ trốn, làm ảnh hưởng đến hình ảnh quốc gia - Ảnh 2.

Đại biểu Trần Quang Minh (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình) đặt câu hỏi chất vấn

Mặc dù đã có chế tài nhưng tình trạng này vẫn diễn ra ở một số nước có thị trường xuất khẩu lao động khá sôi động. Từ đó, đại biểu Trần Quang Minh đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp gì để giảm thiểu tối đa tình trạng này.

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, đối với tình trạng bỏ trốn ở nước ngoài thì có bộ phận lao động ở lại, không về nước đúng thời gian và tiến độ.

Theo ông Đào Ngọc Dung, ở thời điểm này, thực trạng được nêu không bức xúc bằng thời điểm năm 2017. Khi đó, tỉ lệ lao động bỏ trốn ở Hàn Quốc là hơn 52% và nước bạn đã phải dừng toàn bộ chương trình EPS (đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài) đối với Việt Nam.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, sau 4 năm kiên trì thực hiện các giải pháp từ ký quỹ, trục xuất, xử lý hình sự (với tất cả các quốc gia chứ không riêng Việt Nam), đến thời điểm này, Bộ đang tạm dừng 18 huyện của 9 tỉnh có tỉ lệ người lao động ở lại nhiều.

Bộ trưởng thông tin thêm, đến thời điểm này, ở Hàn Quốc chỉ còn 24,6% tỉ lệ lao động bỏ trốn, thuộc diện thấp. Phía Hàn Quốc yêu cầu nếu dưới 30% sẽ gỡ bỏ các hạn chế.

Đặt câu hỏi chất vấn, đại biểu Bố Thị Xuân Linh (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận) cho biết, báo cáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 5 này, đánh giá về quy mô lao động việc làm tại nhiều địa phương trong cả nước vẫn còn mất cân đối lớn, thị trường phục hồi chậm dẫn đến tình trạng một bộ phận người lao động gặp nhiều khó khăn như thiếu việc làm, sức lao động chưa được tận dụng, phát huy và khai thác hợp lý dẫn đến việc di chuyển nguồn lao động từ địa phương này đến địa phương khác còn ở mức cao, chi phí sức lao động lớn song hiệu quả lao động vẫn còn thấp và lãng phí.

Đại biểu Bố Thị Xuân Linh đề nghị Bộ trưởng có giải pháp gì để giải quyết các vấn đề nêu trên.

Đề nghị có giải pháp cho tình trạng lao động Việt Nam xuất khẩu rồi bỏ trốn, làm ảnh hưởng đến hình ảnh quốc gia - Ảnh 3.

Đại biểu Bố Thị Xuân Linh (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận) chất vấn Bộ trưởng

Trả lời chất vấn đại biểu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu rõ, quy mô lao động của nước ta rất lớn. Thời gian vừa qua, tình trạng thiếu việc làm đã xuất hiện. Bình quân tỉ lệ thất nghiệp của chúng ta quý 1 là 2,25%.

Nhìn lại cách đây hơn 1 năm, khi đó diễn đàn kinh tế thế giới xếp nước ta vào nhóm top 5 về tỉ lệ thất nghiệp. Nhưng đến thời điểm này, tỉ lệ thất nghiệp của nước ta có gia tăng hơn. Nếu so với thế giới, tỉ lệ thất nghiệp này ở ngưỡng thấp.

Theo ông Đào Ngọc Dung, số người mất việc làm, giãn việc, thiếu việc do cắt giảm đơn hàng là khoảng 506.000 người (cập nhật đến ngày 26/5), trong đó có khoảng 270.000 người mất việc.

"Có nhiều nguyên nhân như cắt giảm đơn hàng, tái cơ cấu sản xuất, thay đổi về lực lượng lao động và thực hiện giải quyết chính sách với Bộ Luật Lao động" - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói về nguyên nhân của tình trạng trên.

Lao động bị lừa đi xuất khẩu lao động hầu hết do công ty "ma"

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương) đặt câu hỏi về giải pháp khắc phục tình trạng lãng phí trong đào tạo trung cấp nghề.

Theo đại biểu, báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có nêu, phần lớn các trường cao đẳng, trung cấp trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp đều tuyển sinh đào tạo cho đối tượng học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở.

Tuy nhiên, có một thực trạng là nhiều học sinh tốt nghiệp THCS lại không thi được vào các trường THPT công lập, nên chọn học các trường trung cấp này chỉ với mục đích là có tấm bằng tốt nghiệp THPT rồi lại tiếp tục thi vào các trường đại học. Như vậy là có sự lãng phí không hề nhỏ trong đào tạo trung cấp nghề.

Đề nghị có giải pháp cho tình trạng lao động Việt Nam xuất khẩu rồi bỏ trốn, làm ảnh hưởng đến hình ảnh quốc gia - Ảnh 4.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương)

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết có khảo sát cụ thể về vấn đề này chưa và giải pháp của bộ để khắc phục trong thời gian tới.

Thứ hai, trong những năm qua, tỉ số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài tăng rất nhanh. Tuy nhiên, số lao động bị lừa đi xuất khẩu lao động dưới nhiều hình thức cũng khá nhiều, gây rất nhiều hậu quả nghiêm trọng. Nguyên nhân của tình trạng vừa nêu theo bộ trưởng là gì và những giải pháp khắc phục của bộ trưởng trong thời gian tới?

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay, việc thu hút học sinh vào trường nghề không phải dễ. Gần đây, tại sao số học trung cấp nghề tăng lên là bởi chúng ta áp dụng một nguyên tắc, phương pháp mới là 9+ và mô hình Kosen của Nhật Bản - tức là học sinh sau khi tốt nghiệp THCS thì vào thẳng trường nghề.

Bộ trưởng cho biết, các em vừa học nghề, vừa học văn hoá, khi các em ra trường, vừa có bằng nghề, vừa có bằng tốt nghiệp THPT.

"Điều này có lãng phí không, chúng tôi cho rằng không lãng phí, việc chúng ta vừa học nghề, vừa học văn hóa sẽ rút ngắn thời gian và có lẽ thích ứng hơn, tạo điều kiện cho các em khi ra trường có thể đi làm luôn”, ông Đào Ngọc Dung nói.

Đối với vấn đề số lao động của Việt Nam đi nước ngoài tăng nhưng có nhiều trường hợp bị lừa, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, số lao động Việt Nam đi nước ngoài của chúng ta trong năm 2022 là 142.000 người. Số này đi theo Luật Người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài, được các công ty, doanh nghiệp được cấp phép của Việt Nam đưa đi.

Hiện nay, có 482 doanh nghiệp được cấp phép và số lao động đi qua hình thức này thì ít bị lừa. Phần đông số bị lừa đều là do công ty ma, công ty không được cấp phép, hoặc lừa đảo, trá hình; những trường hợp này, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã phối hợp với cơ quan chức năng, địa phương xử lý rất nhiều. Một số trường hợp, công ty được cấp phép cũng lừa đảo, lừa đảo cả hai đầu (lừa đi và lừa đến).

“Thời gian qua, chúng tôi đã xử lý, xử phạt nhiều. Trong năm 2022, thanh tra xử lý, xử phạt 62 doanh nghiệp, phạt tiền; 4 doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin, đồng thời cho biết để xử lý phải tiến hành đồng bộ các giải pháp như tuyên truyền, xử lý vi phạm, thanh kiểm tra./.




Thế Công - Xuân Trường

NỔI BẬT TRANG CHỦ