(Tổ Quốc) - Ngày 2/4, Bệnh viện Trung ương Huế cho biết vừa thực hiện thành công ca phẫu thuật vi phẫu bằng ứng dụng camera 3D phóng đại điều trị dập nát hoàn toàn bàn tay cho một bệnh nhân 16 tuổi.
Trước đó, bệnh nhân Đàm Văn H. 16 tuổi (trú tại huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) được đưa đến BVTƯ Huế cấp cứu trong tình trạng chấn thương do bị máy xay cuốn vào vùng cẳng tay phải gây tổn thương dập nát, hư hại hoàn toàn phần mềm và xương vùng cẳng – bàn tay phải của bệnh nhân.
Trước tình trạng chấn thương nặng và cân nhắc bệnh nhân đang còn tuổi vị thành niên, các bác sỹ cố gắng hết sức bảo tồn tối đa vùng xương và phần mềm vùng cẳng – bàn tay của bệnh nhân.
Các bác sỹ tiến hành phẫu thuật làm vạt nối vi phẫu mạch máu nhánh xuyên che phủ khuyết hỗng phần mềm cho bệnh nhân.
Bệnh nhân được xử lý cấp cứu, cầm máu và cắt lọc vết thương và để một vùng khuyết hỗng tại vị trí 1/3 trên cẳng tay phải, lộ 2 xương cẳng tay mà không chủ đích cắt lọc đến vị trí cao hơn để có thể tạo được vùng da che phủ được khuyết hỗng nhằm mục đích tạo điều kiện làm chi tay giả cho bệnh nhân, thuận lợi cho cuộc sống sinh hoạt lâu dài về sau.
Sau lần xử lý cấp cứu đến nay, bệnh nhân đã tiếp tục trải qua 2 lần phẫu thuật thiết lập hệ thống VAC (vacuum assisted closure) trên vết thương nhằm giữ vùng khuyết hỗng sạch sẽ, làm cơ sở thuận lợi để thực hiện 1 cuộc phẫu thuật đặc biệt khác là phẫu thuật làm vạt nối vi phẫu mạch máu nhánh xuyên che phủ khuyết hỗng phần mềm. Đây là một phẫu thuật khó, đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận và cần thiết có sự hỗ trợ của kính vi phẫu thuật.
Ca phẫu thuật được TS BS Hồ Mẫn Trường Phú đảm nhiệm phẫu thuật viên chính đã quyết định ứng dụng kính vi phẫu Vtom 3D, lần đầu tiên được thực hiện tại Huế.
Theo bác sĩ Hồ Mẫn Trường Phú, hệ thống kính vi phẫu Vtom là hệ thống công nghệ hình ảnh học 3 chiều (3D) hiện đại với nhiều đột phá trong công nghệ hình ảnh hiện nay bắt kịp với xu hướng phát triển của thế giới.
Hệ thống này có nhiều ưu điểm như: trực tiếp tái tạo hình ảnh trong phẫu trường chi tiết và có chiều sâu giúp xác định rõ về mặt giải phẫu; hình ảnh có thể được phóng đại cực lớn, được hiển thị trên các màn hình lớn hỗ trợ cho cả ê-kíp phẫu thuật cùng nhìn thấy để cùng nhau hỗ trợ tốt hơn cho cuộc mổ; dễ dàng trong thao tác điều hướng camera theo yêu cầu của phẫu thuật viên…
"Việc lần đầu tiền ứng dụng kỹ thuật hiện đại này đã giúp làm giảm thời gian phẫu thuật, thời gian gây mê toàn thân nhưng vẫn đảm bảo các thao tác phẫu thuật được thực hiện chuẩn xác từng mi-li-mét một. Ca phẫu thuật được hoàn thành một cách suôn sẻ sau 4 tiếng, đến nay tất cả các thông số chuyên môn của bệnh nhân đều được bảo đảm tốt", bác sỹ Phú cho biết.