(Tổ Quốc) - Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghệ lần thứ 4 đang tác động mạnh mẽ, sâu sắc đến hầu hết các ngành, lĩnh vực.. thì việc ứng dụng công nghệ tiên tiến và thương mại điện tử hỗ trợ phát triển du lịch là nhu cầu bức thiết.
Sáng ngày 27/9, Tổng cục Du lịch (Bộ VHTTDL) và Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đã ký kết thỏa thuận hợp tác về ứng dụng công nghệ tiên tiến và thương mại điện tử hỗ trợ phát triển du lịch.
Phát biểu tại Lễ ký kết, ông Hà Văn Siêu – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, giai đoạn 2015-2018, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng đột phá từ 7,9 triệu lượt năm 2015 lên 15,5 triệu lượt năm 2018, tăng 1,95 lần, đạt tốc độ tăng trưởng trung bình 25%/năm. Đây là tốc độ tăng trưởng cao hàng đầu thế giới theo đánh giá năm của Tổ chức du lịch thế giới (UNWTO). Du lịch Việt Nam đóng góp khoảng 8,39 GDP cả nước tạo khoảng hơn 1 triệu việc làm trực tiếp và gần 2 triệu việc làm gián tiếp.
"Du lịch góp phần quan trọng trong việc khơi dậy các tiềm năng văn hoá, tự nhiên, kích thích sự sáng tạo, tạo ra cơ hội phát triển đồng đều cho các khu vực, các nhóm dân cư khác nhau vì mục tiêu phát triển bao trùm và bền vững.
Tổng cục Du lịch (Bộ VHTTDL) và Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) ký kết thỏa thuận hợp tác về ứng dụng công nghệ tiên tiến và thương mại điện tử hỗ trợ phát triển du lịch. Ảnh: Hà Giang
Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghệ lần thứ 4 đang tác động mạnh mẽ, sâu sắc đến hầu hết cách ngành, lĩnh vực, việc ứng dụng công nghệ tiên tiến và thương mại điện tử hỗ trợ phát triển du lịch là nhu cầu bức thiết", Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nhấn mạnh.
Sự kiện hợp tác giữa du lịch và thương mại điện tử trong nền kinh tế số nhấn mạnh thông điệp chính thức của Tổng Thư ký Tổ chức Du lịch thế giới Zurab Pololikashvili: "Công nghệ mới ngày nay đang làm thay đổi cách chúng ta đi du lịch, đồng thời thay đổi cách chúng ta làm việc. Ngành du lịch đang dẫn đầu trong việc đem lại cho người lao động những kỹ năng và kiến thức người lao động cần cho tương lai. Với tinh thần sáng tạo, sự hợp tác hiệu quả với các đối tác trong lĩnh vực công nghệ và giới nghiên cứu, chúng ta có thể tạo thêm nhiều việc làm tốt đẹp hơn".
Có thể nói, du lịch và thương mại có mối quan hệ gắn bó, khăng khít, nhất là liên quan đến hoạt động tiêu dùng, thanh toán của du khách khi trải nghiệm các sản phẩm, dịch vụ du lịch tại điểm đến. Thời gian qua, Tổng cục Du lịch và Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã có một số hoạt động trao đổi, hợp tác thúc đẩy thương mại điện tử và phát triển một số ứng dụng cụ thể trong lĩnh vực giao dịch, thanh toán điện tử.
Theo đó, tại Lễ ký kết, hai bên đã cam kết thúc đẩy triển khai chương trình "Một thẻ quốc gia" trong lĩnh vực du lịch trên phạm vi toàn quốc cùng với các giải pháp ứng dụng và dịch vụ trên nền tảng hệ sinh thái thẻ thông minh và thương mại điện tử.
"Thẻ Việt – Một quốc gia" là một trong những sản phẩm cốt lõi của Chương trình Phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2014 -2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 689/QĐ-TTg ngày 11/5/2013, được Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các ngành, lĩnh vực: Y tế, thương mại, du lịch, giao thông, giáo dục... nhằm đưa thẻ quốc gia tích hợp nhiều tính năng thông minh ứng dụng trong các lĩnh vực dịch vụ công cộng, dịch vụ xã hội.
Với tính năng của thẻ, khách du lịch có thể tra cứu thông tin du lịch, thông tin hướng dẫn viên, đánh giá hướng dẫn viên, đánh giá công ty lữ hành, tính năng thanh toán, dịch vụ du lịch, y tế…
Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số chia sẻ, cuộc sống của con người trở nên thuận lợi hơn, mọi giao tiếp được xóa bỏ các ranh giới về không gian địa lí, mọi giao dịch được "số hóa" đã tiết kiệm được rất nhiều chi phí cả về thời gian lẫn vật chất. Một trong những ngành được hưởng lợi nhiều nhất từ việc ứng dụng công nghệ số và thương mại điện tử là ngành du lịch, hay còn gọi là du lịch trực tuyến.
"Lễ ký kết ngày hôm nay sẽ là cơ hội để các đơn vị chủ trì, triển khai chương trình chia sẻ, giới thiệu các kế hoạch, giải pháp, đồng thời cũng là cơ hội để các doanh nghiệp trao đổi, làm rõ tính ứng dụng, và khả thi của chương trình. Thông qua đó, chúng tôi sẽ nghiêm túc tiếp thu các góp ý, nhằm phát triển hoàn thiện hơn giải pháp, cũng như các phần mềm, dịch vụ vệ tinh xung quanh", ông Đặng Hoàng Hải khẳng định.