• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Ứng dụng giao hàng và dịch Covid-19 thúc đẩy nền kinh tế chia sẻ Trung Quốc phát triển ra sao?

Kinh tế 05/05/2020 09:18

(Tổ Quốc) - Dịch Covid-19 sẽ làm thay đổi thói quen tiêu dùng của người Trung Quốc mãi mãi và thị trường lao động tại đây cũng sẽ không còn như trước.

Trong thời điểm Trung Quốc cách ly vì dịch Covid-19, rất nhiều khu chung cư tại Thượng Hải cho lắp đặt những dãy hộp sắt ngay dưới tầng 1. Theo quy định, người dân không được ra ngoài và cũng không cho phép người lạ vào trong, nhưng các gia đình cần mua sắm và những hộp sắt này là nơi chứa các mặt hàng đặt mua trực tuyến. Chúng chất đầy những hộp thuốc, gạo, bột mỳ, dầu ăn hay rau củ quả.

Kể từ khi tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc phải cách ly từ cuối tháng 1/2020, các ứng dụng giao hàng đã phải làm việc hết công suất để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của các hộ gia đình bị cách ly tại gia. Thậm chí cho đến tháng 3 khi lệnh cách ly được nới lỏng và nhiều hàng quán được mở lại, người tiêu dùng vẫn e ngại và ưa thích mua trực tuyến hơn ra ngoài cửa hàng.

Ứng dụng giao hàng và dịch Covid-19 thúc đẩy nền kinh tế chia sẻ Trung Quốc phát triển ra sao? - Ảnh 1.

Trên thực tế ngay cả trước khi dịch Covid-19 diễn ra, nền kinh tế chia sẻ (Gig Economy) và các ứng dụng giao hàng tại Trung Quốc đã được ứng dụng với mức độ mà nhiều quốc gia phát triển phải ngước nhìn. Những yếu tố như nhân công giá rẻ, tầng lớp trung lưu nhiều, tỷ lệ người dùng smartphone cao… đã thúc đẩy thương mại điện tử cùng kinh tế chia sẻ.

Tại Trung Quốc, mọi người có thể dễ dàng mua được mọi thứ, từ một cốc cà phê cho đến rượu ngoại chỉ trong vòng 30 phút mà chẳng phải bước chân ra khỏi cửa. Những ứng dụng giao hàng như Ele.me hay Meituan Dianping trở nên vô cùng phổ biến và có tới hơn 400 triệu người dân Trung Quốc, tương đương gần 50% tổng số người tiếp cận được với Internet tại đây phụ thuộc vào các ứng dụng này.

Thậm chí, những người giao hàng còn được đặt biệt danh "Waimai Xiaoge" vì độ phổ biến trong xã hội. Nhiều người thường xuyên mua món ăn qua mạng và nhận chúng khi vẫn còn nóng hổi đã đùa rằng giờ đây những người giao hàng chẳng khác "cha mẹ" của mình vậy.

Đến khi dịch Covid-19 bùng phát, các ứng dụng giao hàng và nền kinh tế chia sẻ thậm chí còn bùng nổ ác liệt hơn. Trước đây phần lớn những người mua online chủ yếu là các mặt hàng món ăn, đồ điện tử hay may mặc thì giờ đây, người dân mua hàng trực tuyến hầu như mọi thứ vì phải ở nhà.

Chính nhờ sự bùng nổ này mà một lượng lớn người lao động mất việc do dịch Covid-19 vẫn có thu nhập khi chuyển qua làm người vận chuyển cho các ứng dụng. Lực lượng vận chuyển này đã góp phần xây dựng nên ngành kinh doanh giao đồ ăn 46 tỷ USD tại Trung Quốc. Con số này hiện cao nhất thế giới và gấp đôi Mỹ.

Ứng dụng giao hàng và dịch Covid-19 thúc đẩy nền kinh tế chia sẻ Trung Quốc phát triển ra sao? - Ảnh 2.

Giao hàng rau xanh ở Trung Quốc

Năm 2018, những ứng dụng giao hàng như Meituan hay Ele có tới 6 triệu người vận chuyển và con số này tăng lên nhiều lần khi dịch Covid-19 bùng phát. Thậm chí ngay cả khi dịch bệnh đã chấm dứt, thói quen tiêu dùng của người Trung Quốc cũng sẽ thay đổi khi họ thấy được hiệu quả của thương mại điện tử.

Hãng nghiên cứu Sanford C.Bernstein nhận định các ứng dụng như Meituan của Trung Quốc sẽ cần hơn 1 triệu người vận chuyển mỗi ngày trong năm 2021 để có thể đáp ứng sự dịch chuyển thói quen tiêu dùng của người dân. Vào mùa hè năm 2019, bình quân các ứng dụng giao hàng phải xử lý tới 20.000 đơn mỗi phút.

Thay đổi cơ cấu lao động

Ngành giao hàng và kinh tế chia sẻ cũng góp ích rất lớn cho thị trường lao động khi nhiều nhà máy phải đóng cửa và sa thải bớt nhân công. Trong khi công nhân cần kinh nghiệm, kỹ năng thì những người giao hàng này chỉ cần chứng minh thư, giấy khám sức khỏe và phương tiện vận chuyển để có thể làm việc.

Theo báo cáo của Meituan, khoảng 1/3 số người vận chuyển của hãng đã từng là công nhân và xu thế dịch chuyển này đang ngày một tăng do khó khăn sau khi dịch Covid-19 chấm dứt. Năm 2018, lần đầu tiên số lượng lao động nhập cư vào các thành thị ở Trung Quốc tại các ngành dịch vụ vượt qua các ngành sản xuất.

Trong khi hàng loạt nhà xưởng phải sa thải nhân công thì những hãng giao hàng lại tuyển thêm người. Ứng dụng mua thực phẩm tươi Freshippo của Alibaba đã phải tuyển thêm 2.000 nhân viên giao hàng cho 30 chuỗi nhà hàng. Tương tự, hãng Meituan cũng đã phải thuê thêm hơn 450.000 người giao hàng trong đợt dịch Covid-19.

Chuyên gia Ji Wenwen của trường đại học lao động Trung Quốc (CULR) nhận định ngành kinh tế chia sẻ ngày càng đóng vai trò quan trọng trên thị trường lao động những năm gần đây. Tại Hegang, một thị trấn chuyên khai khoáng than đá, khoảng 1/10 số người giao hàng tại đây đã từng làm thợ mỏ. Với mức thu nhập cao gấp đôi, rất nhiều thợ mỏ đang có ý định bỏ nghề đi làm "Shipper" (Người giao hàng).

"Thu nhập của tôi hiện còn cao hơn cả công chức nhà nước", anh Luo Qiong, một thợ mỏ chuyển nghề shipper tại Hegang tự hào nói.

Ứng dụng giao hàng và dịch Covid-19 thúc đẩy nền kinh tế chia sẻ Trung Quốc phát triển ra sao? - Ảnh 3.

Thậm chí, nhiều sinh viên tốt nghiệp cũng đi làm shipper ở Trung Quốc. Khoảng 1/5 số người giao hàng tại nước này có bằng đại học hay chứng chỉ nghề. Việc đi làm shipper giờ đây đã chẳng còn là điều gì đáng xấu hổ với những sinh viên ra trường. Tất nhiên, nhiều người cảm thấy họ vẫn chưa được khách hàng tôn trọng và đây là lý do các ứng dụng giao hàng khuyến khích việc không tiếp xúc khi nhận hàng.

Cụ thể, shipper sẽ để hàng ở cửa rồi bấm chuông, hoặc gửi vào các hòm thư, hòm giao hàng nếu có. Họ có thể chụp ảnh lại để xác nhận đã giao đúng hàng, còn việc thanh toán đã được thực hiện trực tuyến trước đó.

Khi dịch Covid-19 bùng phát, hình thức nhận hàng này càng được phổ biến và theo nhiều chuyên gia, thói quen tiêu dùng của người Trung Quốc sẽ thay đổi đáng kể khi nhận ra những lợi ích của kiểu giao dịch này.

AB

NỔI BẬT TRANG CHỦ