(Tổ Quốc) - Trong khuôn khổ Đại hội đồng lần thứ 41, chiều 9/9, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đã chủ trì Hội nghị Ủy ban Xã hội bằng hình thức trực tuyến.
Bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho hay, đại dịch COVID-19 bùng phát và lan rộng trên quy mô toàn cầu từ cuối năm 2019 đến nay đã gây ra những hậu quả nặng nề.
Là một trong 3 trụ cột chính của Cộng đồng ASEAN, Cộng đồng Văn hóa - Xã hội mang ý nghĩa quan trọng khi hướng tới một cộng đồng có trách nhiệm xã hội, kết nối trực tiếp với người dân và phục vụ cho người dân.
Việc này nhằm đạt được sự đoàn kết và thống nhất bền lâu giữa các quốc gia và người dân ASEAN thông qua việc tạo dựng một bản sắc chung và một xã hội chia sẻ, đùm bọc, hòa thuận, rộng mở, nơi cuộc sống và phúc lợi của người dân được nâng cao. Để thực hiện được mục tiêu này, sự ủng hộ và hợp tác hiệu quả giữa các Nghị viện thành viên AIPA là một yếu tố quyết định.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội tin tưởng, qua Hội nghị, các nghị sĩ sẽ chia sẻ kinh nghiệm, những bài học quan trọng rút ra từ mỗi nước và hơn cả là sáng kiến về sự phối hợp giữa các nước nhằm tối ưu hóa và tăng cường hợp tác giữa các quốc gia và nghị viện thành viên ASEAN.
Qua đó nâng cao vai trò vị thế của AIPA trong việc hỗ trợ Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN ứng phó với COVID-19, bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau.
Đoàn kết, chủ động thích ứng mới vượt qua được
Nêu ý kiến tại phiên họp, đại diện đoàn Campuchia cho rằng, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, cuộc chiến chống COVID-19 và quá trình phục hồi kinh tế - xã hội hậu COVID-19 không thể nào giải quyết ở các quốc gia đơn lẻ, đòi hỏi mở rộng hơn hợp tác quốc tế trên tinh thần đoàn kết.
Thảo luận về vấn đề này, đại diện đoàn Indonesia cho rằng, cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN là một cộng đồng gắn kết, bao trùm thì mới ứng phó được với đại dịch. COVID-19 mang đến nhiều thay đổi, song ASEAN vẫn mạnh mẽ và tự cường trong ứng phó với đại dịch. Chỉ khi chúng ta đoàn kết, gắn kết, chủ động thích ứng thì mới vượt qua được.
“Đây cũng là thời cơ chúng ta cân nhắc lại sự tăng trưởng của mình, xây dựng lại nền kinh tế, không được quyền chối bỏ các cam kết thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, nếu không khu vực sẽ tụt lại phía sau so với toàn thế giới” – Đại diện đoàn Indonesia nói thêm.
Chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam trong đối phó với đại dịch COVID-19, ông Nguyễn Hoàng Mai - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội nhấn mạnh, đó là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và mọi người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch với quan điểm "chống dịch như chống giặc"; thực hiện nguyên tắc “chủ động ngăn chặn, phát hiện sớm, cách ly kịp thời, khoanh vùng gọn, dập dịch triệt để, điều trị khỏi bệnh”.
Trong thành công chung đó, Quốc hội Việt Nam đóng vai trò đảm bảo hành lang pháp lý khi triển khai các biện pháp chống dịch COVID-19. Thông qua ngân sách thực hiện gói hỗ trợ sinh kế cho người dân và các doanh nghiệp bị tác động bởi dịch bệnh COVID-19. Thực hiện giám sát công tác phòng, chống dịch bệnh cũng như việc triển khai gói hỗ trợ điều chỉnh ngân sách theo hướng thúc đẩy đầu tư công, phục hồi phát triển kinh tế.