(Tổ Quốc) - Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên – Phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai khẳng định, thời gian từ lúc uống rượu đến khi có xét nghiệm âm tính (không còn nồng độ cồn trong máu, hơi thở) phụ thuộc rất nhiều yếu tố như: lượng rượu, nồng độ rượu, thời gian uống kéo dài, uống lúc đói, thể trạng của bản thân người đó.
Phụ thuộc vào nhiều yếu tố
Luật Phòng chống tác hại của rượu bia chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2020 quy định rõ hành vi điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn bị nghiêm cấm. Nhiều người dân đang rất thắc mắc việc sau khi uống rượu bia bao lâu thì sẽ không còn kiểm tra được nồng độ cồn?
Nói về vấn đề này, Ths.Bs Nguyễn Trung Nguyên – Phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, ethanol hay rượu là một chất độc gây tổn thương lên não, nhất là hệ thần kinh và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Đặc biệt, đối với người trẻ nếu lạm dụng, uống với liều lượng lớn sẽ rất dễ bị ngộ độc.
Nói về Luật Phòng chống tác hại của rượu bia, bác sĩ Nguyên cho rằng bộ luật này hoàn toàn đúng về mặt khoa học. Bởi vì, bất kể nồng độ cồn là bao nhiêu thì cũng đều ảnh hưởng tới hệ thần kinh của người sử dụng dẫn đến nguy cơ lái xe không an toàn.
Theo vị bác sĩ này, thời gian từ lúc uống rượu đến khi có xét nghiệm âm tính (không còn nồng độ cồn trong máu, hơi thở) còn phải phụ thuộc rất nhiều yếu tố như lượng rượu, nồng độ rượu, thời gian uống. Ngoài ra còn yếu tố khác là cơ thể, tình trạng bệnh lý, trên thực tế có nhiều người uống từ tối hôm trước nhưng hôm sau vẫn còn nồng độ cồn trong máu.
Chính vì vậy, để đảm bảo an toàn cho chính bản thân cũng như những người xung quanh, bác sĩ Nguyên khuyến cáo, người dân không nên sử dụng rượu bia, hạn chế tối đa số lần uống rượu, bia cũng như lượng rượu mỗi lần sử dụng.
Một số thực phẩm có thể làm tăng nồng độ cồn
Cũng theo bác sĩ Nguễn Trung nguyên, thực tế hiện nay có một số thực phẩm khi sử dụng có thể làm tăng nồng độ cồn trong cơ thể. Điều này khiến nhiều người lo lắng về việc không uống rượu bia nhưng nồng độ cồn vẫn cao do sử dụng một số thực phẩm.
Giải thích về vấn đề này, bác sĩ Nguyên cho biết một số thức ăn có nguồn gốc tinh bột, đường, nếu bảo quản không tốt, tồn lưu dài thì có thể men. Ngoài ra, một số loại quả lên men như dứa, vải hoặc thuốc như siro, dung dịch sát trùng miệng cũng có thể có lượng ethanol trong đó.
Tuy nhiên, vấn đề này thì người dân hoàn toàn yên tâm bởi nồng độ cồn trong các loại thực phẩm đều không cao và bay hơi sau một thời gian ngắn. Cùng với đó, quy trình kiểm tra, xét nghiệm nồng độ cồn của lực lượng chức năng hiện nay cũng rất chính xác.
Bác sĩ Nguyên cho biết thêm, ở một số nước trên thế giới thì việc test sàng lọc ban đầu nếu dương tính sẽ làm bước 2. Ở Việt Nam hiện nay, việc kiểm tra nồng độ cồn trong máu và hơi thở cũng đang được thực hiện như vậy.
Tuy vậy, vị bác sĩ này cũng khuyến cáo, nếu chúng ta không may ăn phải những đồ ăn, thức uống có ethanol thì ít nhất nên đợi 15- 30 phút mới tham gia giao thông để tránh việc bị xử phạt oan.