• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

“Ưu đãi đầu tư không nên làm hạn chế DN trong nước”

Kinh tế 27/06/2014 06:33

(Toquoc)-“Nên có những chính sách ưu đãi đầu tư công bằng và không nên làm hạn chế các DN trong nước”, chuyên gia Lê Đăng Doanh

(Toquoc) – “Chúng ta nên có những chính sách ưu đãi đầu tư công bằng và không nên làm hạn chế các DN trong nước. Tôi biết có những địa phương đã cấp ưu đãi đầu tư về đất, thuế…cho các dự án vượt khỏi khung pháp luật”, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhận định tại Hội thảo: “Ưu đãi đầu tư với hiệu quả hoạt động DN” diễn ra ngày 26/6 tại Hà Nội.

DN nhận ưu đãi đầu tư có mức lương cao hơn

Báo cáo “ \Ưu đãi đầu tư với hiệu quả hoạt động DN: Nghiên cứu từ điều tra công nghiệp Việt Nam” do Tổ chức Phát triển Công nghiệp LHQ (UNIDO) thực hiện khảo sát tại 1.500 doanh nghiệp đã cho thấy mối liên hệ giữa hiệu quả hoạt động DN và việc được hoặc không được nhận ưu đãi.

Các kết quả cho thấy rằng, về tổng thể, các công ty nước ngoài được nhận ưu đãi dường như có hiệu quả hoạt động tốt hơn các công ty trong nước.  Họ cũng có thị phần nhập khẩu đầu vào và mại vụ xuất khẩu cao hơn.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng các công ty nước ngoài nhận ưu đãi tuyển dụng nhiều lao động hơn, có năng suất lao động và cường độ vốn cao hơn so với các công ty nước ngoài không được nhận ưu đãi.  Ngoài ra, một khác biệt nữa là mức lương trên đầu người lao động tại các công ty được nhận ưu đãi cũng cao hơn so với các công ty khác.

Về tổng thể, báo cáo đã nhấn mạnh rằng, các chính sách ưu đãi đầu tư vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong nền kinh tế. 

Dù vậy, ông Brian Portelli, cán bộ tư vấn kỹ thuật của UNIDO cho rằng, các ưu đãi đầu tài chính chỉ đóng vai trò bổ sung chứ không phải là một nhân tố cần thiết trong tiến trình thu hút đầu tư.

“Khi tất cả các nhân tố khác đều ngang bằng như nhau, các ưu đãi thuế có thể được xem là đóng vai trò quyết định trong việc lựa chọn địa điểm cuối cùng của các nhà đầu tư. Về phương diện này, các ưu đãi thuế có xu hướng cải thiện tính cạnh tranh của nước sở tại trong nỗ lực thu hút đầu tư trực tiếp”, ông Brian Portelli – người trình bày báo cáo nhận định.

Cũng theo vị đại diện này, các chính sách ưu đãi đầu tư của Việt Nam cần được rà soát liện tục nhằm đánh giá, nâng cao tính hiệu quả hơn là tập trung vào tìm hiểu lợi ích của các DN được nhận ưu đãi.



Chính sách ưu đãi đầu tư không nên làm hạn chế DN trong nước

Nâng cao đào đạo nguồn nhân lực thay vì ưu đãi

Tại Hội thảo, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh không phủ nhận những hiệu quả từ các chính sách ưu đãi đầu tư mang lại song cũng thẳng thắn thừa nhận, Việt Nam nên tích cực cải thiện hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tốt hơn là tập trung vào ưu đãi đầu tư.

“Nếu như hội nhập quốc tế, “anh” sẽ thu hút bằng các chính sách ưu đãi. Nhưng nếu hội nhập một cách chủ động, “anh” sẽ thu hút đầu tư bằng chất lượng nguồn nhân lực, bằng công nghệ…Việt Nam chúng ta nhẽ ra phải nỗ lực nhiều hơn trong cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao kết cấu hạ tầng…thay vì ưu đãi đầu tư”, ông Doanh nhấn mạnh.

Vị chuyên gia này cũng thẳng thắn nhận định rằng, quy chế hành chính của Việt Nam đang quá phức tạp.

Vì thế, chúng ta nên có những chính sách ưu đãi đầu tư công bằng và các chính sách này không nên làm hạn chế các DN trong nước.

“Báo cáo cho thấy rằng, DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có kết quả hoạt động tôt hơn DN trong nước. Tuy nhiên, chúng ta phải thấy rằng, năm 2011, lãi suất ngân hàng quá cao từ 19-22%/năm. Mức lãi suất này làm xói mòn sức lực của DN trong nước trong khi DN FDI lại không phải chịu điều này. Ngoài ra, tôi còn biết có những địa phương đã cấp những ưu đãi về đất, thuế…cho các dự án vượt khỏi khung pháp luật nhưng không thấy trong báo cáo. Trong khi đó, rất nhiều DN trong nước muốn tìm mặt bằng để sản xuất, kinh doanh nhưng họ gặp vô vàn khó khăn…”, ông Doanh lấy ví dụ.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Đặng Xuân Quang cho rằng, hệ thống chính sách ưu đãi đầu tư của Việt Nam không hình thành một sớm một chiều mà là cả một quá trình, bị chi phối bởi hai khuynh hướng là hội nhập và phân cấp trong cấp giấy phép và quản lý dự án FDI tại Việt Nam thời gian qua.

Trên thực tế, các chính sách ưu đãi đã được phát triển theo hướng có kiểm soát chặt chẽ hơn, đã hạn chế được ban hành các ưu đãi đầu tư cấp tỉnh nhằm tránh sự cạnh tranh giữa các địa phương.  Ngoài ra, chính sách ưu đãi đầu tư cũng đã đồng bộ hơn, không chỉ tập trung về ưu đãi thuế, tài chính mà còn nhiều yếu tố khác như: hỗ trợ tài chính trực tiếp cho các DN như đền bù giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng giao thông…

Dù chính sách ưu đãi đầu tư không phải là biện pháp duy nhất và không thể thay thế các biện pháp khác trong thu hút đầu tư, song ông Đặng Xuân Quang cũng cho rằng, thời gian qua, các chính sách ưu đãi đầu tư đã thành công trong thu hút đầu tư nước ngoài.

“Tuy vậy, vẫn còn nhiều yếu tố chưa thành công như: thu hút FDI vào địa bàn khó khăn dù đã có những ưu đãi vượt trội, ngành công nghệ cao và nông nghiệp. Trong khi đó, đầu tư vào bất động sản giai đoạn 2006-2008 lại tăng nhanh trong khi không có chính sách ưu đãi nào”, ông Quang chia sẻ. 

Thời gian tới, lãnh đạo Cục Đầu tư nước ngoài cho biết sẽ giám sát chặt chẽ hơn việc thực thi các chính sách này. Nếu DN nào nhận ưu đãi đầu tư mà không làm đúng sẽ bị phạt.

“Tiêu chí cấp ưu đãi trong luật DN sửa đổi hy vọng sẽ rõ ràng, chuyên nghiệp hóa hơn”, ông Quang nói./.

Quỳnh Anh

NỔI BẬT TRANG CHỦ