• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Ưu đãi tràn lan, chuyển giá càng thêm phức tạp

Kinh tế 20/07/2018 09:52

(Tổ Quốc) - Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực kiểm toán và thuế đã nhận định việc Việt Nam tạo ra quá nhiều ưu đãi cho các doanh nghiệp dẫn đến tràn lan khiến hiện tượng các doanh nghiệp chuyển giá càng thêm phức tạp.

Không cấp ưu đãi một cách tràn lan, đại trà

Theo PGS. TS Lê Xuân Trường, Trong thời gian vừa qua, chúng ta không chỉ đối mặt với chuyển giá quốc tế mà còn chuyển giá nội địa, không chỉ phải đối mặt với chuyển giá “lỗ” (doanh nghiệp chuyển lợi nhuận ra nước ngoài, báo lỗ khiến nhà nước thất thu) nhưng mà còn chuyển giá “lãi” tức là 2 công ty con cùng ở Việt Nam, 1 là ở địa bàn ưu đãi và 1 ở địa bàn không ưu đãi.

PGS. TS Lê Xuân Trường cho rằng cần thu hẹp ưu đãi thuế để hạn chế chuyển giá. Ảnh: Phùng Nguyên.

Tuy nhiên, “do ưu đãi quá rộng, lắt nhắt và nhiều đến nỗi không ai còn có thể nhớ nổi, tra cứu rất khó vì nằm ở nhiều văn bản khác nhau dẫn đến nhiều rủi ro và tạo ra cơ hội cho doanh nghiệp chuyển giá”, PGS. TS Lê Xuân Trường nhận định.

Ưu đãi nhiều cũng có tính 2 mặt, chúng ta muốn đầu tư, muốn tạo đột phá phát triển thì chúng ta phải chấp nhận và ông cũng đặt ra câu hỏi: liệu rằng những ưu đãi thuế và giá trị kinh tế thu lại có bù được cho những gì mất mát về số thu trong chuyển giá hay không?

Trong năm 2017, cơ quan thuế các cấp đã tiến hành thanh tra, kiểm tra được 734 doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết; truy thu, truy hoàn và phạt 2.270,58 tỷ đồng; giảm lỗ 7.416,54 tỷ đồng; điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế 4.134,73 tỷ đồng.

Tất nhiên, không phải toàn bộ số lỗ được xác định giảm và số thuế truy thu đều là kết quả của hoạt động đấu tranh chống chuyển giá, mà một phần là kết quả của việc phát hiện các hành vi trốn thuế khác.

Thời gian vừa qua, ngành thuế đã đấu tranh chuyển giá thành công đối với các doanh nghiệp FDI sản xuất, kinh doanh chè ở Lâm Đồng, Keangnam, Hualon Corporation Việt Nam, Metro Việt Nam… và đây là những kết quả bước đầu đáng ghi nhận của hoạt động đấu tranh chống chuyển giá tại Việt Nam, tuy nhiên vẫn còn chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra.

Khác với các nước phát triển, là nước đang phát triển, Việt Nam đang rất mong muốn đầu tư và có phần thu hút đầu tư bằng mọi giá. Rất nhiều những cơ chế, chính sách ưu đãi thuế cho doanh nghiệp FDI. Một phần do buông lỏng quản lý, thiếu giám sát của cơ quan thuế đối với các khu vực này. Chính vì vậy đã làm tăng động cơ không tuân thủ thuế, tránh thuế của các nhà đầu tư nước ngoài.

Ở cấp độ địa phương, địa phương nào cũng tìm cách cấp phát ưu đãi dẫn đến tình trạng “cùng kéo nhau xuống đáy” đó là nhận định của chuyên gia kinh tế đến từ Đại học Fulright, TS Đỗ Thiên Anh Tuấn.

Cần thu hẹp ưu đãi để chống chuyển giá

Chênh lệch thuế thu nhập doanh nghiệp giữa các quốc gia, chênh lệch thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp trong một quốc gia do áp dụng thuế suất ưu đãi và các ưu đãi khác như miễn, giảm thuế là tiền đề để các doanh nghiệp thực hiện hành vi chuyển giá.

Vì những mục tiêu nhất định, cần phải thực hiện ưu đãi thuế, song theo PGS. TS Lê Xuân Trường: Cần cân nhắc các cách thức khác để điều tiết các vấn đề kinh tế, chỉ sử dụng ưu đãi thuế trong những trường hợp có lợi nhất so với các hình thức ưu đãi khác, chẳng hạn như trợ cấp, trợ giá, hỗ trợ phát triển kết cấu hạ tầng... “Nên hạn chế tối đa các chính sách xã hội trong ưu đãi thuế”.

Phỏng vấn Tiến sĩ Đỗ Thiên Anh Tuấn tại hành lang Hội thảo “Chuyển giá – Những vấn đề trong công tác quản lý hiện nay”. Ảnh: Phùng Nguyên.

Đồng quan điểm về vấn đề này, Tiến sĩ Đỗ Thiên Anh Tuấn cho rằng, mặc dù các ưu đãi thuế có thể được áp dụng nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư hiệu quả và có đóng góp cho tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và cải thiện thu nhập của người dân nhưng về mặt dài hạn, tất cả mọi doanh nghiệp đều phải nộp thuế.

“Đó là nguyên tắc công bằng liên thời gian của thuế”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Phùng Nguyên

Phùng Nguyên

NỔI BẬT TRANG CHỦ