• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục cho học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số

Giáo dục 03/11/2023 16:13

(Tổ Quốc) - Đây là những nội được các đại biểu tập trung trao đổi tại Tọa đàm “Học sinh - sinh viên dân tộc thiểu số tiêu biểu các trường Văn hóa, Thể thao và Du lịch khu vực phía Nam dưỡng tâm trong, rèn trí sáng, xây hoài bão lớn” diễn ra sáng nay (ngày 3-11) tại Trường Đại học Thể dục thể thao Thành phố Hồ Chí Minh.

Toạ đàm là một trong những hoạt động đáng chú ý nằm trong khuôn khổ sự kiện "Giao lưu học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số tiêu biểu các trường Văn hóa, Thể thao và Du lịch khu vực phía Nam lần VIII, năm 2023" diễn ra từ ngày 2/11 - 3/11/2023.

Ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục cho học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số - Ảnh 1.

“Tọa đàm học sinh - sinh viên dân tộc thiểu số tiêu biểu các trường Văn hóa, Thể thao và Du lịch khu vực phía Nam dưỡng tâm trong, rèn trí sáng, xây hoài bão lớn” tập trung thảo luận những vấn đề liên quan đến chính sách ưu đãi, chế độ ưu tiên trong giáo dục - đào tạo của Đảng và Nhà nước đối với học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Phát biểu tại mở đầu Toạ đàm, TS. Võ Quốc Thắng, Hiệu trường Đại học Thể dục thể thao TP.HCM cho biết, ngày hội "Giao lưu học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số tiêu biểu các trường Văn hóa, Thể thao và Du lịch khu vực phía Nam lần VIII, năm 2023" là sự kiện văn hóa tiêu biểu thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đối với học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số đang học tập tại các cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ tại khu vực phía Nam nói riêng và cả nước nói chung.

Giao lưu không chỉ có ý nghĩa thiết thực trong việc động viên, khích lệ các em học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số phấn đấu học tập, rèn luyện tốt để trưởng thành và cống hiến cho đất nước, mà còn là cơ hội để các em học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số gắn kết, có thêm hiểu biết về văn hóa cộng đồng, khơi gợi trong các em lòng yêu nước, yêu đồng bào, góp phần gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số trong cộng đồng văn hoá các dân tộc Việt Nam.

"Sự kiện sẽ là một kỷ niệm đẹp, dấu ấn khó quên của tất cả sinh viên, đồng thời lan toả những năng lượng tích cực đến toàn thể học sinh, sinh viên, thanh niên dân tộc thiểu số trong cả nước noi gương các bạn học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số tiêu biểu để vượt qua mọi khó khăn, thách thức, nổ lực phấn đấu học tập thật tốt, đủ hành trang kiến thức để lập thân, lập nghiệp, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phát triển phồn vinh." TS. Võ Quốc Thắng chia sẻ.

Ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục cho học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số - Ảnh 2.

Các đại biểu và hơn 400 học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số các trường Văn hóa, Thể thao và Du lịch khu vực phía Nam tham dự toạ đàm.

Nhiều chính sách ưu tiên dành cho học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số

Mở đầu bài phát biểu, TS. Đoàn Tiến Lộc - Chuyên viên chính Vụ Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh việc cần thiết phải quan tâm đầu tư, phát triển hơn nữa chất lượng giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đặc biệt là ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo đối với các vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa và các đối tượng chính sách...

Theo TS Đoàn Tiến Lộc, Việt Nam có 54 dân tộc, trong đó dân tộc Kinh chiếm đa số với tỷ lệ 85,3%, còn lại là 53 dân tộc thiểu số với tỷ lệ 14,7%. Mặc dù đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ thấp nhưng được coi là "phên giậu" của Tổ quốc. Có vị trí, vai trò hết sức quan trọng trong tiến trình phát triển cũng như hội nhập của đất nước.

Ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục cho học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số - Ảnh 3.

TS. Đoàn Tiến Lộc - Chuyên viên chính Vụ Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chia sẻ tại Toạ đàm.

TS Đoàn Tiến Lộc cho biết, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản, chủ trương, chính sách ưu tiên, hỗ trợ học tập cho học sinh, sinh viên các dân tộc thiểu số đặc biệt là các cơ sở đào tạo thuộc Bộ VHTTDL.

Tuy nhiên, nhìn nhận từ thực tế, TS Đoàn Tiến Lộc cho rằng không phải không phải học sinh, sinh viên nào cũng có thể tìm hiểu và biết rõ dân tộc thiểu số của mình đang được hưởng những chế độ, chính sách ưu tiên nào. Đặc biệt là chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập theo từng vùng, từng dân tộc thiểu số.

Tại Toạ đàm TS Đoàn Tiến Lộc đã dành nhiều thời gian chia sẻ về các chính sách ưu tiêu, hỗ trợ học tập của Đảng, Nhà nước, Chính phụ, Bộ nghành đối với HSSV dân tộc thiểu số nhằm giúp học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số biết và hiểu rõ hơn những ưu tiên mình nhận được.

Đáng chú ý là các chính sách tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học, giá dịch vụ trong lĩnh vực đào tạo.

Cụ thể, Điều 15 - đối tượng được miễn học phí gồm: Học sinh, sinh viên hệ cử tuyển (kể cả học sinh cử tuyển học nghề nội trú với thời gian đào tạo từ 3 tháng trở lên) theo quy định của Chính phủ về chế độ cử tuyển vào các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; Học sinh, sinh viên học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học người dân tộc thiểu số có cha hoặc mẹ hoặc cả cha và mẹ hoặc ông bà (trong trường hợp ở với ông bà) thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Nghị định 81 cũng quy định cụ thể các đối tượng được giảm 70% học phí và các đối tượng được giảm 50% học phí.

Ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục cho học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số - Ảnh 4.

Các học sinh, sinh viên đến từ nhiều đơn vị, trường thuộc Bộ VHTTDL.

TS Đoàn Tiến Lộc cũng cho biết Khoản 1, Điều 2, Nghị định 57/2017/NĐ-CP quy định chính sách miễn học phí đối với học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số rất ít người gồm 16 dân tộc: Cống, Mảng, Pu Péo, Si La, Cờ Lao, Bố Y, La Ha, Ngái, Chứt, Ơ Đu, Brâu, Rơ Măm, Lô Lô, Lự, Pà Thẻn, La Hủ.

Ngoài ra, Quyết định 66/2013/QĐ-TTg cũng quy định chính sách hỗ trợ chi phí học tập đối với sinh viên là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo thi đỗ vào các trường Đại học, Cao đẳng hệ chính quy trong cơ sở giáo dục đại học thì mức hưởng là 60% mức lương cơ bản và hưởng không quá 10 tháng/năm.

Tại toạ đàm, TS Đoàn Tiến Lộc cũng thông tin đến các học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số nhiều chính sách, chế độ ưu tiên khác như: Chế độ về Nội trú đối với hệ Cao đẳng, trung cấp (Quyết định 53/2015/QĐ-TTg); Chế độ ưu đãi đối với HSSV các nghành nghệ thuật truyền thống ( Quyết định 41/2015/QĐ-TTg); Trợ cấp xã hội (Theo thông tư 13/2022/TTLT-BGDĐT-BCT); và các nội dung chính tại Nghị định 05/2011/NĐ-CP về công tác dân tộc.

Sáng tạo truyền thống - Thúc đẩy khát vọng phát triển của sinh viên dân tộc thiểu số

Trao đổi tại toạ đàm Ths. Chu Phạm Minh Hằng - Giảng viên khoa Văn hóa dân tộc thiểu số, Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh nhìn nhận, Học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số có vai trò rất lớn trong việc phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội.

Hiện nay Đảng, Nhà nước có rất nhiều chính sách, chế độ để hỗ trợ học sinh sinh viên đang theo học tại các trường đào tạo, tuy nhiên Ths. Chu Phạm Minh Hằng cũng đặt ra câu hỏi sau khi ra trường học sinh, sinh viên đặc biệt là trong nghành VHTTDL sẽ có cơ hội tham gia phát triển kinh tế, xã hội như thế nào?

Ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục cho học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số - Ảnh 5.

Theo Ths. Chu Phạm Minh Hằng, học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số có nhiều lợi thế như, có sẵn vốn văn hoá - bản sắc dân tộc mỗi vùng miền riêng. Đặc biệt ở thời điểm hiện tại khi công nghệ truyền thông phát triển và nền kinh tế hội nhập, học sinh, sinh viên dễ dàng tuyên truyền bản sắc dân tộc qua các nền tảng mạng xã hội...

Tuy nhiên thách thức đặt ra, nhiều sinh viên chưa hiểu hết bản sắc đặc trưng của dân tộc cũng như thế mạnh của địa phương. Đặc biệt là chưa nắm rõ câu chuyện truyền thông như thế nào cho đúng, đậm bản sắc văn hoá dân tộc.

Về vấn đề này, Ths. Chu Phạm Minh Hằng cho rằng, sinh viên nên biết kết hợp nghành nghề mình học với những bản sắc văn hoá đặc trưng vốn có của địa phương.

Dẫn giải về vấn đề trên, Ths. Chu Phạm Minh Hằng lấy ví dụ một sinh viên người Hmong học nghành du lịch của Trường ĐH Văn hoá sau khi ra trường đã vận dụng kiến thức học được quay về quê hương "Lấy di sản địa phương xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng" - mở cửa hàng kinh doanh vải truyền thống, trang phục người Hmong theo phong cách trẻ trung (cách tân) phù hợp với xu hướng thời trang hiện đại để bán cho khách du lịch và đang rất thành công.

Ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục cho học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số - Ảnh 6.

Sinh viên Giàng Thị Si sau khi tốt nghiệp đã thành công với thương hiệu thời trang trẻ trung nhưng mang đậm bản sắc người Hmong.

Hay như một sinh viên khác của trường ĐH Văn Hoá cũng đã thành công với mô hình kinh doanh quán cafe, quán ăn, du lịch theo phong cách xây dựng nhà sàn - nhà đặc trưng của người đồng bào Tây Nguyên đi kèm với đó là những món ăn đặc sản của người đồng bào miền núi.

"Sáng tạo truyền thống - chính là cơ hội để sinh viên, học sinh dân tộc thiểu số thúc đẩy cơ hội, khát vọng phát triển" - Ths. Chu Phạm Minh Hằng nhấn mạnh.

Ths. Chu Phạm Minh Hằng cũng cho rằng, thời gian tới các cơ sở đào tạo và Bộ VHTTDL cần Xây dựng kế hoạch cụ thể trong việc phát huy vai trò của sinh viên, học sinh dân tộc thiểu số để sinh viên nhận thức rõ tầm quan trọng của việc xây dựng nền văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc của dân tộc; Tổ chức các hội thảo, giao lưu văn hoá, tạo môi trường để học sinh, sinh viên phát huy tính tích cực và chủ động đặc biệt trong vấn đề khởi nghiệp.

Ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục cho học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số - Ảnh 6.

Học sinh, sinh viên đặt câu hỏi tại Tọa đàm.

Tại Toạ đàm các sinh viên cũng đặt ra nhiều câu hỏi cho các Đại biểu liên quan đến các vấn đề chính sách ưu tiên, hỗ trợ học tập cho học sinh sinh viên dân tộc thiểu số tại các trường Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng như định hướng và phát huy vai trò của thanh niên dân tộc thiểu số trong tham gia phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội.

Sự kiện giao lưu lần này có sự tham gia của hơn 300 em học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số đến từ 12 cơ sở đào tạo của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại khu vực phía Nam: Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Thể dục thể thao Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Sân khấu - Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh, Trung cấp Múa Thành phố Hồ Chí Minh, Cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai, Cao đẳng Du lịch Vũng Tàu, Cao đẳng Du lịch Đà Lạt, Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, Cao đẳng Du lịch Cần Thơ.

Trong khuôn khổ Giao lưu bao gồm 5 hoạt động chính: Tọa đàm "dưỡng tâm trong, rèn trí sáng, xây hoài bão lớn"; Chương trình Đêm Giao lưu; Chương trình Đốt lửa trại; các nội dung thi văn hóa - thể thao; các hoạt động khác.

Nhật Nam

NỔI BẬT TRANG CHỦ