• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Văn chương Sài Gòn 1881-1924: "di sản" văn chương thuở ban đầu chữ quốc ngữ cần bảo tồn

Văn hoá 12/12/2018 17:06

(Tổ Quốc) - Độc giả yêu văn chương chắc sẽ không xa lạ với tác giả Trần Nhật Vy qua các đề tài nghiên cứu về Sài Gòn như: Mười tám thôn vườn trầu; Chữ quốc ngữ 130 năm thăng trầm; Từ Bến Nghé đến Sài Gòn; Ba nhà báo Sài Gòn; Chuyện nghề báo, nhà báo Sài Gòn thuở ban đầu; Văn chương Sài Gòn.

Bộ sách Văn chương Sài Gòn - tuyển tập truyện bằng chữ quốc ngữ xưa nhất của nước ta lần đầu tiên được tác giả Trần Nhật Vy tập hợp lại thành sách. Văn chương Sài Gòn hai thập niên cuối thế kỷ 19 và hai thập niên đầu thế kỷ 20 xứng đáng là một nền văn học đáng trân trọng. Thế nhưng gần suốt thế kỷ 20, nền văn học này bị lịch sử văn học bỏ quên. Đó là thiệt thòi lớn cho đất nước ta và cho chúng ta hôm nay.

Văn chương Sài Gòn 1881-1924: di sản văn chương thuở ban đầu chữ quốc ngữ cần bảo tồn - Ảnh 1.

Bộ sách 3 tập Văn chương Sài Gòn 1881-1924 của tác giả Trần Nhật Vy

Khi báo chí mới xuất hiện tại Sài Gòn, chữ quốc ngữ dần hình thành, câu chuyện văn chương cũng phát triển theo những tờ báo điển hình như: Gia Định Báo, Nông cổ Mín Đàm, Trung Lập Báo, Nam kỳ, Nam Kỳ địa phận, Lục Tỉnh Tân Văn, Tân Đợi Thời Báo... Theo dòng lịch sử lúc bấy giờ thì: Tầng lớp nào có cơ hội tiếp thu tinh hoa từ báo chí? Cách đặt mua một tờ báo như thế nào? Báo chí liệu có được phân phối ở những vùng ngoại ô? Dường như chỉ có tầng lớp trí thức và biết mặt chữ không nhiều lúc bấy giờ đặt mua báo, giá mua một tờ báo là 10 xu. Ngày nay chúng ta có thể mua một tờ báo bằng các dịch vụ tiện ích, đọc báo điện tử... Thế nhưng ngày xưa báo sẽ được bày bán ở đâu ? Cách trình bày và rao tin trên một tờ báo, in ấn và sản xuất khi chưa có công nghệ tiên tiến, số lượng các đầu báo và số lượng bản in. Để tiếp cận chữ viết và nền văn chương Sài Gòn là cả một cả một câu chuyện dài cần tiếp cận và khám phá.

Việc bảo tồn di sản vốn có những thứ nhìn thấy được lẫn không nhìn thấy được. Thông thường khi bàn về di sản, người ta thường đề cập đến những thứ hữu hình như những di sản cần được bảo tồn đã mất và sắp đánh mất. Mặt khác, có những thứ con người không quan tâm bằng như lời nói và văn chương, đó có phải là một phần linh hồn của dân tộc? Nhận định về vấn đề này, tác giả Trần Nhật Vy chia sẻ: "Thật ra có những di sản người ta giữ, nhưng cũng có những thứ người ta quên đi. Ví dụ: Hiện nay cái mà di sản được quốc tế thừa nhận là đờn ca tài tử (di sản phi vật chất). Những danh lam thắng cảnh được thừa nhận (di sản vật chất). Nhưng lại có những thứ, nếu như một đến hai thế hệ khi quên đi, những thế hệ kế cận sẽ quên đi mất, không thể lưu truyền lại từ các thế hệ, đó chính là sự tổn thất cũng như "di sản" không thể nhìn thấy được. Nhìn nhận được di sản là điều cần thiết. Chúng ta muốn có ngôi nhà tồn tại ngàn năm, thì phải giữ từ 100 năm trở đi và bảo vệ nó và chăm sóc thường niên. Di sản là một phần của linh hồn mỗi dân tộc, cần phải giữ nhưng cần thiết phải chọn lọc. Làm thế nào phải hạn chế sự thiệt hại ít nhất. Không vì phát triển bằng mọi giá mà phá bỏ những giá trị đang tồn tại".

Bên cạnh những hoạt động giới thiệu tập sách tới bạn đọc, NXB Văn hóa - Văn nghệ sẽ phối hợp cùng Đường Sách TP.HCM thực hiện triển lãm kỷ niệm 320 năm thành lập Thành phố Sài Gòn - TP. Hồ Chí Minh. Nội dung triển lãm xoay quanh hình ảnh các tờ báo nổi tiếng Sài Gòn, từ khi chữ Quốc ngữ mới ra đời. Với mong muốn giới thiệu đến độc giả một nền văn chương Sài Gòn xưa đâu đó còn thất lạc giữa thời đại hiện nay. Khôi phục các giá trị văn hóa tinh thần, những giá trị đặc trưng của Sài Gòn - TP.Hồ Chí Minh từ những ngày mới thành lập thành phố này. Các hình ảnh triển lãm được trích từ bộ sách Văn chương Sài Gòn.

V.Vân

NỔI BẬT TRANG CHỦ